Thời gian qua chứng kiến Resident Evil trở lại và làm mưa làm gió với phiên bản thứ 8 mang tên Âm Binh Thôn Làng (RE Village). Tuy nhiên với các game thủ kỳ cựu thực tế vẫn còn nhiều cái tên ấn tượng trong thể loại kinh dị không kém phiên bản RE nhưng vì nhiều lý do khác nhau chúng phải chấp nhận lùi bước để thấy RE rõ hơn.
Hãy cùng điểm qua những cái tên này và biết đâu bạn có thể tìm ra chân ái mới cho mình dù không phải tựa game nào trong danh này cũng là hàng mới toanh.
Lưu ý rằng trong danh sách dưới đây, Mọt sẽ bỏ qua những tựa game đã được nhắc quá nhiều như series Silent Hil,… và danh sách này dựa trên những đánh giá cảm tính của Mọt nhé.
Phụ lục
Daymare 1998 (2019)
Thể loại game kinh dị sinh tồn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với phần đông game thủ, do đó kể cả một tựa game indie có chút nghèo nàn như Daymare: 1998 cũng nhận được rất nhiều sự tán thưởng, nhất là khi lối chơi của nó ăn theo phong cách rõ rệt của Resident Evil – đặc biệt có thể coi đây là một bản sao “đỗ nghèo khỉ” từ RE 2 Remake cũng đúng.
Do sự hạn chế về kinh phí của studio, ngày từ cốt truyện Daymare: 1998, game thủ có thể thấy trò chơi đi theo mô tuýp khá quen thuộc, khi trạm nghiên cứu bí mật có tên là Aegis đột nhiên phát sinh những biến cố bất ngờ, với các mẫu vật đột biến thoát được ra ngoài và bắt đầu tàn sát những nhân viên tại đây. Trong nỗ lực sinh tồn, những người may mắn sống sót đã gửi một tín hiệu tới trụ sở chính để báo cáo lại tình hình.
Nhưng thay vì cử các đội đặc nhiệm tới để ứng cứu, thì tất cả những gì mà Aegis nhận được lại là một đám lính đánh thuê có nhiệm vụ thu hồi thành phẩm nghiên cứu, cũng như giết chết tất cả những ai còn sống để bịt đầu mối. Một số game thủ khó tính có thể chê trách Daymare: 1998 vì sự thiếu sáng tạo và copy hơi nhiều từ bậc tiền bối nhưng nếu bỏ qua vụ này thì trò chơi cũng đáng để tham khảo với mức giá hữu nghị.
Tuy vậy do chỉ là một game indie với kinh phí hạn chế, nên chúng ta không thể đòi hỏi Daymare: 1998 cũng hoành tráng như bom tấn Resident Evil 2 Remake được. Nhìn chung thì Daymare: 1998 là một game kinh dị sinh tồn khá hay, mặc dù ý tưởng không mới nhưng cách nó triển khai và đem lại cảm giác quen thuộc từ RE lại rất đáng khen ngợi. Nếu như bạn đang tìm kiếm một thứ gì đó để đổi gió, thì Daymare: 1998 chắc chắn sẽ là lựa chọn không tệ chút nào đâu.
Alien Isolation (2014)
Nhắc tới một trong những trò chơi kinh điển nhất thuộc thể loại kinh dị của ngành công nghiệp game hiện đại, chắc chắn không thể bỏ qua Alien: Isolation, được phát hành đa nền vào tháng 10 năm 2014. Đây là tựa game kinh dị sinh tồn phát triển dựa trên thương hiệu phim rất nổi tiếng, đưa người chơi vào một trò “mèo vờn chuột” với Xenomorph – một trong những loài quái vật đáng sợ nhất thế giới game.
Ngay từ khi mới ra mắt Alien: Isolation đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn lẫn cộng đồng game thủ. Những điểm tích cực của trò chơi bao gồm gameplay được xây dựng tốt, tập trung nhiều vào yếu tố sinh tồn và cơ chế lén lút, đưa người chơi vào bối cảnh không thể ngột ngạt hơn khi cái chết luôn hiện hữu xung quanh. Đó còn chưa kể tới sự xuất sắc trong khâu thiết kế âm thanh, thứ đã giúp cho nỗi sợ hãi, sự căng thẳng mà Alien: Isolation đem lại được đẩy lên cực độ.
Tuy nhiên điều khiến phần hai của game sau 7 năm vẫn chưa thấy tăm hơi đâu chính là vì doanh số bán ra không đạt đến mức kỳ vọng của nhà phát hành SEGA. Quay trở lại năm 2015, có thông tin cho rằng Alien: Isolation bán được khoảng hơn 2 triệu bản, con số tương đối ấn tượng với một trò chơi kinh dị. Tuy nhiên, với Sega, con số này chưa đủ thuyết phục và bị đánh giá là có sức bán khá yếu, mặc dù báo cáo này giúp tăng doanh thu từ phần mềm của công ty lên 41% trong năm tài chính đó.
Đáng buồn hơn vào năm 2017, nhiều nhân viên cũ tại Creative Assembly hay ít nhất là những người đã làm nên sự thành công cho Alien: Isolation đều đã ra đi tìm bến đỗ mới. Điều này có nghĩa là kể cả khi Creative Assembly muốn làm Alien: Isolation 2 thì họ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và sự mạo hiểm với nhóm nhân sự hoàn toàn mới. Khi đó, tựa game lấy đề tài quái vật không gian mà game thủ từng yêu thích rất có thể sẽ không còn “chất” như xưa nữa.
Condemned: Criminal Origins (2005)
Nội dung Condemned: Criminal Origins không khó hiểu khi xoay quanh nhân vật chính Ethan Thomas, một tay nhân viên FBI. Trong một lần điều tra vụ giết người hàng loạt với nghi can Match Maker, Ethan not Winters đã bị hắn đoạt súng và dùng nó hạ sát hai đồng đội trong nhóm điều tra của anh. Khi các đồng nghiệp khác đến hiện trường, Ethan bị nghi ngờ và trở thành mục tiêu truy lùng gắt gao của của cơ quan chức năng. Với sự trợ giúp của cô cảnh sát Rosa, Thomas lần theo dấu vết tên sát nhân để phát hiện mọi thứ chỉ mới là sự bắt đầu cho những điều còn khủng khiếp hơn đang chờ đợi phía sau.
Khác hoàn toàn với Resident Evil, Condemned: Criminal Origins là tựa game kinh dị lấy đề tài tâm linh kiêm phá án, ban đầu trò chơi khá đơn giản khi chỉ là một câu chuyện kể về đám tội phạm điên cuồng, máu me và các vụ án giết người với nhân vật chính là thanh tra Ethan Thomas. Điểm khiến cho game trở nên đáng sợ là cách mà đám nhân vật phản diện được khắc họa, khi chúng được mô tả giống như một lũ sinh vật đột biến, với khuôn mặt biến đổi vặn vẹo đi kèm các vết sẹo kéo dài đầy máu trên mặt.
Trong nửa sau của game người chơi sẽ biết đến sự tồn tại của thứ gọi là “The Hate” – nguyên nhân của những cơn khát máu điên loạn trong thành phố. Bản chất của Condemned: Criminal Origins đã cực kỳ bạo lực rồi, vì Ethan không có một chút thương tiếc nào với đám tội phạm. Đoạn kết của game cũng sặc mùi chết chóc khi Ethan cùng bạn của mình là Malcolm quay trở về, Ethan phát hiện ra Leland (kẻ đứng sau các vụ việc trong thành phố) vẫn còn sống và nằm trong cốp xe.
Bất kể người chơi có lựa chọn giết chết hoặc tạm tha cho Leland, thì kết cục của hắn vẫn vô cùng thảm khốc khi tên tội phạm lấy súng dí thẳng vào đầu rồi tự sát. Đoạn sau của game càng lúc càng nặng nề hơn với các ảo ảnh, những hình bóng của bọn tội phạm xuất hiện xung quanh Ethan, cho tới khi tay thanh tra quay đầu về phía người chơi để lộ ra nửa khuôn mặt dị dạng khi đã bị The Hate chiếm giữ. Ai xem xong cái đoạn kết trong game này đều có cảm giác sợ hãi cực độ, vì khó có thể thể ngờ nó biến chuyển nhanh và bất ngờ như vậy.
ObsCure (2004)
Nếu Daymare 1998 tuân thủ kiểu hành động kinh dị truyền thống khi yêu cầu game thủ solococo thì ObsCure là sự cải thiện đáng chú ý vào thời điểm trò chơi ra mắt (2004) khi cho phép người chơi co-op cùng bạn bè nếu cảm thấy quá… sợ hãi. Cứ thử nhớ lại xem đã bao lần bạn phải chơi game kinh dị trong tình trạng một mình chịu đựng tất cả rồi? ObsCure sẽ chấm dứt chuyện đó khi cho phép hai người cùng chiến trên chiếc máy PS2 huyền thoại (điều mà nhiều dòng game kinh dị sinh tồn khó có thể làm được cho đến khi PS3 hoặc XBOX 360 ra mắt).
Rời xa những bối cảnh được dùng nhiều đến mức “phát chán” như những tòa biệt thự cổ kính đậm chất Gothic trong Resident Evil hay lâu đài từ thời nào đó xa lắc của Haunting Ground. Obscure sẽ đưa bạn tới một bối cảnh vô cùng quen thuộc và gần gũi với đời thường nhất là trường học. Bây giờ thì game kinh dị lấy bối cảnh trường học chắc nát nhừ ở trên đường rồi nhưng hồi đầu thập niên 2000 thì đây vẫn là một bối cảnh khá mới mẻ.
Về lối chơi, ObsCure cho phép game thủ sử dụng lần lượt 2 trong số 5 nhân vật (nhân vật thứ 5 là Kenny chỉ mở khóa khi vượt qua nửa game sau) và mỗi nhân vật sẽ mang những khả năng riêng biệt với ưu khuyết khác nhau. Nhìn chung thì 5 nhân vật này cũng không mang độ khác biệt quá cao để bắt người chơi phải tính toán đau đầu, cũng như không áp đặt tính chiến thuật quá lớn.
Về tổng quan mà nói Obscure đã mang lại cho người chơi cái cảm giác chơi một tựa game kinh dị classic ngày nào trong thời đại bão hòa khi súng đạn bị sử dụng lạm phát. Đáng tiếc với sự thất bại của phiên bản ObsCure 2 khi vô tình bỏ hẳn bối cảnh trường học trở về thành một game đi cảnh tuyến tính hẹp hòi, bỏ hẳn chế độ sử dụng đèn pin lẫn thay đổi lối chơi từ sinh tồn theo hướng hành động bắn giết rẻ tiền dẫn tới Hydravision phá sản không lâu sau đó khiến ObsCure 3 không bao giờ được xuất hiện.
Dino Crisis (1999)
Nếu như kẻ thù của người chơi trong Resident Evil là những thây ma khát máu đầy kinh dị thì bọn khủng long trong Dino Crisis dù đỡ ám ảnh hơn nhưng cũng nguy hiểm không kém. Cho những ai chưa biết thì bên cạnh dòng game RE nổi tiếng Capcom còn có một series kinh dị sinh tồn khác cũng kinh điển không kém đó là Dino Crisis. Hiểu một cách đơn giản thì thay vì bắn zombie thì giờ đây kẻ thù của người chơi chính là những con khủng long đủ mọi kích cỡ.
Bắt đầu từ bản Dino Crisis đầu tiên trên hệ máy PS1 vào năm 1999, game thu hút được một lượng fanbase đông đảo với lối chơi giải đố-hành động được kế thừa hoàn hảo từ người anh em Resident Evil. Sang đến phần 2, dù gameplay lúc này thiên về hướng phiêu lưu hành động nhiều hơn nhưng game vẫn nhận được rất nhiều đánh giá tích cực. Thế nhưng giống như Dead Space 3 của EA, dòng game bất ngờ tự tay bóp mình khi giới thiệu đến người chơi một bối cảnh quá xa lạ khi cho người chơi săn khủng long trên trạm vũ trụ???
Cùng cơ chế điều khiển cực rối rắm trong phiên bản Dino Crisis 3 ra mắt vào năm 2003 khiến trò chơi nhận về không ít lời chê bai thậm tệ. Đó là lý do cho việc dù cùng được tạo nên bởi NSX tài hoa Shinji Mikami nhưng trong khi Resident Evil vẫn đang tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ với phiên bản thứ 8 mang tên “Âm Binh Thôn Làng” thì dường như Capcom không quá mặn mà trong việc hồi sinh thương hiệu Dino Crisis.
Cơ bản Dino Crisis dù không được biết đến rộng rãi như người anh em Resident Evil nhưng vẫn sở hữu lượng fan nhất định, luôn mong ngóng ngày nào đó Capcom sẽ cho dòng game này cơ hội mới. Từng có nguồn tin cho biết Capcom đã định làm ra một game Dino Crisis nhưng rồi lại hủy bỏ. Đương nhiên các fan vẫn có quyền hy vọng vào phép màu cho dòng game hơn 20 năm tuổi này hồi sinh lần nữa.
Còn tiếp…
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.