Trong khi nhiều người thuộc thế hệ Y chưa chắc đã trả lời được câu hỏi "Bạn có phải là thế hệ Y?" thì có khi ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến thời của thế hệ Z mất rồi.
Thế hệ Y hay Millennials là những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000, chính là thế hệ tiếp nối thế hệ X - những bậc cha anh đi trước sinh ra từ năm 1965 đến năm 1980. VTV mới đây đăng một dự báo cho hay, đến năm 2025, thế hệ Y sẽ chiếm tới 75% lực lượng lao động toàn cầu.
Cũng theo VTV, chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm đã có khoảng 1 triệu người thuộc thế hệ Y bổ sung vào lực lượng lao động và ước tính, thế hệ này sẽ chiếm 36% lực lượng lao động Mỹ vào năm 2025. Còn tại Pháp cũng đang có 16 triệu người thuộc thế hệ Y, chiếm tới 40% lực lượng lao động của nước này.
Thế hệ Y đang dần trở thành lực lượng lao động chủ lực. (Ảnh: BrandsVietnam)
Tại Việt Nam, thế hệ Y được dự báo sẽ là thành phần lớn nhất, chiếm hơn 43% lực lượng lao động. Sự nhạy bén, giỏi công nghệ và ứng dụng công nghệ thành thục là một lợi thế lớn của thế hệ Y, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay.
Thế hệ Y sẽ nhanh chóng bị thay thế bằng thế hệ Z?
Theo BrandsVietnam, hiện nay doanh nghiệp đang chú ý đến thế hệ Z, những người được sinh ra sau năm 1995 và sắp gia nhập lực lượng lao động. Thế hệ mới nhất này được dự đoán sẽ chiếm 33% tổng dân số toàn cầu vào năm 2020 và cũng có một số đặc điểm chung với thế hệ Y như phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ, nhanh nhạy, năng động...
Nhưng thế hệ Z cũng có những khác biệt lớn so với thế hệ Y và đây có thể là những yếu tố quyết định việc họ có nhanh chóng thay thế thế hệ Y hay không. Mới đây, cuộc khảo sát của Monster đã tiến hành trong thế hệ mới này và 70% thành viên thế hệ Z cho rằng, lương bổng đóng vai trò quan trọng trong quyết định nghề nghiệp của họ, trong khi yếu tố này ở Millennials chỉ chiếm 63%.
Các đặc quyền như thẻ thành viên phòng gym, lớp học yoga, cà phê miễn phí... rất ít hấp dẫn thế hệ Z so với Millennials. Tuy nhiên, các phúc lợi truyền thống như bảo hiểm y tế lại rất được thế hệ Z quan tâm. Trên thực tế, bảo hiểm y tế và lương thưởng là 2 yếu tố đầu tiên khiến thế hệ Z cân nhắc khi lựa chọn công việc.
Mặc dù mức lương thưởng đóng vai trò quan trọng nhưng cũng có tới 74% thành viên thế hệ Z qua cuộc khảo sát tin rằng, việc làm nên có mục đích cao cả hơn là "chỉ mang về tiền bạc". Chỉ có 70% Millennials nghĩ như vậy.
Thế hệ Z trưởng thành quá nhanh? (Ảnh: PSafe)
Thế hệ Z có vẻ đề cao sự chăm chỉ hơn Millennials, những người thích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 58% người thuộc thế hệ Z thích những công việc nhiều thử thách như giờ làm khắc nghiệt nếu điều đó đi đôi với mức lương cao hơn và 74% sẵn sàng "nhảy" việc. Thế hệ Z cũng thể hiện có đầu óc kinh doanh nhạy bén với 49% bày tỏ mong muốn có sự nghiệp riêng.
Thế hệ Z có tính cạnh tranh cao hơn khi muốn “tự mình làm việc và được đánh giá dựa trên giá trị riêng thay vì đánh giá cả nhóm” như thế hệ Y. Họ cũng thích có văn phòng riêng hơn là chia sẻ cùng đồng đội trong một không gian làm việc mở.
Thế hệ Z cũng thích giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt dù họ lớn lên với công nghệ. Các công ty có thương hiệu mạnh đặc biệt hấp dẫn thế hệ Z. Họ thường tìm kiếm thông tin về công ty trên Google và phương tiện truyền thông, MXH trước khi đến phỏng vấn xin việc.
Thế hệ Y vẫn mang lại nhiều giá trị kinh tế những năm tới
Chưa biết những ưu điểm trên có làm thế hệ Z nhanh chóng thay thế thế hệ Y hay không, chỉ biết là chưa thể có ngay một "cuộc lật đổ". Thế hệ Y vẫn đang được quan tâm và vẫn sẽ là thế hệ chủ chốt trong lực lượng toàn cầu khi chiếm 32% dân số thế giới và 35% dân số Việt Nam những năm tới.
Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, giá trị đóng góp của thế hệ Millennials cho thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại nhiều quốc gia là tương đối lớn. Cụ thể, Indonesia chiếm 34% khách hàng trong nhóm này, ở Thái Lan và Philippines là 27% và tại Việt Nam con số là 36%.
Nielsen thì thống kê cho thấy thế hệ Y kết nối Internet đến 24,7 giờ/tuần và dự đoán nhóm này sẽ tăng hơn 70% mức độ chi tiêu, tức gần 100 tỷ USD/năm trong gần 10 năm nữa. Vì vậy, những năm qua, nhiều nhãn hàng tiêu dùng đã tập trung vào nhóm khách hàng lứa tuổi từ 17 - 35, trong đó có nhu cầu, sở thích, trải nghiệm, lối sống, suy nghĩ... của thế hệ Y luôn được quan tâm khai thác.
Nhiều thương hiệu, nhãn hàng đang nhắm vào thế hệ Y. (Ảnh: Cafebiz)
Theo tờ Trí Thức Trẻ, đặc điểm thích khác biệt với lối sống tự do, phóng khoáng, làm chủ bản thân chính là những thông điệp nhiều nhãn hàng đưa ra gần đây để hướng tới thế hệ Y.
Navigos Search đã tiến hành khảo sát 3.150 người thuộc thế hệ Y tại Việt Nam và đưa ra nhận định rằng, đây là những người trẻ có tham vọng phát triển sự nghiệp, tinh thần làm việc cao và có cái nhìn tích cực về phát triển nghề nghiệp. 2/3 người tham gia khảo sát cho biết mong muốn khởi nghiệp trong 3 năm tới.
Độ tuổi "vàng" để khởi nghiệp được cho là từ 31 - 35 tuổi với tỷ lệ lựa chọn lên đến 53%. Các lĩnh vực được kỳ vọng trong khởi nghiệp khá đa dạng, từ bán lẻ, du lịch, thương mại điện tử tới giáo dục. Động lực khiến thế hệ Y khởi nghiệp chủ yếu là mong muốn trở nên giàu có với tỷ lệ 66%. 2 nhu cầu khác là muốn được làm chủ (46%) và khẳng định thương hiệu cá nhân (44%).
Nếu bạn là thế hệ Y, hãy phát huy tất cả những đặc điểm có thể coi là ưu điểm nói trên, kẻo trong một ngày không xa, ai đó ở thế hệ Z sẽ đuổi kịp và thay thế bạn trong lực lượng lao động đấy!/.