TIN LIÊN QUAN
Đối với người dùng internet, Wikipedia có lẽ là một trong số những trang web hữu ích nhất khi gần như chứa đựng mọi tri thức của nhân loại về mọi vấn đề lẫn lĩnh vực khác nhau. Điều tuyệt vời hơn, nội dung của Wikipedia được tạo lên từng chính những đóng góp của người dùng. Thế nhưng, không phải lúc nào chính sách khuyến khích người dùng đóng góp nội dung này cũng đem lại kết quả tốt, như câu chuyện vừa được vạch trần tại Trung Quốc vừa qua.
Theo báo cáo trực tuyến từ một số nguồn tổng hợp tin tức lâu đời tại Trung Quốc, một người phụ nữ giấu tên đang được cho là phải chịu trách nhiệm vì đã đóng góp hơn 200 bài viết bịa đặt liên quan đến lịch sử Trung cổ của Nga cho trang Wikipedia tiếng Trung. Điều đáng nói là các địa điểm, sự kiện và nhân vật trong các bài viết của người này hoàn toàn là sản phẩm hư cấu. Các bài viết đã được gửi đến Wikipedia suốt 10 năm qua.
Người phát giác ra hành vi phá hoại này là Yifan, một tiểu thuyết gia chuyên thể loại giả tưởng của Trung Quốc. Cách đây ít lâu, Yifan tìm kiếm nguồn cảm hứng cho cuốn sách mới trên Wikipedia tiếng Trung. Anh tập trung vào lịch sử Trung cổ của Nga và tình cờ có được thông tin về mỏ bạc lớn ở thời này có tên gọi là Kashin, ban đầu nó thuộc sở hữu của Tver, một quốc gia độc lập tồn tại trong khoảng thế kỷ 13 đến 15. Sau đó, mỏ bạc này thuộc về Đại công quốc Moscow, cho đến khi nó bị đóng cửa vào thế kỷ 18, khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Bài viết trên Wikipedia miêu tả lịch sử của mỏ bạc Kashin rất hấp dẫn, nơi này từng có khoảng 30.000 nô lệ và 10.000 người đã được trả tự do. Bên cạnh đó, nó cũng đề cập đến những cuộc chiến quy mô cũng như hàng loạt câu chuyện kinh tế xoay quanh. Yifan bị thu hút bởi địa danh này nên đã tìm hiểu thêm thông tin về nó. Tuy nhiên, phần lớn thông tin anh tìm được chỉ có ở Wikipedia tiếng Trung. Do đó, Yifan đã chuyển sang Wikipedia tiếng Nga, nhưng anh ngạc nhiên khi phát hiện ra các trang Wikipedia tiếng Nga thậm chí có nội dung ngắn hoặc dài hoặc đề cập những nội dung hoàn toàn khác so với trang tiếng Trung. Điều này vô cùng kỳ quái, vì Yifan không tin trang Wikipedia của Nga lại cung cấp thông tin thiếu chính xác về lịch sử nước Nga.
Khi đang bị cuốn hút bởi câu chuyện về mỏ bạc Kashin, Yifan đã kể câu chuyện về nó với tất cả bạn bè của anh, nhưng không ai trong số họ từng nghe về địa điểm này. Một vài người cho biết họ từng nghe về một thị trấn ở Tver Oblast, Nga có tên gọi như vậy, nhưng nó không phải mỏ bạc, thậm chí cũng vẫn còn hoạt động. Sự khập khiễng giữa các nguồn thông tin khiến Yifan cảm thấy có gì đó không bình thường với Wikipedia tiếng Trung. Anh quyết định dành thời gian nghiên cứu toàn bộ thông tin liên quan đến mỏ bạc Kashin và phát hiện ra tất cả các bài viết đều là sản phẩm hư cấu do một người dùng gửi lên.
“Các mục của Wikipedia tiếng Trung chi tiết hơn Wikipedia tiếng Anh và thậm chí là cả Wikipedia tiếng Nga,” Yifan chia sẻ trên nền tảng hỏi đáp Zhihu. “Wikipedia tiếng Trung có nhiều nhân vật không hề tồn tại trong Wikipedia tiếng Anh-Nga, những nhân vật này được trộn lẫn với các nhân vật lịch sử có thật nên khó phân biệt được thật giả. Thậm chí, cả cuộc chiến giữa Moscow-Tver nhằm tranh chấp mỏ bạc Kashin cũng không có thật.”
Phản hồi của nhà văn Yifan đã được lan truyền rộng rãi trên internet, khiến Wikipedia phải mở một cuộc điều tra về vụ việc. Kết quả khiến nhiều người dùng bất ngờ, vì hóa ra trong hơn 10 năm qua, một người dùng ra viết ra hàng triệu từ hư cấu lịch sử Nga, tạo hơn 200 bài viết trên Wikipedia và đóng góp thông tin vào hàng trăm bài viết khác. Những câu chuyện phức tạp, các cuộc chiến lẫn nhân vật, tất cả đều được thêu dệt thành những bài viết rất dài khiến người đọc không thể kiểm chứng và cho qua.
Tác giả viết bài hư cấu này là người Trung Quốc, bà có nickname là Zhemao. Zhemao tuyên bố bà là con gái của một nhà ngoại giao từng làm việc tại Nga và có bằng cấp về lịch sử Nga, nhưng sau khi trò lừa bịp kéo dài cả chục năm này của Zhemao bị lộ, bà đã thú nhận rằng bản thân chỉ là một bà nội trợ với trình độ trung học, có trí tưởng tượng phong phú.
Zhemao đã bài tỏ sự hối hận của bà như sau: “Thật khó để bù đắp những rắc rối mà tôi đã gây ra, vì vậy một lệnh cấm vĩnh viễn có lẽ là lựa chọn duy nhất. Trình độ hiện nay của tôi không đủ để kiếm sống. Vì vậy, trong tương lai tôi sẽ học một nghề, làm việc kiếm tiền lương thiện và không làm những chuyện viển vông như thế này nữa.”
Theo các nguồn tin, Zhemao bắt đầu hoạt động trên Wikipedia vào năm 2010, bà viết những bài viết sai sự thật về tham quan Hòa Thân dưới triều nhà Thánh. Năm 2012, bà bắt đầu chuyển hướng sang lịch sử Nga. Zhemao bắt đầu bằng việc biên tập các bài viết có sẵn về Tsar Alexander I của Nga, sau đó bắt đầu sáng tác những bài viết bịa đặt, kể lại lịch sử nước Nga theo trí tưởng tượng của riêng mình.
Hiện tại, hầu hết các bài viết bịa đặt của Zhemao về lịch sử nước Nga đã bị xóa khỏi Wikipedia tiếng Trung, trong khi một số khác được cập nhật bổ sung để phản ánh đúng tình hình thực tế. Các chỉnh sửa của Zhemao trên các bài viết khác cũng đã bị xóa. Bà đăng tải một lá thư xin lỗi trên tài khoản Wikipedia tiếng Anh của mình, tự nhận việc làm này chỉ để có động lực tìm hiểu về lịch sử…
Mặc dù các biên tập viên của Wikipedia nói rằng việc làm này của Zhemao đã làm tổn hại đến uy tín của Wikipedia tiếng Trung hiện tại, nhưng công chúng lại thấy rất thích thú trước câu chuyện cũng như khả năng sáng tác của Zhemao, chúng có vẻ “thật” đến nỗi trong hơn 10 năm không ai nhận ra sự thật.
“Hư cấu ra cả một dòng lịch sử với các chi tiết như quần áo, tiền bạc và đồ dùng như vậy cũng tuyệt lắm đó.” Một người dùng Weibo cho biết.