Trong suy nghĩ của không ít người, game là sản phẩm giải trí thuộc phạm trù thế giới ảo và được hư cấu cốt truyện dựa trên trí tưởng tượng bay bổng lúc đang high của các tác giả kịch bản. Đặc biệt là game kinh dị với những con quái vật ghê rợn đến khó tin thì chắc chắn phải là tưởng tượng chứ ngoài đời khó mà có những thứ kinh khủng như vậy. Nhưng không cuộc sống này vốn đầy rẫy những điều bất ngờ mà một trong số đó là sự tàn bạo đến khó tin của con người.
Chính vì vậy, có những vụ án hay sự kiện nổi tiếng ghê rợn đến nỗi nó được mang lên các tác phẩm như phim ảnh, sách báo và cả dĩ nhiên game cũng không ngoại lệ. Có thể nói để tăng thêm tính cao trào cho trò chơi, một số tựa game kinh dị đã xây dựng cốt truyện dựa theo các sự kiện hoặc vụ án nổi tiếng có thật từng xảy ra. Tất nhiên có rất nhiều lý do dẫn đến thảm kịch ngoài đời thật đôi khi nó không hẳn là chủ tâm của thủ phạm nhưng không thể phủ nhận hậu quả của chúng rất khủng khiếp.
Đủ khủng khiếp để có thể làm thành game kinh dị và cạnh tranh công bằng với những sản phẩm thuần túy đến từ trí tưởng tượng của biên kịch. Vậy các tựa game kinh dị dựa trên những sự kiện có thật đã khiến người ta phải sợ hãi như thế nào? Chúng ta hãy cùng điểm qua những tựa game và câu chuyện có thật mà chúng lấy ý tưởng nhé!
Phụ lục
Outlast 2
Cốt truyện Outlast 2 kể về cuộc lưu lạc của 2 vợ chồng phóng viên điều tra Blake và Lynn trong ngôi làng Temple Gate biệt lập ở nơi hoang vắng thuộc bang Arizona, Mỹ. Ngôi làng này bị một tà giáo khống chế và giáo chủ là một gã tên Knoth. Hắn truyền giảng rằng địa hình nơi họ ở chính là miệng của địa ngục vì vậy những tín đồ sẽ phải làm mọi cách để chuẩn bị cho ngày quỷ dữ trỗi dậy cũng như cuộc di cư lên thiên đàng cho mọi người.
Theo chân cuộc phiêu lưu của Blake tại ngôi làng, gã Knoth lần lượt đưa ra những mệnh lệnh cực kỳ điên khùng như giết hết trẻ con trong làng vì cho rằng chúng là sản phẩm của quỷ dữ. Sau đó hắn ra lệnh tất cả tính đồ phải tự sát vì thời khắc quyết định đã tới, họ phải từ bỏ sinh mạng để bay lên thiên đàng.
Giáo chủ Jim Jones cùng các em thiếu nhi
Chính nhà sản xuất đã thừa nhận rằng họ viết cốt truyện của Outlast 2 dựa trên ý tưởng của sự kiện có thật. Đó là cuộc tự sát tập thể của giáo phái Peoples Temple vào năm 1978 tại Jonestown, Guyana. Ban đầu giáo phái Peoples Temple được giáo chủ Jim Jones thành lập từ những năm 1955 tại thành phố Indianapolis, bang Indiana, Hoa Kỳ. Jones được ghi nhận là người có quan điểm tiến bộ, nhà hoạt động dân quyền nổi bật.
Peoples Temple phát triển mạnh mẽ vào những năm 1970. Jones kết bạn với các chính trị gia và hãng truyền thông ở California. Để thu hút thêm nhiều tín đồ và có thêm nguồn cung tài chính, Jones khoe về những khả năng phi thường như lấy tế bào ung thư ra khỏi cơ thể con người hay đọc suy nghĩ người khác.
Mặc dù Peoples Temple tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo để mua danh chuộc tiếng, Jones lại đối xử với các tín đồ trong giáo phái rất tồi tệ. Các thành viên thường bị sỉ nhục, đánh đập và tống tiền, nhiều người bị ép buộc hoặc “tẩy não” để cống nộp tài sản cho giáo phái. Các thành viên da màu bị đe dọa rằng nếu họ rời Peoples Temple, họ sẽ bị đưa vào các trại tập trung của chính phủ.
Về sau Jones ngày càng trở nên hoang tưởng về thế giới xung quanh. Các bài phát biểu của ông thường đề cập đến một ngày tận thế sắp tới. Đến năm 1973 họ liên tục bị giới truyền thông chỉ trích và để né tránh dư luận, vị giáo chủ quyết định dời tổng hành dinh cùng các tính đồ ra hải ngoại. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, giáo phái đã thuyết phục được chính quyền Guyana cấp phép sử dụng một vùng đất cằn cỗi ở biên giới phía bắc và lập ra Jonestown.
Peoples Temple ra sức tuyên truyền cho giáo chúng rằng đây sẽ là một thiên đường mới nơi họ có thể sống yên thân và biệt lập khỏi chỉ trích từ bên ngoài. Tuy nhiên do Jonestown đặt ở nơi đất đai cằn cỗi và khắc nghiệt nên đời sống của giáo chúng rất khó khăn. Nhiều người không chịu được điều kiện làm việc quá căng thẳng nên bắt đầu bất mãn. Sau nhiều bất ổn thậm chí dẫn đến bạo lực thì chính quyền Guyana và Mỹ bắt đầu vào cuộc điều tra.
Quang cảnh khủng khiếp chụp từ máy bay về hậu quả của vụ việc
Trong một nỗ lực đối phó, giáo phái đã ra lệnh tự sát hàng loạt. Các trẻ em bị tiêm thuốc độc trước, sau đó người lớn cũng tự sát bằng thuốc độc và những cách khác. Các cuộc điều tra sau này xác định rằng đây là một cuộc sát nhân – tự sát do một số người bị tiêm thuốc độc trái ý, bị giết vì chống đối quyết định tự sát và một số giáo chúng trung thành thì tự sát thật. Riêng giáo chủ Jim Jones cũng tự sát bằng một phát súng lục vào đầu cùng các tín đồ của mình.
Masochisia
Tựa game Masochisia là một cuộc du hành rùng rợn của một cậu bé tên Hamilton, gặp một chàng trai lạ mặt tên Albert và sau đó khám phá dần hoàn cảnh gia đình cũng như hành trình kỳ lạ của mình. Ngôi nhà cùng các thành viên trong gia đình cậu đều có biểu hiện điên loạn và đầy đe dọa. Trong khi đó cuộc hành trình của Hamilton dần đưa cậu đến gặp một gã tên The Gray Man, cô bé Grace, cậu bé tên Billy và các nhân vật khác.
Cả cốt truyện game là một hành trình nửa ảo nửa thật với nhiều chi tiết điên loạn thậm chí có cả cảnh kinh dị như lúc Billy bị giết. Nhà sản xuất không chính thức xác nhận họ làm game dựa trên sự kiện cụ thể nào mà chỉ giới thiệu rằng nó dựa trên một câu chuyện có thật. Tuy nhiên sau đó các game thủ đã lần mò góp nhặt các chi tiết và chỉ ra rằng Masochisia dựa trên kẻ sát nhân nổi tiếng Albert Fish. Kẻ được mệnh danh là The Gray Man, Werewolf of Wysteria, Brooklyn Vampire vì đã ra tay với hơn 100 đứa trẻ.
Chân dung Hamilton và lúc hắn lên ghế điện
Gã này có tên đầy đủ là Hamilton Howard “Albert” Fish, sinh ra năm 1870 trong một gia đình có căn bệnh tâm thần di truyền. Cả bố mẹ và anh em của hắn đều mang những bất ổn tâm lý riêng. Điều này cộng với một thời gian từ 5 – 9 tuổi do gia cảnh khó khăn nên mẹ hắn đành gửi hắn vào trại trẻ mồ côi. 4 năm trong trại hắn đã bị bạn bè bắt nạt, hành hạ và những đòn roi hà khắc. Phải đến năm 9 tuổi mẹ hắn mới tìm được việc làm có thu nhập ổn định để đón hắn trở về nhà.
Những vết sẹo tâm lý thời thơ ấu cộng với chứng bệnh tâm thần di truyền biến Albert thành một kẻ nung nấu ý định giết người theo cách hoang tưởng nhất. Đặc biệt với 2 nạn nhân chính của mình là Billy và Grace hắn còn viết lại thư kể chi tiết cách mình hành sự. Từ bức thư ẩn danh được cho là do Albert viết gửi tới gia đình của nạn nhân Grace Budd 6 năm sau vụ án, cảnh sát đã lần theo các chi tiết trên phong bì có logo lục giác kèm các ký tự viết tắt và tóm được hắn.
Albert sau khi bị bắt ở vụ án Grace Budd đã thừa nhận thêm 2 nạn nhân nữa là Francis McDonnell và Billy Gaffney cũng do hắn ra tay. Còn nhiều nạn nhân khác bị giết với cách tương tự nhưng không đủ bằng chứng và không có sự thừa nhận từ Albert. Mặc dù được xác nhận là có sự bất ổn nghiêm trọng về tâm lý tuy nhiên trước áp lực của dư luận về những tội ác quá man rợ của mình, cuối cùng Albert bị chính quyền liên bang kết án tử hình và lên ghế điện vào năm 1936 ở tuổi 65.
Lizzie Borden: The PC Game
Lizzie Borden: The PC Game không khai thác trực tiếp vào vụ án cùng tên có thật trong lịch sử mà sử dụng vụ án như một bối cảnh nền. Game đưa người chơi vào vai một người lạ lạc vào căn nhà xảy ra vụ án bí ẩn của Lizzie Borden và thu thập những manh mối nói về cái ngày định mệnh đó. Để tăng thêm tính kinh dị, nhà sản xuất cũng lồng ghép vào đó nhiều tình huống jump scare và yếu tố ma mị.
Tuy nhiên trong vụ án thực sự xảy ra của Lizzie Borden thì nó có kết quả rất khác. Nói một cách chính xác thì đây là một vụ án bí ẩn không bao giờ được phá hơn là một kẻ sát nhân bị vạch mặt vì thủ đoạn kinh khủng của mình. Lizzie Andrew Borden sinh năm 1860 là con gái trong gia đình họ Borden giàu có ở thành phố Fall River bang Massachusetts, Mỹ. Gia đình của họ bao gồm ông bố Andrew Borden, mẹ kế Abby Gray, chị gái Emma Borden, Lizzie và người giúp việc Bridget Sullivan.
Chân dung Lizzie và hiện trường 2 nạn nhân trong vụ án
Ông Andrew vốn là một người có địa vị lẫn tiền bạc tại Fall River khi sở hữu khối gia sản khá lớn cùng các khoản đầu tư vào nhiều lĩnh vực trong thành phố. Tuy nhiên vợ ông là bà Sarah Borden không may mất sớm nên ông đi bước nữa với bà Abby. Từ đây sóng gió bắt đầu nổi lên trong gia đình. Ông Andrew bắt đầu tặng nhiều nhà cửa cho nhà vợ kế khiến 2 cô con gái nghi ngờ mẹ kế đang “rút ruột” tài sản. Vụ án xảy ra vào ngày 4/8/1892, lúc đó Lizzie 32 tuổi. Hôm đó nhà họ có khách là ông John Morse, cậu ruột của 2 chị em ghé chơi vài hôm.
Sau bữa sáng mọi người đều có việc riêng của mình cho đến hơn 11 giờ trưa thì Lizzie hô hoán gọi người giúp việc Sullivan và nói cô phát hiện ông Andrew bị ai đó giết chết trên ghế. Sau đó người ta phát hiện bà Abby cũng bị giết theo cách tương tự trong căn phòng ở tầng 1. Theo khám nghiệm thì thủ phạm đã dùng một vật bén chém chết bà Abby với 19 nhát, ông Andrew cũng bị giết ít lâu sau bằng 11 nhát. Tất cả đều nhằm vào vùng đầu khiến khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng nghiêm trọng.
Hiện trường gần như bị khép kín vì hàng xóm không hề thấy người lạ nào xung quanh căn biệt thự của gia đình Borden. Cảnh sát phát hiện dưới tầng hầm của ngôi nhà có nhiều búa rìu trong đó có một cây rìu nhỏ cầm tay chỉ còn phần lưỡi, cán đã gãy bị vứt gần đó. Cảnh sát tin đây là vũ khí giết người khi vật chứng này phủ nhiều bụi giống như bị ai đó cố tình rắc lên để giả vờ như nó không được sử dụng trong thời gian dài. Lizzie trở thành nghi phạm số một khi có nhiều biểu hiện bất thường và lời khai mâu thuẫn. Đặc biệt sau vụ án cô ta bị phát hiện mang một chiếc váy đi đốt với lý do nó bị dính sơn.
Dư luận vẫn tin Lizzie là thủ phạm nên các tác phẩm sau này đều mô tả theo hướng bà là kẻ ác thoát tội
Tuy vậy, trong phiên tòa xét xử các chứng cứ không đủ thuyết phục bồi thẩm đoàn để kết tội Lizzie giết người. Tòa tuyên bố không đủ bằng chứng và trả tự do cho Lizzie Borden. Lizzie trở về thừa kế gia sản và sống cùng chị gái rồi qua đời năm 1927 ở tuổi 66. Mặc dù được tòa phán là không có tội nhưng nhiều người vẫn tin Lizzie là thủ phạm. Thậm chí sau khi cô được tuyên trắng án, đã có một bài vè lưu truyền tại địa phương với ngụ ý Lizzie giết cha và mẹ kế.
The Town of Light
Cốt truyện của The Town of Light kể về một cô gái tên Reneé quay trở lại phế tích của bệnh viện tâm thần Ospedale Psichiatrico di Volterra để tìm lại ký ức của mình. Trong những thứ còn sót lại của bệnh viện bỏ hoang, cô gái dần dần nhớ lại những điều kinh khủng mà các nhân viên của nơi này làm với mình. Từ những việc tra tấn hành hạ, thử nghiệm các phương pháp điều trị vô nhân đạo đến thao túng trí não bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân đã chết và được chôn trong khuôn viên bệnh viện.
Tựa game The Town of Light đã sử dụng một địa danh có thật là bệnh viện tâm thần Ospedale Psichiatrico di Volterra tọa lạc tại thành phố Volterra, Italy. Bệnh viện này được thành lập từ năm 1888 và là một cơ sở y tế lớn chuyên điều trị bệnh nhân tâm thần. Ban đầu nó là một công trình cải hoán từ trung tâm y tế của một nhà tế bần. Đến năm 1888 mới chính thức chuyển công năng thành bệnh viện tâm thần.
Vùng Volterra có địa thế đặc biệt khi nằm chơi vơi giữa các dãy núi, biệt lập với phần bên ngoài của tỉnh Tuscany nên bệnh viện tâm thần tọa lạc ở nơi này giống như một nhà tù giam giữ những người có biểu hiện tâm thần. Ban đầu nó cũng chữa bệnh cũng theo cách thông thường, những ai khỏi bệnh sẽ được trả về cộng đồng. Tuy nhiên nhờ địa thế đặc thù nên bệnh viện ngày một nổi tiếng và lúc đỉnh cao có thể lưu trú đến 6000 bệnh nhân.
Một mảng tường của bệnh viện bị Fernando Oreste Nannetti khắc chi chít các ký tự bí ẩn
Chính vì quá chen chúc như vậy khiến việc quản lý bệnh nhân rất khó khăn. Người ta còn đồn rằng đây là nơi một đi không trở về vì từ thập niên 1950, họ thúc đẩy việc chữa bệnh tâm thần bằng nhiều phương pháp khủng khiếp như trích máu, sốc điện, thuốc chứa độc tính cao, cùng nhiều phương pháp gần như tra tấn để thử độ hồi phục của bệnh nhân. Thậm chí bệnh viện này được cho là cách để người ta dùng mỗi khi muốn ám hại nhau. Chỉ cần bị vu cho là tâm thần, cùng một số phí bôi trơn thích hợp, kẻ xấu số có thể bị đưa đến đây rồi tra tấn đến chết.
Tất nhiên những thông tin đó đều là lời đồn thổi trong dân gian. Trừ một bệnh nhân có thật tên Fernando Oreste Nannetti bị nhốt hàng chục năm tại đây đã làm nên một điều kỳ diệu. Người này đã lén qua mặt các y tá và bác sĩ để bí mật khắc một loạt tác phẩm đồ sộ lên những bức tường trong bệnh viện. Chúng thường là các ký tự, những bài thơ, bài văn… và vẫn còn in trên tường của bệnh viện bỏ hoang cho đến tận ngày nay. Mãi đến năm 1978 khi thông tin về kiểu chữa bệnh cực đoan trong những bệnh viện chuyên khoa tâm thần lan rộng thì chính quyền mới chính thức vào cuộc.
Sau khi xem xét, quốc hội Italia thông qua đạo luật 180 cải cách lại hệ thống bệnh viện, giải thể các bệnh viện chuyên khoa tâm thần và sáp nhập chuyên môn này vào hệ thống bệnh viện công. Bệnh viện Ospedale Psichiatrico di Volterra cũng bị đóng cửa, chịu chung số phận với hàng loạt bệnh viên khác thuộc mô hình bệnh viện tâm thần cũ. Tòa nhà khổng lồ của bệnh viện trở thành kiến trúc bỏ hoang và thu hút nhiều nhà mạo hiểm đến để khám phá vẻ hoang tàn của nơi từng là một trong các cơ sở điều trị tâm thần đông đúc và nhộn nhịp nhất trong thời vàng son của mình.
Fight the Horror
Khác với các tựa game chơi đơn ở trên, Fight the Horror là trò chơi co-op nhiều người theo dạng đấu trùm và thoát khỏi nơi giam giữ. Game có thể chơi cùng lúc đến 9 người trong 1 màn chia làm 3 đội theo màu sắc. Mỗi đội sẽ đấu với 1 con trùm riêng nhưng hoạt động trên cùng một bản đồ tái hiện thành phố Macau. Sau khi hạ được những con trùm này, họ sẽ tìm được chìa khóa và lắp nó vào một cái kệ trong phòng an toàn. Từ đây bắt đầu giai đoạn cùng nhau đấu trùm cuối.
Game tái hiện lại khung cảnh thành phố Macau và được nhà sản xuất giới thiệu là có cài cắm những chi tiết của 7 sự kiện lịch sử có thật từng xảy ra ở đây. Ví dụ như nhà thờ Saint Paul từng bốc cháy một cách bí ẩn trong cơn bão vào năm 1835 sau đó bị bỏ hoang suốt một thời gian dài. Nhưng sự kiện hấp dẫn nhất mà nhà sản xuất game muốn nhấn mạnh chính là vụ án nổi tiếng tại nhà hàng Bát Tiên. Được biết vụ án từng được dựng thành phim điện ảnh với tựa đề Bánh Bao Nhân Thịt Người hay The Untold Story (1993) do Huỳnh Thu Sanh đóng vai tên sát nhân Hoàng Chí Hằng.
Phim kinh dị Hong Kong “The Untold Story” – Bánh Bao Nhân Thịt Người
Về cơ bản đây là một vụ án từng xảy ra, mặc dù có vẻ rất ly kỳ nhưng dù sao vẫn ít kinh hoàng hơn kịch bản phim vốn được thêm thắt nhiều chi tiết chưa được kiểm chứng. Câu chuyện xảy ra tại nhà hàng Bát Tiên do ông Trịnh Lâm làm chủ. Ông Lâm khởi nghiệp bằng nghề bán rong trên đường phố sau đó tích cóp đủ tiền và mở một cửa hàng cho riêng mình vào những năm 1960. Cả nhà họ Trịnh gồm 9 người cùng làm việc tại nhà hàng và sinh sống trong một căn nhà gần đó. Dù chí thú làm ăn nhưng hai vợ chồng ông Trịnh lại có tật ham mê cờ bạc.
Ở một diễn biến khác, Hoàng Chí Hằng là người đại lục nhưng di cư sang Hong Kong vào những năm 1970. Tại đây anh ta gặp rắc rối về chuyện tiền bạc, cuối cùng lỡ tay giết chết con nợ của mình nên trốn về Quảng Châu. Sau vài năm, Hoàng Chí Hằng muốn hỏi cưới con gái của chủ nhà trọ nhưng bị gia đình nhà gái phản đối nên cùng cô ta lén kết hôn rồi bỏ trốn sang Macau sinh sống. Hoàng Chí Hằng cũng cố ý đốt cháy các đầu ngón tay với hy vọng dùng vết sẹo bỏng che đi vân tay thật để tránh vụ án giết người trước đây của mình.
Tại Macau, Hoàng Chí Hằng tham gia cờ bạc và quen biết với vợ chồng Trịnh Lâm. Sau một thời gian, ông Trịnh thua bài và nợ Hằng khoản tiền lớn. Ông hứa nếu trong 1 năm không trả được sẽ nhượng lại nhà hàng Bát Tiên cho y. Sau 1 năm ông Trịnh không trả nổi nhưng cũng từ chối đưa nhà hàng theo giao kèo miệng. Hoàng Chí Hằng trong lúc tức giận đã giết cả nhà họ Trịnh, phân xác của họ rồi chia nhỏ cho vào túi nylon đen đựng rác đem đi phi tang. Sau đó y phao tin nhà họ Trịnh đã nhượng lại nhà hàng cho hắn rồi dọn về đại lục sinh sống.
Vài tháng sau, các bộ phận thi thể trong bao nylon tấp vào bờ biển khiến cảnh sát vào cuộc. Mọi manh mối đều hướng về Hoàng Chí Hằng, khi kiểm tra tủ bảo hiểm của hắn ký gửi tại ngân hàng, họ phát hiện toàn bộ giấy tờ tùy thân của các thành viên nhà Trịnh. Hoàng Chí Hằng bị bắt khi đang cố trốn về đại lục. Hắn cố gắng tự tử một lần nhưng không thành, sau khi thú nhận tội ác của mình hắn đã tự tử lần 2 và chết trước khi bị kết án.
Việc Hoàng Chí Hằng ngang nhiên sống bình thường tại nhà hàng Bát Tiên sau khi gây ra tội ác tày trời đã khiến người dân Macau đồn đãi rằng hắn dùng thịt nạn nhân làm bánh bao bán trong nhà hàng. Thông tin thiếu căn cứ này đã khiến người dân địa phương không dám ăn bánh bao trong một thời gian dài. Thậm chí truyền thuyết đô thị không chính thức này còn nổi tiếng đến mức được các nhà làm phim tại Hongkong sử dụng để tạo nên bộ phim chặt chém kinh điển Bánh Bao Nhân Thịt Người nói trên.
Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.
Cuối cùng bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?