Việt Hóa Game – Cần gạn đục khơi trong để tiếp tục phát triển - Cộng Đồng

Việt hóa game vừa có thể giúp người chơi chưa có trình độ ngoại ngữ tiếp cận game nước ngoài dễ hơn nhưng cũng có thể mang lại một số bất cập cần chỉnh sửa.

Đối với game thủ giải mã cốt truyện và gỡ rối nút thắt trong game chính là thử thách lớn nhất, thậm chí đối với một số tựa game nhập vai yêu cầu này còn được ưu tiên hơn so với những pha hành động mãn nhãn đậm chất Hollywood. Tuy nhiên đối với game thủ Việt Nam, sự khác biệt ngôn ngữ dường như trở thành rào cản to lớn ngăn cách game thủ tìm hiểu và thưởng thức cốt truyện game.

Tales Of Berseria được Việt hóa thành công nhờ dự án của một chàng sinh viên Hà Nội
Đặt trọn tâm huyết cho dự án này, cuối cùng Tales Of Berseria được Việt hóa đã chính thức hoàn thành bởi một chàng sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội cho hệ máy PS3 và PC.

Nhận thấy nhu cầu thiết yếu đó của game thủ Việt Nam đã có không ít nhóm dịch thuật tiếp cận và đem đến những phiên bản game AAA thuần Việt đến với game thủ nước nhà, dễ thấy nhất chính là những dự án The Witcher 3 Việt Hóa, Fallout 4 Việt Hóa… trên diễn đàn game tiếng Việt. Dễ tiếp cận là thế nhưng thật sự thì game thủ Việt Nam được gì và mất gì sau những siêu phẩm game Việt hóa?

Tại sao game thủ Việt Nam lại cần game Việt Hóa?

Lật lại ký ức xưa, thì những tựa game gây nhiều ấn tượng với Mọt thuở còn cắp sách đến trường phải kể đến Final Fantasy VII, Fire Emblem, Super Robot War hay thậm chí là Pro Evolution Soccer… đều là những tựa game phải chơi bằng ngôn ngữ tiếng Nhật.

Khi đó cốt truyện của game được hiểu bằng cách đoán “mò”, thậm chí còn có cả trường hợp một người trong tiệm chơi và đám bạn của anh chàng vây xung quanh chiếc tivi màu cũ chăm chú theo dõi từng cử chỉ nhân vật để đoán cốt truyện. Mặc cho rào cản khác biệt văn hóa và ngôn ngữ gây khó khăn thậm chí nhiều khi đem đến những tình huống dở khóc dở cười thì game thủ bằng một phép màu nào đó vẫn có thể hiểu được cốt truyện thậm chí hiểu rõ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong tình cảm của những nhân vật như Cloud, Aeris, Tifa…

Việt Hóa Game – Cần gạn đục khơi trong để tiếp tục phát triển

Việt hóa game AAA giúp game thủ hiểu rõ hơn nội dung game

Ngày nay cùng với sự phát triển vượt trội của ngành công nghiệp game và chế độ chơi mạng, cốt truyện của game càng đòi hỏi sự am hiểu về ngôn ngữ học hơn nếu game thủ muốn thật sự hiểu rõ từng chi tiết thậm chí phong tục tập quán ở những vùng đất mới trong God of War, Assassin’s Creed… Do đó Việt hóa game trở thành yêu cầu cấp thiết và ưu tiên để game thủ Việt Nam có thể kết nối dễ dàng cũng như tạo thêm một thị trường mới cho những nhà phát triển game trên đất nước hình chữ S.

Khi Việt hóa sơ xuất, chúng ta có mặt trái

Nhìn vào mặt tích cực thì Việt hóa một tựa game sẽ giúp game thủ dễ dàng tìm hiểu cốt truyện cũng như thoải mái hơn trước giao diện thuần Việt dễ chơi. Tuy nhiên nếu nhìn sâu vào thành quả thì những cốt truyện game đỉnh cao hiện tại như The Witcher,  Fallout, Dark Souls,… việc chuyển ngữ triệt để quá cũng sinh ra lắm rắc rối.

Đối với game thủ trung thành của Souls game thì những địa danh như Anor Londo, Valley of Drakes, The Abyss… là những tọa độ quen thuộc nằm lòng mà bất kỳ du hành giả Souls nào cũng phải đi qua, thậm chí những địa danh này luôn đi kèm với những giai thoại sử thi bi hùng của người Celtic, Wales… Ấy vậy mà khi được Việt Hóa hoàn chỉnh, game thủ đã phải kêu trời khi hàng loạt địa danh bị thay đổi bằng tên Hán Việt như Anor Londo bị đổi thành Luân Đô đặc biệt không dừng lại ở đó khi vào game, game thủ hoàn toàn bị lạc trong mê hồn trận của Tối Cổ Vương (The First Lord), Tối Sơ Hòa (The First Flame)…

Việt Hóa Game – Cần gạn đục khơi trong để tiếp tục phát triển

Lời trần tình của một dịch giả về điều kiện thiếu thốn khi thực hiện

Câu chuyện này một lần nữa khiến Mọt nhớ lại câu chuyện Dota 2 Việt hóa và Auto Chess Việt hóa. Chuyển ngữ quá triệt để khiến tên item và tướng cũng bị dịch sang Hán Việt kéo theo sự lệch pha của game thủ khi bàn luận. Một người chơi quen bản quốc tế sẽ không hiểu người chơi bản Việt hóa nói gì khi kể về tướng hay lên đồ vì tên lệch nhau cả. Đó cũng là lý do mà cộng đồng Dota 2 vẫn sử dụng tên tướng, item, chiêu thức bằng tiếng Anh cho thống nhất với nhau và với toàn thế giới.

Biết rằng đây có thể là lối dịch thuật để giúp game thủ dễ dàng tiếp cận game, nhưng liệu đây có phải hướng đi thật sự đúng dành cho game thủ hiện nay? Đó là chưa kể việc quá phụ thuộc vào ngôn ngữ Tiếng Việt có thể khiến game thủ Việt Nam thụ động và ít tìm hiểu khám phá hơn trong tương lai.

Không chỉ riêng với những tựa game AAA đỉnh cao, dạo một vòng một số tựa game mobile thu hút hiện nay trên App Store và Play Store như The Last Shelter Survival, Roblox… không ít game thủ Việt Nam để lại đánh giá thấp và yêu cầu nhà phát triển phải thêm vào ngôn ngữ tiếng Việt cho dễ chơi.

Việt Hóa Game – Cần gạn đục khơi trong để tiếp tục phát triển

Ngày càng nhiều người đòi phải có bản tiếng Việt cho game

Mọt là một trong những game thủ phát triển từ thời chưa có bất kỳ hỗ trợ nào về ngôn ngữ khi chơi game, phải cầm từ điển tra từng chữ. Nhưng đến tận bây giờ, Mọt thực sự hiểu cái lợi của đọc tiếng Anh khi chơi game vì thực sự có những từ hoặc lối chơi chữ không thể dịch được, bạn phải hiểu tiếng Anh mới thấy được cái hay trong câu thoại đó. Nó là một động lực lớn làm nên một trong những khả năng vượt trội của game thủ: đọc tiếng Anh rất tốt.

Tất nhiên không phải vì vậy mà Mọt bác hết mặt có lợi của những dự án chuyển ngữ game, vì game không chỉ có tiếng Anh mà còn có tiếng Trung, Hàn, Nhật… Việc chuyển ngữ là nỗ lực của cộng đồng dịch thuật giúp những game thủ chưa có đủ trình độ ngoại ngữ “tạm hiểu” game. Nhưng để hiểu hết tinh túy của game bạn bắt buộc phải biết ngôn ngữ gốc của game đó, một điều mà từng người chơi cần lựa chọn cho riêng mình. Chơi bản dịch để hiểu 95% game hay chịu khó luyện ngoại ngữ để hiểu 5% không thể dịch được kia.

Việt Hóa Game – Cần gạn đục khơi trong để tiếp tục phát triển

Một phản ứng khá tiêu cực của game thủ khi bản dịch không vừa ý

Mặt khác, Việt Hóa game là một công việc không hề đơn giản, thậm chí một số nhóm dịch thuật đã phải mất từ 6-12 tháng để hoàn thành những tựa game AAA thuần tiếng Việt, thậm chí đã có khá nhiều dự án phải “đứt gánh giữa dòng” khi không đủ kinh phí và game đã nguội lạnh sau một thời gian dài ra mắt.

Đối với game thủ bình thường thì việc tiếp cận một tựa game thế giới mở phi tuyến tính như Fallout 4, The Witcher 3… có thể là một câu chuyện không hề đơn giản và liệu họ có đủ kiên nhẫn để chờ được đọc một câu chuyện Việt Hóa hoàn chỉnh bằng tiếng Việt hay không? Chắc chắn bạn vẫn phải cố nuốt mới ngoại ngữ kia để chơi game lúc còn nóng rồi sau đó mới chờ bản dịch sau, vậy tại sao không luyện ngoại ngữ rồi biết đâu chính bạn sẽ đứng trong hàng ngũ các dịch giả trong nhóm dịch game đó?

Cần làm gì để những tựa game Việt Hóa trong tương lai tốt hơn nữa?

Thực sự mà nói, Việt hóa game là một công trình đáng quý mà cộng đồng cung cấp miễn phí, nói một cách khác là những người dịch làm vì đam mê là chính, không có nhiều lợi ích từ đó. Vì vậy hãy trân quý những món quà đó và chấp nhận những mặt bất lợi của game Việt hóa từ cộng đồng.

Việt Hóa Game – Cần gạn đục khơi trong để tiếp tục phát triển

Một bản dịch Việt hóa hoàn chỉnh là công sức của bao người

Về kỹ năng dịch, cần phải rạch ròi giữa những chi tiết cần giữ nguyên như tên item, tên sự kiện, địa danh, tên nhân vật… để game thủ chơi bản khác ngôn ngữ có thể dễ dàng bàn luận về game hơn, tránh việc chỉ vì theo đuổi tác phong dịch mà tạo ra sự lệch pha không đáng có trong cộng đồng game. Thêm nữa, do là dự án cộng đồng nên không tránh khỏi sự chênh lệch về trình độ dịch của các thành viên, việc chuyển tải không hết ý nghĩa của game cũng rất dễ xảy ra. Chính vì vậy người dẫn đầu luôn đóng vai trò quan trọng khi hiệu đính toàn bộ bản dịch của nhóm để kiểm soát tối đa các lỗi dịch thuật kiểu này.

Một mức độ nào đó Mọt thấy có sự tương đồng giữa công việc của bản thân với các nhóm dịch game. Cùng là chuyển ngữ thông tin và đưa cho game thủ sử dụng. Nếu Mọt chuyển ngữ những tin tức, tư liệu thành những bài viết mang kiến thức thì các nhóm dịch game chuyển cả sản phẩm game về tiếng Việt để những game thủ có ngoại ngữ hạn chế có thể tiếp cận. Và dù là ở mảng nào thì chúng ta luôn phải cải tiến, gạn đục khơi trong và làm sản phẩm sau chất lượng hơn cái trước, đúng không?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e