Truyền thông xã hội hiện là một trong những ứng dụng phổ biến của Internet và là một nền tảng mạnh mẽ cho phép người dùng kết nối với gia đình và bạn bè, cũng như tìm ra những người bạn có cùng sở thích về nhiều chủ đề khác nhau. Xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, vào năm 2004, nay Facebook đã vươn lên vị trí đứng đầu lĩnh vực truyền thông xã hội, với 2,23 tỷ người dùng toàn cầu, và còn là ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất tại Mỹ với hơn 168 triệu người dùng.
Với hơn 2 tỷ người đang dùng Facebook để tạo dựng các mối quan hệ trực tuyến, lượng người dùng Facebook vẫn đang ngày một tăng cao. Tuy nhiên, trước khi bạn rút smartphone ra và lướt qua hàng loạt quyền chia sẻ ứng dụng, nhấn "Yes" để trao quyền truy cập đến từng cảm biến và từng mẩu dữ liệu trong thiết bị chỉ để ứng dụng Facebook hoạt động đầy đủ, hãy cùng xem những loại dữ liệu nào đã, đang và sẽ bị Facebook thu thập từ người dùng, từ đó đưa ra quyết định liệu có phải đây là nền tảng mà bạn nên sử dụng hay không.
Dù Facebook không hẳn là thành khẩn với việc thu thập dữ liệu của mình, và thậm chí còn có phần mờ ám đối với một số khía cạnh, việc thu thập dữ liệu này lại chẳng phải là một bí mật. Bạn có thể vào trang trợ giúp của Facebook, xem phần "What categories of my Facebook data are available to me?" để xem một danh sách liệt kê rất nhiều thứ mà Facebook sẽ thu thập và lưu giữ. Dưới đây là một số thứ đáng chú ý:
Thẻ tín dụng
Đừng sốc, bởi có nhiều người mua sắm các món đồ trên Facebook lắm. Những thứ họ mua bao gồm game, vé tham gia các sự kiện, đóng góp vào quỹ cá nhân hoặc quỹ từ thiện... Những giao dịch này được thực hiện thông qua một thẻ tín dụng, do đó Facebook lưu giữ thông tin thẻ vào một tập tin - nghe có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế, bạn nên tạm ngưng mọi việc lại và lo lắng một chút đấy: vừa có một vụ hack vào Facebook làm lộ lọt thông tin cá nhân của 30 triệu người dùng!
Hơn nữa, Facebook giữ một bản đối chiếu với các giao dịch nói trên, và đối với những người từng mua đồ trên Facebook, Facebook có thể dễ dàng theo dõi tiền được tiêu vào đâu, và sử dụng thông tin này để xây dựng nên một hồ sơ cá nhân về bạn.
Dữ liệu điện thoại
Facebook tiếp tục phổ biến trên smartphone, và trên thực tế, vào năm ngoái, có đến 63% người dùng Facebook trên nền tảng di động. Có nghĩa là Facebook trên di động phổ biến hơn một chút so với Facebook trên desktop - một xu hướng được dự đoán sẽ tiếp diễn trong những năm tới. Dù ứng dụng Facebook cần phải được cài đặt trên smartphone để sử dụng mạng xã hội này, nó lại là một ví dụ về loại ứng dụng mà người ta thường gọi là "Grabby" - một khi được cài vào điện thoại, nó sẽ tìm cách thu thập càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt.
Nhìn chung, hầu hết chúng ta sẽ đồng ý cho Facebook lướt qua danh bạ nhằm mục đích tìm cho chúng ta một vài người bạn và mở rộng mối quan hệ trên mạng xã hội này. Tuy nhiên, phần lớn người dùng không hề nhận ra rằng ứng dụng Facebook của họ còn làm nhiều điều hơn thế. Cụ thể, trên nền tảng Android, có một số thông tin cho biết Facebook có quyền truy xuất và lưu giữ dữ liệu lịch sử cuộc gọi của người dùng - bao gồm tất cả các cuộc gọi trong một khoảng thời gian kéo dài nhiều năm trời.
Nếu chừng đó là chưa đủ, ứng dụng Facebook còn mò vào dữ liệu SMS để thu thập mọi tin nhắn bạn gửi đi và nhận về. Facebook còn sử dụng thuật toán để thử và xác định các công việc từ các liên hệ cá nhân. Một điều khá hay ho là các danh bạ điện thoại, lịch sử cuộc gọi, và tin nhắn SMS đều hoàn toàn không được đề cập đến trong danh sách các loại dữ liệu Facebook thu thập.
Sở thích quảng cáo
Học theo mô hình kiếm tiền thông qua quảng cáo hướng đối tượng từ Google, Facebook đã thu được đến 98% thu nhập từ việc kinh doanh quảng cáo. Và quảng cáo hướng đối tượng sẽ đạt kết quả còn cao hơn nữa một khi Facebook biết nhiều hơn về người xem các quảng cáo đó.
Chính vì vậy, Facebook lưu giữ một bản đối chiếu mọi lượt like và dislike của bạn, dựa trên hoạt động trong quá khứ của bạn. Ví dụ, nếu bạn thích một cá nhân chính trị nào đó, Facebook sẽ cho phép các nhà quảng cáo gửi đến bạn các quảng cáo dựa trên những gì Facebook phỏng đoán về sở thích chính trị của bạn (trong khi Facebook khẳng định họ không bán thông tin này trực tiếp cho ai cả!).
Bởi doanh thu từ quảng cáo có tầm quan trọng rất lớn đối với công ty, Facebook còn thu thập các dữ liệu khác của bạn, bao gồm các dữ liệu nhân khẩu học như tuổi, giới tính, và các chủ đề thảo luận nhằm tìm ra các quảng cáo liên quan đến bạn - Facebook gọi đây là "sở thích quảng cáo" của bạn.
Họ còn nhắm quảng cáo dựa trên những lần bạn bấm vào quảng cáo trước đây, cũng như các bài đăng của bạn, và những bài của người khác mà bạn từng like. Nhìn chung, thay vì chỉ hiển thị các quảng cáo ngẫu nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều khi gửi đúng quảng cáo đến một người đang có hứng thú với vấn đề nào đó, như một quảng cáo về dịch vụ đăng ký trẻ em khi Facebook biết người dùng đang mang thai, hay quảng cáo xe hơi khi họ biết bạn đăng một bài viết về việc từng phải đứng bên đường đợi bắt taxi.
Facebook biết bạn là ai
Một phần trong việc thiết lập tài khoản Facebook là đăng một tấm ảnh của bạn để làm ảnh đại diện, giúp người khác dễ dàng nhận ra bạn hơn. Đặc biệt nếu bạn có một cái tên khá phổ biến giống nhiều người khác, thì ảnh đại diện này giúp bạn bè của bạn xác nhận họ đang kết bạn với đúng người họ biết chứ không phải một gã lạ hoắc nào đó có cái tên tương tự.
Nhưng mục đích của Facebook còn sâu xa hơn: mạng xã hội này chạy phần mềm nhận diện khuôn mặt bằng Trí tuệ nhân tạo đối với ảnh đại diện của người dùng và biến chúng thành một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Người ta phát hiện ra hành vi này của Facebook khi bỗng một ngày, họ tự động được tag vào các hình ảnh của người dùng khác, trong khi rõ ràng chẳng có ai tự tay làm điều đó cả.
Hồi đầu năm nay, hành vi này của Facebook đã dẫn đến một vụ kiện tập thể. Nhiều người dùng khẳng định họ không đồng ý tham gia vào quá trình nhận diện khuôn mặt, cũng như quá trình tạo và lưu trữ khuôn mặt của họ. Một lần nữa, danh sách dài dằng dặc những thứ Facebook thu thập từ người dùng lại không hề nhắc đến dù chỉ một dòng chữ nhỏ về hành vi nhận diện khuôn mặt nói trên.
Facebook nhớ mọi thứ
Có thể nhiều người trong chúng ta chẳng hề nhớ mình đã ăn gì trong bữa sáng, nhưng Facebook lại nhớ mọi thứ. Họ biết chính xác bạn tạo tài khoản khi nào, mọi người bạn từng kết bạn và hủy kết bạn, và mọi bài viết bạn từng đăng tải. Họ biết công việc của bạn, trường đại học bạn đã học, và cả những mối quan hệ yêu đương nhăng nhít của bạn nữa.
Nếu điều đó chưa đủ đáng sợ, dưới danh nghĩa Facebook Location Services, Facebook đã thu thập thông tin vị trí người dùng để biết chính xác hiện bạn đang ở đâu và mọi nơi bạn đi. Tất nhiên, bạn có thể tránh việc bị thu thập dữ liệu này, nhưng có quá nhiều người đã tham gia vào dịch vụ định vị này theo mặc định, và họ chẳng hề biết ông anh lớn Facebook lúc nào cũng kè kè bên họ trong mỗi chuyến đi và lặng im ghi lại mọi bước đi của họ!
Tham khảo: TechRadar