Ban phụ huynh yêu cầu đóng thêm 2 triệu đồng cho 2 tháng nghỉ dịch, cha mẹ học sinh tranh cãi kịch liệt

Trách nhiệm với tiền lương của giáo viên

Việc nghỉ học kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến tài chính của các trường tư. Cảm thông cho nỗi khó khăn chung, ban phụ huynh đã đề xuất việc đóng góp tiền học online.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên các tỉnh thành trên cả nước đều tiếp tục thông báo cho học sinh nghỉ học thêm từ 2 - 3 tuần. Nhiều trường đã tiến hành giảng dạy online để đảm bảo tiến độ học tập, đặc biệt với học sinh cuối cấp.

Tuy nhiên, việc nghỉ học dài ngày đã ảnh hưởng rất nhiều đến các trường tư thục khi nguồn thu chính của các đơn vị này đến từ học phí của học sinh. Mới đây, từ sự cảm thông và chia sẻ khó khăn với nhà trường, ban phụ huynh của trường THCS & THPT Lương Thế Vinh đã đề xuất với phụ huynh việc mỗi học sinh sẽ ủng hộ trường 1 triệu đồng/tháng cho tháng 2 và tháng 3, tức là đóng thêm 2 triệu đồng.

Theo Trưởng ban phụ huynh, nhà trường chưa từng yêu cầu phụ huynh đóng thêm học phí, nhưng ban thấy được sự tâm huyết của thầy cô mỗi ngày đều đến trường soạn bài, thực hiện sát khuẩn hàng tuần, đôn đốc học trò học tập... nên cảm thấy có trách nhiệm với tiền lương của các thầy cô giáo.

Trưởng ban phụ huynh nhà trường chia sẻ: "Tuy hệ thống chưa thực sự hoàn thiện nhưng các con đã bắt đầu sử dụng tốt để học kiến thức mới và ôn luyện kiến thức cũ. Thiết nghĩ khi đăng ký học cho các con là chúng ta xác định cùng nhà trường dạy dỗ con em mình theo kiểu truyền thống chứ không phải học online như thế này, tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, để đảm bảo sức khỏe của chính con em mình thì việc học online đã được nhà trường lập tức triển khai để kịp đối phó với tình hình".

Văn bản của ban phụ huynh trường Lương Thế Vinh.

Đáng tiếc, việc này đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng phụ huynh trên MXH. Một số phụ huynh thì tỏ ra đồng tình với cách làm của ban phụ huynh nhằm tháo gỡ khó khăn của trường tư. "Động viên các thầy cô cũng tốt mà! Mình cũng nghĩ nên chia sẻ bớt khó khăn với nhà trường.", thành viên M.H bình luận.

"Dịch chưa biết kéo dài bao lâu nhưng ngoài lương giáo viên họ còn phải trả lương cán bộ nhân viên, tiền thuê cơ sở vật chất. 2 tháng có thể không sập nhưng 3 - 4 tháng tiếp diễn không nguồn thu thì trường sẽ thế nào. Không lẽ đợi họ sập rồi mới hỗ trợ? Mà không cần biết sập hay không, đã sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền là công bằng. Mình đang đứng góc độ phụ huynh chứ mình cũng chẳng có liên quan gì đến trường tư đâu!", thành viên N.H nhận xét.

"Riêng đối với chuyện này tôi lại ủng hộ. Đã dạy học thì phải trả học phí chứ không thể bắt trường gánh được. Trường con tôi Ban Phụ huynh đề nghị 1,5 triệu/tháng, tôi đóng luôn, rất tiếc trường không dám nhận khoản hỗ trợ này. Trường sập, con chúng ta không có chỗ học, chi bằng cùng nhau hỗ trợ đôi bên cùng có lợi. Thầy cô càng thêm tâm huyết, yêu nghề thì cũng là được lợi cho con cái mình thôi!", thành viên N.Q đồng tình.

Nhiều ý kiến trái chiều về việc Ban Phụ huynh đề nghị học sinh ủng hộ 1 triệu/tháng. (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến thì phản đối việc đóng tiền. Các phụ huynh này cho rằng, học phí trường tư vốn dĩ đã đắt nên việc đóng thêm tiền đợt dịch này là không cần thiết. Một số phụ huynh khác thì phân tích, dịch bệnh cũng tạo nên khó khăn chung trong nguồn thu của nhiều gia đình nên việc đóng thêm tiền triệu mỗi tháng sẽ tạo nên áp lực lớn không phải phụ huynh nào cũng có thể gánh được.

"Khó khăn chung thôi, nhiều gia đình cũng bị thất nghiệp mùa dịch mà. Đâu phải ai cũng có thể bỏ ra tiền triệu hàng tháng như vậy!", thành viên M.H bình luận. "Lạ thật!!! Các doanh nghiệp rồi khách sạn thất nghiệp còn chưa nói mà các trường học mới nghỉ 2 tháng coi như 2 tháng hè đã thi nhau nói ầm hết cả lên. Năm nay cứ coi như không có nghỉ hè mà thay bằng nghỉ xuân đi!", thành viên H.T tỏ ý phản đối.

"Mô hình dạy online đa dạng, học phí cũng đa dạng. Có những gói cả năm cho 1 môn nào đó chắc chỉ tầm 700 - 800 nghìn đồng mà đã là gọi VIP rồi. Bây giờ bắt đóng góp lên đến hàng triệu/tháng liệu có quá không?", thành viên N.T chất vấn. Một phụ huynh chia sẻ về việc học online ở trường: "Nào đã dạy online được buổi nào đâu! Chỉ giao bài tập trên nhóm và web cho phụ huynh in cho con làm, cũng không có sự tương tác giữa học sinh - giáo viên luôn. Không thể gọi đây là dạy online được!".

Một số phụ huynh cho rằng, cha mẹ cũng gặp khó khăn tài chính trong mùa dịch. (Ảnh minh họa)

Nhà trường lên tiếng

Liên hệ với trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, đại diện nhà trường cho biết đã nhận được thông tin về việc phụ huynh tổ chức đóng góp, nhưng hiện tại trường vẫn chưa nhận được khoản phí này và vẫn đang xem xét về việc có nhận hay không. Nếu nhận, trường sẽ dùng nguồn kinh phí này cho việc đầu tư học online và cải thiện chất lượng bài giảng.

Đại diện nhà trường cũng cho biết thêm, tình hình nghỉ học kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu của trường. Tuy vậy, trường vẫn hỗ trợ nửa tháng lương tháng 2 cho giáo viên và đang xem xét về việc tiếp tục cho các thầy cô giáo nhận lương. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì trường cũng không tránh khỏi khó khăn về tài chính. Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh đang kiến nghị về việc xem xét lại quyết định không cho thu tiền học phí online của các trường tư trên địa bàn TP Hà Nội.

Nghỉ học kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn thu của các trường tư. (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, chia sẻ về việc liệu trường tư có được thu các khoản phí trong thời gian nghỉ dịch, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD&ĐT Trần Tú Khánh cho hay: "Bộ GD&ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như học online, Bộ không quy định mà do nhà trường và gia đình học sinh thỏa thuận".

Căn cứ nội dung, khối lượng công việc, các nhà trường sẽ xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí. Nhà trường cũng đồng thời phải thông báo công khai việc thỏa thuận với phụ huynh học sinh, sinh viên trước khi triển khai. Bộ GD&ĐT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn nghỉ do dịch Covid-19.

Theo Kenh14.vn


* Nội dung liên quan: