Siêu hạn hán ở Mỹ: Khung cảnh kinh hoàng như sa mạc

Những báo cáo và hình ảnh vệ tinh cho thấy các hồ nước lớn ở phía Tây nước Mỹ đã cạn kiệt đến báo động do hạn hán kéo dài. 
TIN LIÊN QUAN

Daily Mail đã công bố những ảnh chụp thông báo tình trạng báo động về các hồ chứa nước trải dài từ California đến Utah và Oregon của vệ tinh Sentinel-2. Theo đó, 89% miền tây nước Mỹ đang trải qua thời kì hạn hán khốc liệt. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2021 là thời kỳ khô hạn nhất trong 1.200 năm ở miền Tây nước Mỹ. Và nhiều dấu hiệu cho thấy, tình trạng khí hậu khắc nghiệt này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay.

Xác định nguyên nhân, các chuyên gia chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra khiến trận siêu hạn hán tồi tệ hơn 72%. Chính con người đã tác động tiêu cực trực tiếp từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ảnh hưởng xấu đến nguồn nước và dẫn đến những tháng khô hạn kéo dài tại khu vực này.

Lấy ví dụ ở thành phố Los Angeles, lượng mưa tháng 12 năm ngoái  chỉ ở mức gần 250mm và đây là con số cao nhất của thành phố này trong cả năm đó. Đến tháng 1 năm nay, tình hình còn tệ hơn khi lượng mưa tại đây chưa đến 25mm.

Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ, 56% diện tích cả nước đang phải đối mặt với hạn hán, một tỷ lệ cao chưa từng thấy từ trước đến nay.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đánh giá “nửa đầu năm 2022 là khoảng thời gian nóng nhất lịch sử nước Mỹ”

Vào ngày 28/6, thành phố Norton, bang Kansas ghi nhận mức nhiệt kỷ lục của thành phố là 48 độ C. 2 ngày trước đó, hạt Red Willow, bang Nebraska, một kỷ lục mới về nhiệt độ nắng nóng tại đây cũng được thiết lập, lên mức 46 độ C.

Hãng thông tấn AP một lần nữa khẳng định nguyên nhân hạn hán là do con người làm biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài làm các hồ nước gần như cạn kiệt, thậm chí đáy hồ còn bị bong tróc, nứt toác.

Hồ chứa lớn nhất của California – Hồ Shasta chỉ còn lại hơn 40% dung tích ban đầu.

Hồ Powell dưới mức 35%, phần lớn lòng sông của nó có thể nhìn thấy ngay khi đứng trên bờ.

Hồ Folsom – từng là một điểm du lịch khá nổi tiếng nay cũng chỉ còn hơn 30% dung tích nước.

Hồ Mead – hồ chứa được hình thành bởi đập Hoover trên sông Colorado ở miền nam Nevada – đang ở mức thấp nhất lịch sử mọi thời đại với chỉ 34,7%. Đặc biệt, khi thủy triều xuống tại con hồ này, người ta đã nhìn thấy  hai bộ xương người và vô số xác cá khô bị lộ ra. Nơi đây cũng vô tình trở thành nghĩa địa của những con tàu bị lãng quên và mắc cạn.

Người dân địa phương ngồi chơi trên lòng hồ trơ xác thuyền đắm. Ảnh:AP

Một chiếc thuyền trước đây bị chìm nằm trên một cánh đồng, cạnh dòng nước ở hồ Mead. Ảnh: AP

Một con gấu bông lấm bùn nằm trong một chiếc thuyền bị chìm ở hồ Mead. Ảnh: AP

Một người được phản chiếu qua cửa sổ khi họ đi ngang qua đập Hoover ở hồ Mead. Ảnh:AP

Mực nước ở đập Hoover bị giảm mạnh. Ảnh: AP

Một con sói băng qua mặt hồ Mead khô cằn. Ảnh: AP

Một chiếc thuyền bị chìm trơ xác trên hồ Mead. Ảnh: AP

Hãng AP cho hay, hạn hán kéo dài hay mực nước liên tục giảm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước trong tương lai, mà còn khiến những người đi thuyền phải điều hướng tránh các vùng nước nông, các hòn đảo và bãi cát ẩn nấp bên dưới bề mặt.

Thật vậy, Craig Miller kể lại, anh đang lái thuyền của mình trên hồ thì gặp sự cố nên đã phải bỏ thuyền lại và bơi vào bờ. Chỉ trong vòng vài ngày, sau khi quay lại xem xét, Craig kinh ngạc khi thấy vùng nước nơi anh để con thuyền lại đã khô cạn.

Craig Miller ngồi trong chiếc thuyền bị mắc cạn của mình tại Khu giải trí Quốc gia hồ Mead. Ảnh: AP

“Thật kinh ngạc, thuyền của tôi thậm chí đã bị bùn đất bao vây”

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cảnh báo, hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài, đi kèm với nắng nóng và nhiệt độ cao trên khắp đất nước, đồng thời làm tăng mức độ khô hạn ở các bang bị hạn hán lớn.