Ở phần trước, chúng ta đã thấy tiềm năng của Game – Anime – Manga tại Việt Nam không nhỏ, tuy nhiên vẫn chưa thể hình thành một thánh địa riêng với những bước phát triển cao hơn, chuyên nghiệp hơn nữa. Chúng ta hãy cùng mổ xẻ một số nguyên nhân ở phần này nhé!
Thiếu những nhà đầu tư chuyên nghiệp
Trong một mô hình kinh doanh, ngoài người điều hành có tài và lành nghề, nguồn tiền từ nhà đầu tư cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta đã có những người hiểu biết, có khả năng vận hành khá tốt thì việc có ai đó đủ cảm thông và chịu bỏ vốn để “chơi lớn” vẫn còn rất khó. Cộng đồng Game – Anime – Manga vốn tập hợp phần lớn từ những sinh viên – học sinh có kinh tế khá yếu. Mặt khác nguồn tiền của cộng đồng cũng tập trung vào mua những sản phẩm trực tiếp nhiều hơn là góp vốn làm một cái gì đó trong khi những nhóm chịu góp vốn thì lại mắc phải khó khăn khác mà Mọt sẽ nói thêm ở phần sau.
Về góc độ đầu tư và thị trường, Game – Anime – Manga Việt Nam có tiềm năng nhưng thị trường vẫn chưa đủ “chín” để nhà đầu tư yên tâm đổ vốn làm chuyện lớn. Mọi việc cho đến nay vẫn chỉ ở mức tầm trung với các festival cosplay rải đều tầm chục sự kiện quy mô vừa phải hàng năm dành cho Anime – Manga và các sự kiện game do các thương hiệu công nghệ tổ chức để quảng bá hình ảnh.
Khả năng “làm lớn” của nhân sự tại Việt Nam cũng khiến nhà đầu tư đắn đo vì chưa có sự kiện tổng hợp Game – Anime – Manga nào thực sự hoành tránh được tổ chức thành công để chứng tỏ năng lực của đội ngũ làm sự kiện cũng như sức hút của cộng đồng.
Thị trường phát triển nhưng chưa đủ “chín”
Tất cả rồi thì cũng phải quy ra doanh số, dù là event hay gì thì cũng phải mang lại khả năng tăng thương hiệu hoặc doanh số bán cho các hãng tham gia và nhà đầu tư. Chính vì vậy yếu tố sức mua của thị trường cũng khiến nhà đầu tư đắn do.
Về mảng Anime – Manga mặc dù thị trường sôi động, cắm rễ từ lâu với các nhà xuất bản như Kim Đồng, Trẻ và hàng loạt nhóm xuất bản khác khai sinh sau này nhưng tiềm năng vẫn bị chảy máu khá nặng. Nếu các sản phẩm gián tiếp như Figure, ấn phẩm phải mua thì các sản phẩm trực tiếp như các bộ Anime – Manga mới lại được truyền tay một cách miễn phí qua các bộ fan thực hiện. Yếu tố này gần như game crack lậu đối với mảng game, nó mang lại sản phẩm miễn phí nhưng bù lại làm thị trường giảm giá trị thương phẩm. Các hãng phát hành nhìn vào sẽ ái ngại khi sản phẩm của họ không bán được chỉ vì bản scan manga hay anime rip vietsub được chia sẻ tràn lan trên mạng.
Mảng game đã từng trải qua giai đoạn như trên nhưng biểu hiện thì dần ổn định khi PlayStation 4 và sắp tới là PlayStation 5 cùng Xbox One – Xbox Series X đều khiến người chơi phải trả tiền sòng phẳng. Crack lậu và các biện pháp lách đều được giảm đáng kể khiến thị trường console sôi đông, tuy nhiên phần lớn người dùng đều mua máy cũ hoặc máy nhập xách tay với lợi thế giá rẻ. Chính điều đó khiến thị trường sôi động nhưng doanh thu của hãng lại không lớn. Mặt khác mảng PC mặc dù có Steam và thói quen mua game đã hình thành nhưng vẫn tồn tại một cộng đồng xài game crack lậu khá đông.
Chính vì những điều trên, thị trường Game – Anime – Manga Việt Nam có con số rất ấn tượng nhưng chỉ có con số quan trọng nhất là doanh thu lại khá mơ hồ và bất ổn. Các nhà đầu tư có thể đắn đo giữa 2 lựa chọn là làm sự kiện lớn để thúc đẩy người dùng quay về sử dụng dịch vụ và trả tiền hoặc không làm để tránh trường hợp bị xài chùa quá nhiều và tiền đầu tư bị ném qua cửa sổ mà không mang lại giá trị doanh thu.
Cộng đồng chia rẽ và dễ bất đồng
Con số phát triển của cộng đồng yêu thích Game – Anime – Manga là không thể tranh cãi, nó rất lớn. Nhưng tính đoàn kết thì phải xem lại. Như Mọt nhắc bên trên, có một số nhóm đã thử hùn vốn để tự tổ chức các sự kiện cho cosplay, anime, manga. Tuy nhiên các nhóm này lại thường là tự phát và mắc nhược điểm cố hữu: vận hành theo hứng. Chính sự vận hành không chuyên nghiệp với những con người chỉ có duy nhất niềm đam mê đã khiến nhiều nhóm phải giải tán ở giữa chặng đường chỉ vì bất đồng ý kiến. Chỉ cần một vài cá nhân muốn nhóm đi theo hướng này và phần còn lại thì không, nhóm lập tức xào xáo và không lâu sau đó tan rã rồi lại phải tìm người làm lại từ số 0.
Tuy nhiên chia rẽ lớn nhất của cộng đồng lại nằm ở quan niệm về giá trị. Nếu cộng đồng cosplay luôn bất đồng giữa 2 lựa chọn: Chơi vì đam mê nên chỉ cần bản thân hài lòng hay chơi phải chuẩn xác từng chi tiết. Rất nhiều tranh cãi giữa cộng đồng nổ ra chỉ vì ai đó vào chê rằng bạn này cos không chuẩn nhân vật, phải thế này thế nọ thế kia trong khi bản thân chính chủ lại cảm thấy công sức của mình có hạn, đã cố mọi khả năng lại còn bị dèm pha. Không ít coser chỉ vừa chớm học hỏi đã nhanh chóng chán nản và nghỉ.
Trong khi đó cộng đồng Game – Anime – Manga lại có một cuộc chiến không hồi kết về bản quyền. Nếu Anime – Manga thì đó là bản quyền phim hoặc truyện dịch còn mảng game thì là crack lậu hay bản quyền. Những tranh cãi giữa có tiền để mua hay không tiền phải xài lậu là một cuộc chiến chưa dàn xếp xong và vì thế cộng đồng chưa thể đoàn kết để hướng đến một mục tiêu lớn lao nào.
Những bước tiến và bước lùi nhất định
Nói những điều trên không phải là nói rằng cộng đồng Game – Anime – Manga Việt Nam đang rất kém phát triển. Chúng ta đã có những vị thế nhất định, những sự kiện ở một tầm nhất định.
Mảng cosplay – anime – manga chúng ta có nhiều festival trải dài suốt năm ở cả 3 miền đặc biệt là 2 khu trung tâm Hà Nội – TP HCM. Chưa kể nhiều nhà phát hành phim đã nhập các bộ movies của những manga – anime hot về chiếu rạp thu hút khá nhiều fan háo hức đi xem. Nếu sức mua trực tiếp truyện và phim còn hạn chế thì sức mua ấn phẩm của các fan anime – manga lại khá cao, đặc biệt là các figure (tượng nhân vật). Mới đây, chúng ta cũng chứng kiến một ngày hội khá sôi động Master of Arts của cộng đồng chơi mô hình Gundam. Tuy quy mô chưa thể gọi là hoành tráng nhưng cũng cho thấy tiềm lực của các fan.
Mảng game thì như đã nhắc trước đây, các sự kiện game vẫn diễn ra suốt năng với quy mô khá lớn và cộng đồng tham gia cũng cho thấy số lượng đầy mạnh mẽ của mình. Đơn cử mới nhất là ngày hội 360mobi do VNG tổ chức thu hút đến 70.000 lượt game thủ tham gia (theo thống kê từ ban tổ chức).
Tất nhiên, trong quá trình phát triển đó cũng có những khoảng lặng. Mảng game chứng kiện nhiều đơn vị làm game Việt dần biến mất hoặc quay sang làm game global, hình ảnh Flappy Bird đứt gánh giữa đường là một hình ảnh mang tính biểu tượng. Ở mảng anime – manga vẫn còn nhiều bất đồng về giá trị đô khi dẫn đến đánh nhau, có những vụ shop mua bán figure nhập hàng xong “bùng” tạo ra nhiều hệ lụy về lòng tin trong cộng đồng. Nhiều dịch vụ kiểu “dành riêng cho fan” như quán trà phong cách anime – manga, quán café maid/host đều hoạt động ở quy mô nhỏ và phải chật vật để tồn tại. Nhiều quán như thế đã dừng kinh doanh sau một thời gian vì nhiều nguyên nhân mà mới nhất có lẽ là Gardenia Team Room, một địa chỉ uống trà phong cách châu Âu của giới đam mê anime – manga.
Muốn phát triển phải đoàn kết cộng đồng
Như đã phân tích ở trên, cộng đồng Game – Anime – Manga Việt Nam có tiềm năng khá lớn nhưng vấp phải trở ngại là sự bất đồng khiến cho đà phát triển bị kiềm hãm khá nhiều. Từ việc dùng đồ “chùa” cho rẻ đến việc định nghĩa đam mê phải như thế nào. Nếu cộng đồng Game – Anime – Manga Việt Nam chịu ngồi lại tích cực giải quyết các mâu thuẫn và hướng đến tương lai, Mọt tin rằng một thánh địa Game – Anime – Manga tại Việt Nam là điều có thể đạt được.
- Thánh địa Game – Anime – Manga trên đất Việt: Tại sao chưa thể phát triển?