ocelote bật mí những yếu tố then chốt biến G2 trở thành một trong những tổ chức thể thao điện tử đình đám nhất hành tinh.
Hầu hết các tổ chức thể thao điện tử nổi tiếng đang chi tiền vào công cuộc xây dựng đội hình và giành suất tham dự các giải đấu nhượng quyền thương mại. Điều này có thể khiến nhiều người hâm mộ nghĩ rằng họ đang hướng đến việc giành nhiều danh hiệu nhất có thể để kiếm tiền cũng như xây dựng thương hiệu bền chắc. Thế nhưng chiến thắng chưa phải là tất cả với G2 Esports – tổ chức lừng danh châu Âu coi “kể chuyện” và “giải trí” mới là đích đến cuối cùng, theo lời của Giám đốc Điều hành (CEO) kiêm sáng lập viên Carlos “ocelote” Rodriguez.
ocelote lập ra G2 vào tháng 11/2013 và hiện đang tham gia tranh tài ở hầu hết các bộ môn esports hàng đầu bao gồm Liên Minh Huyền Thoại, CS:GO và VALORANT. G2 đang là một trong số những tổ chức có độ phủ thương hiệu rộng khắp bậc nhất thế giới với một phần lý do là giành được nhiều chiến tích lớn nhỏ. Tuy nhiên, theo ocelote, lý do chính là bởi ban lãnh đạo G2 biết rõ cần phải làm gì để tạo ra sự khác biệt với những đối thủ cạnh tranh. “Chúng tôi phát huy thế mạnh của mình, gấp đôi luôn ấy. Đầu tiên là kể chuyện và giải trí cho tất cả mọi người, sau đó mới là chiến thắng. Chúng tôi kiếm tiền rất khác so với các đối thủ đang làm – họ thường chỉ đạt được doanh thu từ những nhà sáng tạo riêng lẻ và có tỉ suất lợi nhuận rất thấp, không có khả năng mở rộng quy mô cũng chẳng bền vững.”
Là tổ chức giàu thành tích nhất LMHT châu Âu, G2 luôn tiến sâu ở những giải đấu quốc tế trong vài năm trở lại đây
Người đứng đầu khâu vận hành của G2 nói với Forbes rằng hầu hết G2 kiếm tiền từ công việc sáng tạo nội dung của riêng họ. Nó biến G2 trở thành một thương hiệu ngày càng đình đám trong ngành esports để giúp họ có khả năng thu hút nhiều nhà tài trợ lớn trong lẫn ngoài mảng gaming như Mastercard, Adidas, BMW và Logitech. “Các hợp đồng tài trợ là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp của chúng tôi duy trì bền vững. Chúng tôi có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho các đối tác so với số tiền họ chi cho chúng tôi. Cuối cùng họ lại muốn gia hạn hợp đồng – đây là điều mà chúng tôi tự hào và chứng tỏ khả năng của chúng tôi trong việc gia tăng giá trị cho họ trong những năm qua” – ocelote nói.
ocelote cho rằng một trong những thứ quan trọng nhất với tài chính dài hạn của một tổ chức esports là họ không hoạt động như các đội tuyển thể thao truyền thống. Đó là bởi họ được biết đến rộng rãi hơn trong ở địa phương và cộng đồng đó sẵn sàng đến các sự kiện – thứ hiếm khi xảy ra với esports. “Quốc tịch xếp thứ nhì sau sức mạnh thương hiệu” – ocelote kết lại và cho biết việc tạo ra nội dung tiếng Anh là tối quan trọng với một tổ chức dù bất kể họ đặt trụ sở chính ở đâu.