Các nước láng giềng thực hiện hạn chế và cấm xe gắn máy như thế nào?

Trung Quốc cấm xe gắn máy và xe đạp diện thế nào?

Giao thông hỗn loạn, chất lượng không khí ngày một đi xuống... khiến các nước láng giềng tiến hành cấm hoặc hạn chế lưu lượng xe gắn máy đi vào nội đô. Họ đã thực hiện như thế nào?

Cuối thế kỷ 20, một số thành phố tại Trung Quốc đã bắt đầu lộ trình cấm xe gắn máy. Năm 1984, thủ đô Bắc Kinh hạn chế xe gắn máy lưu thông và ngừng đăng ký mới.

Đến năm 2002, TP Thượng Hải tiếp bước khi đưa ra lệnh cấm xe máy lưu thông trong nội thành. Quyết định này thậm chí đã gây ảnh hưởng đến gần 1 triệu phương tiện. Và đến năm 2004, tới lượt TP Quảng Châu làm điều này.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi chính quyền địa phương nhận ra xe gắn máy là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông ở các thành phố. Ngoài ra, lưu lượng xe máy quá đông cũng được cho là khiến chất lượng không khí tại các thành phố rơi vào ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng.

Để thay thế cho xe gắn máy, người dân chuyển sang sử dụng xe đạp và xe máy điện. Hiện tại, có khoảng 200 triệu xe máy - xe đạp điện đang lưu thông tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến năm 2016, chính phủ Trung Quốc lại đưa ra dự thảo... cấm nốt xe máy điện. Lý do là bởi ý thức của người dân khi đi xe điện chưa cao, phương tiện này tiếp tục chiếm tỷ lệ gây tai nạn khá lớn. Ngoài ra, dù là phương tiện "xanh" nhưng lượng điện sử dụng một lần nữa đặt ra bài toán về môi trường.

Xe đạp điện, xe máy điện đang là đối tượng tiếp theo được xem xét cấm ở thành phố.

Để thực hiện cấm xe máy, TP Quảng Châu mở nhiều chốt kiểm tra để xử lý xe vi phạm, đồng thời ban hành những chính sách hỗ trợ như chi trung bình 180 USD/xe cho những người chủ động giao nộp xe máy, số tiền này thay đổi tùy theo niên hạn xe, quá niên hạn thì không được hỗ trợ.

Chính quyền cũng mở nhiều hội chợ việc làm để giúp đỡ những người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến xe máy. Và điều quan trọng nhất là mở rộng mạng lưới giao thông công cộng. 

Kể từ tháng 5/2004 đến cuối năm 2006, trước thời điểm thực hiện lệnh cấm, TP Quảng Châu đã tăng thêm 37 tuyến xe buýt, xây dựng các làn đường dành riêng cho xe buýt, bổ sung nhiều xe buýt nhỏ trên những con phố chật hẹp. Bên cạnh đó, Quảng Châu cũng tăng cường phát triển tàu điện ngầm. Tính đến năm 2010, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đạt chiều dài khoảng 250 km với 9 tuyến, phục vụ 1,2 - 1,4 tỷ lượt người/năm. 

Nhiều nước Đông Nam Á đã lo cấm ô tô riêng

Xe máy cũng là phương tiện chính gây tai nạn trong nhiều năm tại Myanmar từ những năm cuối thế kỷ 20. Theo một vài số liệu, TP Yangon có hơn 800 vụ tai nạn/năm với nguyên nhân là xe máy.

Bởi vậy mà từ năm 1989, chính phủ Myanmar đã bắt đầu ban hành lệnh cấm xe máy, bước đầu là ngăn phương tiện sử dụng xăng đi vào nội đô TP Yangon. Đến năm 2003, lệnh cấm được ban hành trên toàn thành phố song song với việc giới hạn các phương tiện cơ giới nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Yangon sau khi cấm xe gắn máy.

Hiện nay, xe máy đã bị cấm hoàn toàn tại Yangon. Tuy nhiên, thành phố này hiện tại đang rơi vào tình trạng giao thông bị tắc nghẽn vì lượng ô tô tăng đột biến và bắt đầu phải tính đến tình huống giảm dần các phương tiện cá nhân gồm cả ô tô.

Năm 2014, chính phủ Indonesia cũng áp dụng lệnh cấm xe máy với hình thức thí điểm trên nhiều tuyến đường và giúp người dân chuyển dần sang sử dụng phương tiện công cộng. Tháng 11/2014, chính sách cấm xe máy được áp dụng tại một số tuyến đường của thủ đô Jakarta. Tháng 2/2015, khu vực trung tâm Jakarta cấm hoàn toàn xe máy do họ đánh giá hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Jakarta đã cấm xe máy ở trung tâm.

Singapore là quốc đảo có diện tích nhỏ nên phải đấu tranh rất nhiều với nạn tắc đường và ngăn chặn ô nhiễm không khí. Để làm được điều đó, họ có những điều luật và biện pháp để ngăn không cho lượng phương tiện cá nhân tiếp tục tăng trưởng.

Thuế suất của Singapore áp lên ô tô và xe máy đều rất cao, đặc biệt là với ô tô. Đi kèm với đó là một loạt thủ tục giấy tờ như chứng nhận lưu hành, hạn ngạch lưu hành, thuế đường, đăng ký... Tất cả điều này đủ để khiến một người muốn mua xe phải nản lòng.

Đặc biệt, muốn phương tiện hoạt động được hợp pháp, chủ phương tiện tại Singapore cần phải có giấy phép lưu hành - COE (Certificates of Entitlement). Số giấy phép được cấp mỗi năm là có hạn và trị giá của nó có thể lên tới 70.000 USD và có khi còn đắt hơn cả phương tiện được mua.

Ngoài ra, Singapore còn có phí ùn tắc áp dụng cho các chủ phương tiện. Kể từ khi xuất hiện, hệ thống giao thông của Singapore đã có khá nhiều thay đổi tích cực như giảm được lưu lượng phương tiện đến 45% và số vụ tai nạn giảm 35% (số liệu năm 2017). Các quy định cũng giúp có thêm ngân sách để nâng cấp đường sá và hệ thống giao thông công cộng.

Singapore có nhiều loại xe máy cổ trên đường phố.

Tháng 6/2018, Singapore đã đưa ra lộ trình cấm tất cả xe máy được đăng ký trước năm 2003 không được lưu thông vào năm 2028 vì không đảm bảo chất lượng an toàn cho môi trường. Lộ trình cấm xe máy cũ tại Singapore sắp tới sẽ khiến những chiếc xe cổ chính thức bị xóa sổ trên đường phố.

Theo Trí Thức Trẻ