Project Ara là một dự án điện thoại thông minh dạng module (nói đơn giản là lắp ghép từng thành phần như camera, pin…) do Google phát triển. Công ty nói rằng thiết kế này sẽ cho phép người dùng dễ dàng tùy chỉnh cấu hình hoặc nâng cấp từng thành phần mà không cần phải mua điện thoại mới, giúp kéo dài thời gian sử dụng và hạn chế rác thải điện tử.
Tuy nhiên, dự án này đã nhanh chóng bị ngừng lại vì phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật và kinh doanh. Đó là lý do vì sao ở thời điểm hiện tại bạn chỉ có thể mua một chiếc điện thoại có cấu hình cố định.
Theo thống kê của Gartner, các hãng sản xuất đã bán được 366,6 triệu chiếc điện thoại chỉ trong quý 3 năm 2020, trong khi số lượng máy tính bán ra dừng lại ở mức 71,4 triệu PC. Cần phải nhớ rằng đây là thời điểm đang xảy ra đại dịch COVID-19, người dùng phải làm việc tại nhà và sử dụng máy tính thường xuyên hơn.
Nếu các hãng phát triển điện thoại thông minh dạng module, việc sản xuất sẽ mất nhiều công đoạn và tốn thời gian hơn, số lượng điện thoại xuất xưởng ít hơn khiến các hãng phải tăng giá sản phẩm để bù lại chi phí.
Điện thoại thông minh có thiết kế tương đối nhỏ (không rộng rãi như máy tính), điều này khiến cho việc tùy biến các thành phần trở nên khó khăn.
Các nhà sản xuất máy tính có thể đưa ra nhiều tùy chọn cấu hình khác nhau dựa trên những tiêu chuẩn chung về kết nối. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện thoại không có những thứ như vậy, họ phải phát triển quy trình riêng cho từng bộ phận.
Nhiều trở ngại liên quan đến phần cứng và phần mềm
Android không có khả năng cài đặt driver (trình điều khiển) như máy tính, thay vào đó, Kernel (tạm hiểu là phần nhân hệ điều hành) chỉ được cấu hình cho một phần cứng cụ thể.
Việc cung cấp nhiều tùy chọn cấu hình sẽ khiến nhà sản xuất mất nhiều thời gian tinh chỉnh, kéo theo đó thời gian cung cấp các bản cập nhật phần mềm cũng sẽ lâu hơn, chưa kể đến việc ứng dụng không tương thích.
Đó là lý do vì sao Google đành phải “khai tử” Project Ara sau nhiều năm phát triển.
Nhiều trở ngại về phần cứng và phần mềm khi phát triển điện thoại thông minh dạng module. Ảnh: iFixit
Liệu rằng việc tùy chỉnh cấu hình điện thoại có tạo ra sự khác biệt hay không?
Điện thoại thông minh được phát triển và ra mắt liên tục, và nó đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu làm việc, giải trí, học tập, chơi game… hàng ngày. Tại sao phải tùy chỉnh điện thoại với CPU mạnh hơn, màn hình sắc nét hơn thay vì chúng ta chỉ cần mua một mẫu điện thoại cao cấp?
Bên cạnh đó, điện thoại có ít cấu hình sẽ giúp hãng sản xuất dễ dàng phát triển các bản cập nhật phần mềm và cung cấp dịch vụ khách hàng.