Rogue-like vs. Rogue-lite: Đâu là sự khác biệt?

Nếu bạn vẫn đang phân vân không biết sự khác nhau giữa thể loại game roguelike và roguelite là gì? Hãy vào đây tìm hiểu cùng Mọt đi nào.

Chắc hẳn khi đang lướt cửa hàng Steam, bạn đã từng thấy rất nhiều tựa game gắn mác roguelike hoặc roguelite. Vậy đã bao giờ bạn nghĩ sự khác biệt giữa hai thể loại game này là gì chưa? Nếu câu trả lời là có thì bạn đã đến đúng chỗ rồi đó. Bởi vì trong bài viết hôm nay, Mọt sẽ giải thích về sự khác biệt giữa roguelike và roguelite.

Thật ra thì đối với phần lớn game thủ, chỉ có mấy người rất ham học hỏi và khám phá mới chú ý tới việc phân chia rạch ròi hai thể loại game này. Tuy nhiên Mọt vẫn nghĩ rằng đây là một vấn đề quan trọng, không chỉ bởi vì Mọt thật sự là một đứa rãnh rỗi, mà còn bởi vì cách mà các nhà phát triển thiết kế trò chơi roguelike và roguelite cũng khá khác biệt.

Thêm vào đó, fan của thể loại roguelite chưa chắc sẽ thích game roguelike. Vậy nên khi muốn giới thiệu trò chơi điện tử yêu thích, Mọt nghĩ rằng chắc hẳn bạn sẽ không muốn nhầm lẫn ý nghĩa của hai cụm từ này đâu.

Roguelike là gì?

Nãy giờ nói lảm nhảm hơi nhiều rồi, giờ đây chúng ta hãy bắt đầu đi vào vấn đề chính đi. Trước tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu game roguelike là như thế nào, nhất là khi hiện nay có khá nhiều tranh cãi xoay quanh việc định nghĩa khái niệm của thể loại game này.

Có người cho rằng một tựa game thuộc thể loại roguelike cần phải có cơ chế hễ chết là đi lại từ đầu (permadeath), màn chơi được tạo một cách ngẫu nhiên, bản đồ dạng lưới (grid-based) và cơ chế chiến đấu turn-based. Nếu thiếu một cái thôi cũng không được coi là roguelike.

Tuy nhiên phần lớn game thủ hiện nay có một cách nhìn thoáng hơn khi xếp loại game vào thể loại này. Chỉ cần có cơ chế permadeath và màn chơi được tạo ra một cách ngẫu nhiên là được rồi. Do vậy nên trên thị trường hiện nay, chúng ta có thể thấy những game roguelike bắn súng góc nhìn thứ nhất, hành động nhập vai và thậm chí cả thẻ bài nữa.

Roguelike vs roguelite? Sự khác biệt nằm ở…?

Thật ra thì hai thể loại game này chỉ khác nhau ở một điểm mà thôi. Tuy nhiên điểm khác biệt này lại đóng vai trò rất quan trọng và có khả năng thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của người chơi. Nói nhanh gọn là roguelite cho phép người chơi nhìn thấy và cảm nhận được tiến trình của mình, rogue-like thì không.

Cụ thể hơn, khi bị giết chết trong một trò chơi roguelite, người chơi sẽ vẫn nhận được một thứ gì đó hỗ trợ để bắt đầu phần chơi mới. Có thể là điểm kinh nghiệm để nâng cấp nhân vật, vật phẩm có thể tìm thấy trong hầm ngục, những lá bài mới hay bất cứ dạng nâng cấp nào đó…

Tuy nhiên cái chết ở trong roguelike lại không thoải mái như vậy, nó chẳng mang lại bất cứ cảm giác tiến triển gì cho người chơi. Mỗi lần được “tiễn” về menu chính của trò chơi, chúng ta sẽ phải bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. 

Do vậy nên trong những năm gần đây, thể loại roguelite đã trở nên phổ biến hơn nhiều so với roguelike dù cả hai đều trừng phạt những lỗi lầm của người chơi rất mạnh tay với cơ chế permadeath. 

Lý do roguelite được game thủ ưa chuộng hơn?

Đây cũng là một điều dễ hiểu bởi vì không phải game thủ nào cũng đủ độ hardcore, chịu đựng và kiên nhẫn với việc phải bỏ ra hàng chục hay hàng trăm giờ chơi mà chẳng hề nhận lại được thứ gì chứng minh cho nỗ lực phá đảo game của mình (nếu chẳng may gục ngã trước khi chạm vạch đích).

Trong khi đó, người chơi roguelite lại thường xuyên nhận được những phần thưởng trong quá trình chơi game. Mỗi khi gục ngã, bạn sẽ nhận được một thứ gì đó khiến nhân vật trở nên mạnh hơn trong lần chơi tiếp theo, giúp game thủ vượt qua những màn chơi mà có nằm mơ cũng không nghĩ tới khi mới bắt đầu.

Ví dụ như trong Hades, chúng ta càng chơi lâu thì anh chàng Zagreus lại càng trở nên mạnh mẽ. Dù đúng là các màn chơi ngày càng trở nên khó nhằn hơn thật, tuy nhiên với những dạng nâng cấp mới thì người chơi cũng chẳng phải ngán mẹ con đứa nào cả. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tựa game roguelite cho phép người cảm nhận được tiến trình của mình thông qua các nội dung mới.

Chẳng hạn như trong The Binding of Isaac, mặc dù lần chơi nào bạn cũng sẽ khởi đầu với kỹ năng và thông số như ban đầu, tuy nhiên dần dần người chơi sẽ được truy cập vào những nhân vật, vật phẩm và những con boss mới. Nói tóm lại là roguelite phù hợp với số đông game thủ hơn, trong khi đó mấy trò chơi roguelike lại chỉ phù hợp với gamer hệ hardcore.

Đó chính là lý do khiến thể loại game roguelike nguyên bản gần như tuyệt chủng, chỉ còn sót lại vài cái tên được nhiều người biết đến như Dicey Dungeons, Darkest Dungeon và Stoneshard. Ngoài ra, cũng có nhiều trò chơi thực chất là roguelite tuy nhiên thường được coi là roguelike luôn bởi vì phần thưởng cho thời gian chơi game của người chơi quá ít ỏi, chẳng hạn như Spelunky và FTL: Faster Than Light.

Nhưng nói chung là phần lớn game thuộc thể loại rogue được phát hành trong mấy năm gần đây như Slay the Spire, Dead Cells, Risk of Rain 2,… đều là roguelite hết. Ngay cả khi bạn thấy có người đang bàn luận về các trò chơi roguelike, khả năng cao là người ta đang nói về roguelite đó và bạn có biết Returnal, tựa game độc quyền trên PS5 chuẩn bị ra mắt vào ngày 30/4 năm nay cũng là một game roguelite chính hiệu?

Đối với các game thủ hiện đại thì những tựa game roguelike đã không phải là thứ gì quá xa lạ, khi chúng như tách biệt hoàn toàn khỏi phần còn lại, khi mà nó bắt buộc nhân vật do người chơi điều khiển chết vĩnh viễn cũng như màn chơi luôn thay đổi hoàn toàn sau mỗi lần reset. Cụm từ roguelike không phải là kiểu một định nghĩa cho thể loại game nào đó, mà nó cũng giống như metroidvania hay soulslike – tức là các game có cách chơi cùng thiết kế giống như một hoặc nhiều bản gốc đi trước.

Trên thực tế dòng game rouguelike được định nghĩa khá muộn khi tới tận năm 2008 thì cái tên gọi “roguelike” mới chính thức xuất hiện và được công nhân rộng rãi, khái niệm roguelike được đặt ra để chỉ các tựa game có một lối chơi gần giống nhau nhưng phải đi theo một công thức chung có sẵn. Nếu có hứng thú với thể loại game “hành xác” này, bạn có thể tìm hiều thêm tại đây.

Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.