Bạn đã bao giờ thắc mắc Tết Nguyên đán là gì, bắt nguồn từ đâu?

Tết Nguyên đán được tính như thế nào?

"Tết Nguyên đán là gì?", "Tết bắt nguồn từ đâu?", "Tại sao lại có Tết?"... là những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng trả lời chính xác được.

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản gọi là Tết là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và Vòng văn hóa Đông Á. Trước ngày Tết thường có những ngày khác để sửa soạn như "Tết Táo quân" (23 tháng Chạp âm lịch), "Tất niên" (29 hoặc 30 tháng Chạp âm lịch).

Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch.

Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán thường kéo dài trong khoảng 7 - 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1/1 âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt.

Trong những ngày Tết, các gia đình sẽ sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên... Theo phong tục tập quán, Tết Nguyên đán thường có những điều kiêng kỵ như quét nhà, xông đất không đúng tuổi...

Nguồn gốc của Tết Nguyên đán bắt nguồn từ đâu?

Do chịu ảnh hưởng khá sâu của văn hóa Trung Quốc trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc nên Tết Nguyên đán cũng là một trong những nét văn hóa du nhập trong thời điểm đó. Lịch sử Trung Quốc cho thấy Tết Nguyên đán đã có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.

Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần còn nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp làm tháng đầu năm. Nhà Chu thì yêu sắc đỏ nên đã chọn tháng Tý, tức tháng mười một làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: Giờ Tý có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đã đổi ngày Tết vào một tháng nhất định, đó là tháng Dần. Ở đời nhà Tần (thế kỷ thứ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng 10. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức là tháng Giêng. Từ đó, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Ở đời Đông Phương Sóc, chuyện tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám thì mới sinh ra ngũ cốc. Do đó, ngày Tết Nguyên đán thường được tính từ ngày mồng 1 cho đến hết ngày mồng 7.

Ý nghĩa sâu xa của Tết Nguyên đán

Thời điểm Tết Nguyên đán không những thể hiện sự giao thoa giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông mà đây còn là thời điểm đoàn viên của mọi gia đình.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, mặc dù làm bất cứ nghề nghiệp nào, bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong muốn được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày đầu năm. "Về quê ăn Tết" không còn là khái niệm gì xa xôi với những người đi làm ăn xa, đây còn là cuộc hành hương để tìm về với nguồn cội, nơi mà bản thân đã chôn rau cắt rốn.

Tết Nguyên đán với ý nghĩa xâu xa và mang tính thiêng liêng nhằm tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới cùng với những lời cầu chúc về một năm mạnh khỏe, sinh sôi, mưa thuận gió hòa... là sự khởi đầu về ý thức hệ nông nghiệp và lan rộng trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa.

Cũng với người Việt, Tết Nguyên đán còn là cơ hội để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng những giá trị về nguồn cội. Trong đời sống tâm linh người Việt có niềm tin bất diệt rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ nhằm chứng kiến lòng thành của con cháu, từ đó phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và an khang trong một năm.

Trong những ngày Tết, con người trở nên gần gũi với nhau hơn, ai cũng muốn vui vẻ, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất khi năm mới sang. Đây cũng là thời điểm hòa giải lý tưởng cho những bất đồng mâu thuẫn giữa người với người trong năm cũ.

Theo Helino.vn


* Nội dung liên quan: