Bến xe Miền Đông mới hoạt động, 29 tuyến xe khách sẽ được chuyển sang

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ chuyển 29 tuyến xe khách từ bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) sang hoạt động tại bến xe Miền Đông mới (quận 9).

29 tuyến xe khách nào sẽ ra bến xe Miền Đông mới? - Ảnh 1.

Bến xe Miền Đông hiện hữu (Q.Bình Thạnh) thường xuyên đông nghẹt, ùn ứ khách vào các dịp lễ, tết - Ảnh: T.T

Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM - cho biết sau khi Bến xe Miền Đông mới chính thức đi vào hoạt động, 29 tuyến xe khách TP.HCM - các tỉnh miền Trung, miền Bắc (từ Quảng Trị trở ra) sẽ nhanh chóng được chuyển về đây hoạt động.

Theo ông Hải, hiện nay việc kết nối giao thông xung quanh bến xe mới vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, để khai thác bến mới hiệu quả, kế hoạch di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ bến xe Miền Đông hiện hữu ra bến xe Miền Đông mới được chia thành 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1, di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc).

Bến xe Miền Đông mới nằm tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM có diện tích 16ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 4-2017. Bến xe lớn nhất nước này có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm và dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 15-8.

Đối với phương án tổ chức giao thông giai đoạn 1, bến xe xác định di dời 29 tuyến, trung bình khoảng 40 chuyến/ngày. Các phương tiện sử dụng cổng chính ở quốc lộ 1 và cổng phụ ở đường số 13 của bến xe để lưu thông ra, vào đón trả khách.

Cũng trong giai đoạn 1, TP sẽ điều chỉnh 6 tuyến xe buýt để kết nối vào bến xe mới. Đồng thời, TP cũng có phương án mở thêm 1 tuyến mới đi từ bến xe Miền Đông cũ về bến xe Miền Đông mới phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Giai đoạn 2, sau một năm, TP tiếp tục di dời 85 tuyến vận tải hành khách cố định từ Thừa ThiênHuế trở vào khu vực miền Trung, tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và tuyến liên vận quốc tế.