Một buổi chiều mưa gió bão bùng, Mọt tình cờ thấy thông tin một em quán quân cuộc thi trắc nghiệm kiến thức lớn nhất Việt Nam bị cộng đồng mạng chỉ trích vì quá tự tin vào thực lực và ăn mừng sớm, hay nói theo cách game thủ Việt Nam là “gáy” thật to trước bàn dân thiên hạ. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì Mọt chẳng thấy rõ cái sai của em ấy ở đâu, mà theo lời khuyên của cộng đồng mạng em ấy phải kìm hãm cái tôi và tỏ ra khiêm tốn hơn để đối thủ tôn trọng thì thật sự có lẽ toàn bộ game thủ Esports đều là những người kẻ ngạo mạn ngất ngưỡng rồi khi “gáy” bất chất từ đầu trận đến cuối trận rồi. Vậy đặc sản “gáy” của game thủ có thật sự xấu như cách cộng đồng mạng chỉ trích em gái quán quân đó hay không? Hãy cùng Mọt Lang Thang điểm lại những nét thú vị và ý nghĩa thật sự của đặc sản Việt Nam này nhé!
“Gáy” là gì?
Đối với game thủ “gáy” là hành động tự đề cao bản thân đồng thời chứng minh trình chơi game của mình vượt trội hơn so với đối thủ. Ban đầu “gáy” được dùng để chỉ những game thủ khoe khoang khoác lác quá mức trước trận đấu nhưng khi vào trận thì lại giấu nghề và im lặng trước khả năng chơi trên cơ của đối thủ. Tuy nhiên do ngắn gọn xúc tích và mang hàm ý châm biếm cao kiểu như “gà hay gáy”, vô tình câu đùa này lại trở nên phổ biến trong cộng đồng game thủ nhất là với game thủ Liên Minh Huyền Thoại và Liên Quân Mobile.
Bên cạnh hàm ý châm biếm, thực chất “gáy” có thể trở thành bản sắc của game thủ là nhờ yếu tố hài hước dễ dàng nâng cao bản thân và gây ức chế, sang chấn tâm lý cho đối thủ khi nằm kèo dưới qua đó dễ dàng khai thác điểm yếu đối thủ hơn. Qua đó có thể thấy so với cảm xúc vui mừng nhất thời lỡ “gáy” một chút của em gái quán quân cuộc thi kiến thức thì cảm giác “gáy” của game thủ Việt Nam nó lại ở một cái tầm vừa hay, vừa gây sát thương lên tâm lý đối thủ vừa ngầu trong mắt bạn bè và cộng đồng.
Kiêu binh tất bại hay chiêu bài chiến thuật tâm lý độc đáo
Nhìn nhận cái cảm xúc “gáy” của game thủ khá nhiều người cho rằng đây chỉ là “thùng rỗng kêu to, kiêu binh tất bại” mà thôi, nhưng mấy ai biết được rằng đằng sau cái sự gáy cho to cho vang đó là vô số chất xám để có thực hiện một chiến thuật tâm lý đặc trưng của game thủ Việt Nam. Nói cho dễ hiểu thì việc “gáy” của game thủ Việt Nam không đơn giản chỉ để cho vui mà đây chính là một đòn tâm lý có tính toán trước, qua đó game thủ sẽ liên tục dùng kế khích tướng để đánh lạc hướng sự tập trung của đối thủ giúp đồng đội dễ dàng triển khai chiến thuật hơn.
Trái ngược với việc đảm bảo tỷ lệ thành công cao trong chiến thuật của game thủ phương Tây, game thủ Việt Nam yêu thích mạo hiểm và họ sẵn sàng đặt cược một thật lớn để đối thủ không chỉ bực mình vì thất bại mà còn ức chế tột cùng trước lời lẽ châm biếm. Để thực hiện được chiến thuật này trong Liên Minh Huyền Thoại thì đầu game sẽ là một chuỗi toxic như “gà, noob, thách tụi mày giết tao, bố gank team… Và sau đó là hàng loạt cuộc hỏi thăm ở vị trí kẻ vừa gáy thậm chí cắm trại tại chỗ nếu quá cay cú, tình cờ sao việc dồn quá nhiều tài nguyên để chăm sóc một game thủ “gáy” lại là tiền đề để những đường khác được rãnh rỗi hơn.
Còn ngược lại nếu chẳng may gáy trước mà thua thì game thủ chỉ cần nhịn nhục chờ thời cơ trả thù lần sau và không mất mát gì nhiều nếu không cay cú. Tuy nhiên đôi khi chiến thuật này cũng để lại hậu quả nặng nề với những kèo offline cay cú hoặc thậm chí là ẩu đả nếu chẳng may “đường đời tấp nập ta tình cờ gặp thằng gáy hôm qua”.
“Gáy” sao ngầu mới đáng mặt anh tài Việt Nam
Cùng với chiến thuật tâm lý độc đáo này, game thủ Việt Nam ghi đậm dấu ấn với những pha gáy vang trời như trường hợp của Warzone khi anh chàng này còn thi đấu chuyên nghiệp ở VCS rồi Optimus, Thầy Giáo Ba… Nhưng tại sao cách gáy của những streamer và game thủ nổi tiếng này lại khác biệt và hay hơn những game thủ xếp hạng đơn nhiều đến thế? Vấn đề không phải do người thực hiện mà nằm ở chỗ phong cách thực hiện kỹ năng gáy này.
Đây cũng chính là kỹ năng mà game thủ tự lĩnh ngộ qua một khoảng thời gian dài trui rèn kỹ năng trong Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 hoặc PUBG, trước khi lên một tầm cao mới là game thủ chuyên nghiệp, streamer. Thực chất những game thủ nổi tiếng họ “gáy” còn nhiều hơn so với game thủ bình thường nhưng sự khác biệt nó nằm ở kinh nghiệm trận mạc và họ tự tin vào kinh nghiệm của mình, một số khác thì dựa vào cái duyên đôi khi họ “gáy” nhưng chính người xem và đối thủ lại không thể giận được họ vì sự hài hước đó. Tuy nhiên những game thủ mới chập chững bước vào game lại không nhận ra điều đó và khi họ bắt chước theo thần tường sử dụng “gáy” ở đầu game, hậu quả để lại là khả năng toxic tăng trưởng dần đều theo lịch sử đấu mà thôi.
Lời kết
Qua đó cô bé quán quân cuộc thi kiến thức cũng chỉ như những game thủ bình thường, họ chỉ đơn giản là những viên ngọc thô có kỹ năng và tự tin vào kỹ năng của mình nên”gáy” sớm. Những game thủ này cần không gian và những bài học để phát triển trước khi thật sự trưởng thành với sự khiêm tốn, vây nên thay vì lên án và chỉ trích những game thủ “gáy” sớm đầu trận, cộng đồng cần có cái nhìn cởi mở hơn trước những chiến thuật tâm lý cực dị này.