Trước lúc con gái về nhà chồng, ông Dhananjaya đã khuyên dạy con gái "6 điều gia huấn". Chính 6 điều này đã khiến gia đình chồng vô cùng tôn trọng và yêu thương Visakha.
(Ảnh minh họa)
Triệu phú Dhananjaya nổi tiếng là một người giàu có. Con gái ông là cô Visakha, người được mệnh danh là "Nữ đại thí chủ" xuất sắc cả về đức hạnh lẫn trí tuệ vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Về làm dâu trong một gia đình giàu có nhưng theo tà đạo, cô Visakha vẫn cư xử vô cùng tốt đẹp khiến cho toàn bộ gia đình bên chồng yêu kính và cải tà quy chính. Và sau đây là 6 điều người cha đã khuyên dạy.
Lời dạy này có nghĩa nếu trong gia đình nhà chồng có chuyện gì, dù hay, dù dở, dù tốt, dù xấu cũng không nên đem ra nói chuyện với người bên ngoài. Nó chính là lửa, nó sẽ tạo nên miệng tiếng không hay.
Nếu không gìn giữ, nó sẽ đốt cháy sự danh giá, đốt cháy sự thuận hòa, êm ấm trong gia đình. Là người con gái có nết hạnh phải biết rõ như vậy.
(Ảnh minh họa)
2. Không đem lửa từ bên ngoài vào trong nhà
Chuyện nơi chợ búa, chuyện ngoài đường, chuyện hàng xóm, chuyện xấu, chuyện tốt, chuyện hay, chuyện dở của thế gian, chuyện người ta nói thế này về cha, về chồng thường do thiên vị vì tham, vì sân, vì ganh ghét, vì đố kỵ, vì tỵ hiềm, vì nịnh bợ, vì phù phiếm và chúng không bao giờ trung thực, không hề đáng tin. Vậy nên cần nghe đâu bỏ đó, đừng mang về kể lại trong nhà tạo nên xáo trộn, lời qua tiếng lại, không hay, không tốt.
Tóm lại là đừng ngồi lê đôi mách, nghe ngóng ba thứ chuyện linh tinh chẳng đâu vào đâu rồi mang về trong nhà kể lại. Là nữ nhân có gia giáo thì phải biết đó là lửa, nó sẽ đốt cháy tất cả nguồn sống.
3. Chỉ cho những người có khả năng hoàn trả, không cho những ai không thể hoàn trả
Tài sản, vật dụng hoặc tiền bạc trong nhà phải cất giữ cẩn thận. Nếu cho ai, hàng xóm hoặc người thân quen mượn cái gì, vật gì thì phải biết tính xem người ấy, kẻ ấy có khả năng trả lại không, hay họ sẽ mượn mà “bặt vô âm tín”. Tiền bạc cũng vậy, nếu cho ai vay thì phải xem xét gia cảnh người ấy, với nghề nghiệp như vậy, kinh doanh làm ăn như vậy thì liệu họ sẽ có sức trả lại đúng hạn. Còn ngược lại, nếu thấy người ta không có khả năng thì tốt nhất không nên cho vay, cho mượn.
(Ảnh minh họa)
4. Cho những người có thể hoàn trả hoặc những người không thể hoàn trả
Đây là trường hợp cho đến những thân bằng quyến hoặc những người đói nghèo, cơ cực. Ví dụ những bà con bên cha, bên chú, bên mẹ, bên dì của chồng, con gặp lúc hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, nếu họ có mượn cái gì, vay cái gì đều nên cho họ vay, họ mượn.
Nếu họ có trả lại, hoàn lại cũng tốt. Còn nếu họ không có khả năng hoặc họ không trả lại thì cũng thôi. Đối với những người đói nghèo, cơ cực cũng tương tự như vậy.
Nếu họ có vay, mượn mà không hoàn lại, trả lại thì nên xem như là mình đã san sẻ, giúp đỡ cho họ. Làm như thế sẽ hóa ra là mình thực hiện được một phước sự, một việc tốt đẹp.
(Ảnh minh họa)
5. Ngồi, ăn, ngủ một cách an vui
"Ngồi một cách an vui" có nghĩa là khi ngồi là phải biết ngồi chỗ nào cho đúng lẽ, cho hợp lễ. Phải biết tránh chỗ ngồi của cha mẹ. Nếu cha mẹ có đi ngang qua thì phải biết đứng dậy, cúi đầu chào.
"Ăn một cách an vui" là trước bữa ăn phải xem thức ăn đã dọn đầy đủ cho cha mẹ và cho chồng hay chưa. Phải coi xem kẻ ăn người ở trong nhà có được một bữa ăn chu đáo không. Và chính mình là người ăn sau cùng, ấy mới gọi là con dâu thảo.
"Ngủ một cách an vui" là trước khi ngủ phải biết quan sát, kiểm soát mọi việc trong nhà, đóng cửa, cài then cẩn thận; xem kẻ ăn người ở có sai sót việc gì, xem họ có hoàn thành công việc được giao trong ngày hay không. Thấy đâu đó ổn thỏa rồi mới dám đi ngủ sau cùng.
6. Chăm nom ngọn lửa để coi chừng lửa, tôn trọng và kính lễ những "vị trời" có mặt trong nhà
Phải xem cha mẹ chồng và chồng như lửa, có thể đốt cháy chính mình. Lửa ở đây ý nói là phải rất thận trọng, rất cẩn trọng lúc ăn nói, lúc đi đứng, lúc giao tiếp, không để xảy ra bất kỳ một sơ suất hay khiếm khuyết nào. Một chút bất cẩn, vô tâm hay vô ý đụng chạm đến cha mẹ hoặc chồng là mình có thể bị cháy! Vậy hãy cố gắng chăm nom và coi chừng ngọn lửa ấy.
Và điều cuối cùng là phải xem cha mẹ và chồng như những "vị trời" ở trong nhà, tôn kính và thờ phụng các vị trời như thế nào thì tôn kính, thờ phụng cha mẹ và chồng cũng y như thế.
(Ảnh minh họa)
Đây là 6 kinh nghiệm sáng suốt khôn ngoan ngàn đời để lại. Tất thảy đó đều là những lời dạy minh triết, đáng làm châm ngôn cho những nàng dâu sắp sửa lên xe hoa về nhà chồng. Hãy nhớ rằng, muốn được đối đãi chân thành thì hãy tự biết đối xử với gia đình nhà chồng một cách đong đầy yêu thương và thành kính.
Theo Trí Thức Trẻ