Chuyện gì đang xảy ra với rừng già Amazon, bạn có thể làm được gì để cứu nó?

Tại sao số vụ cháy rừng Amazon tăng?

Đầu tháng 8 này, Brazil công bố tình trạng khẩn cấp khi số lượng các vụ cháy rừng Amazon ngày một tăng. Theo số liệu của INPE - trung tâm nghiên cứu từ không gian của Brazil, 73.000 vụ cháy đã xảy ra năm nay, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, con số kỷ lục tính từ 2013.

Theo NASA, khu vực rừng nhiệt đới này vốn có độ ẩm cao, nhưng thời điểm tháng 7 - 8 là mùa khô của Amazon và đây vẫn còn chưa phải đỉnh điểm. Thời điểm nóng khô nhất kéo dài từ đầu tháng 9 tới giữa tháng 11, đồng nghĩa với việc nếu không nhanh chóng giải quyết ngọn lửa nóng đang hủy diệt hệ sinh thái đa dạng nhất Trái Đất này, nguy cơ mất hết hiển hiện.

Trò chuyện với CNN, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch - Christian Poirier lại không đổ lỗi cho tự nhiên. Lửa vốn là công cụ để con người dọn rừng, kiếm tìm diện tích canh tác và chăn nuôi.

Biến đổi khí hậu mang đến hiểm họa gì cho Amazon?

Theo thông cáo báo chí do tổ chức Hòa bình Xanh cung cấp, cháy rừng và biến đổi khí hậu "đuổi" nhau trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát, bóp nghẹt con người ở giữa. Số lượng đám cháy ngày một tăng thì lượng CO2 sẽ càng nhiều. Nhiệt độ toàn cầu liên tục tăng kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán sẽ căng hơn trước nhiều.

“Bởi lẽ lượng khí thải ngày một nhiều, có thể thấy việc phá rừng ảnh hưởng trực tiếp tới lượng mưa trong khu vực, khiến mùa khô kéo dài hơn, rồi lại càng ảnh hưởng tới rừng, độ đa dạng sinh học, nền nông nghiệp địa phương cũng như sức khỏe con người.”, thông cáo báo chí của Hòa bình Xanh ghi rõ.

Những khu vực bị ảnh hưởng

Ảnh vệ tinh cho thấy bang Amazonas, Rondinoa, Para và Mato Grosso của Brazil đều có dấu hiệu cháy rừng. Theo Euro News đưa tin, bang Amazonas là nơi ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhìn từ trên vệ tinh xuống có thể thấy làn khói đen khổng lồ phủ lên tương lai "lá phổi xanh" của nhân loại.

Rừng mưa nhiệt đới Amazon sản sinh ra 20% lượng oxy cho thế giới, là nhà ở của 10% sinh vật toàn cầu (chưa kể còn nhiều sinh vật khác chưa khám phá). Đâu phải tự nhiên danh hiệu "lá phổi xanh" thuộc về Amazon! Nếu như Trái Đất mà mất nó, thật khó có thể đo đếm được những thiệt hại.

Vậy mà diện tích rừng mưa nhiệt đới toàn cầu này vẫn cứ giảm theo thời gian. Con người phá rừng để có đất canh tác, nhưng nếu không còn rừng, nhân loại sẽ chẳng còn thức ăn và nước uống để tiếp tục tồn tại.

Tổ chức Khí tượng học Thế giới WMO cho hay: “Lượng khói độc phát ra từ lửa cháy bao gồm carbon monoxide, nitrogen oxide và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa methane (NMVOC)”.

Carbon monoxide gây nhiễm độc máu, tổn thương mô hay thậm chí dẫn tới mất mạng ngay. Nitrogen oxide gây viêm đường hô hấp. Trong danh sách dài các chất NMVOC, có nhiều thành tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người như benzen và 1,3-Butadiene.

Đang có tất cả bao nhiêu đám cháy rừng tại Brazil?

Theo BBC đưa tin hôm 23/8, trong khoảng 48 giờ đo đạc, có khoảng 2.500 đám cháy đang hiện hữu tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới Brazil. Vệ tinh của Chương trình Quan sát Trái Đất trực thuộc EU phát hiện “một lượng khói rất lớn” phủ chủ yếu trên khu vực Amazonas và Rondonia. NASA đã tiến hành quan sát kỹ càng những đám cháy từ những ngày đầu và suốt tuần qua, cả EU và NASA liên tục chia sẻ những hình ảnh về đám cháy rừng Amazon lên các nền tảng mạng xã hội.

Người dân ở cách khu vực cháy tới 3.000 km vẫn có thể thấy bầu trời phủ đầy khói. Đơn cử là hình ảnh São Paulo lúc 3h30 chiều theo giờ địa phương.

Tốc độ chữa cháy thế nào?

Đám cháy vẫn đang tiếp tục lan. Dự báo thời tiết hôm 22/8 cho thấy sẽ có mưa bão trong khu vực, nhưng không rõ mưa sẽ hiệu quả tới đâu vào giữa mùa khô và khi đám cháy đang ở thời điểm dữ dằn nhất. Thế nhưng ta không thể trông chờ vào mưa hay phép màu nào để cứu lấy rừng Amazon.

Tổng thống Bolivia - Evo Morales nói ông sẽ cử chiếc Boeing 747 mang tên “Supertanker” tới Brazil để giúp chữa cháy. "Con chim sắt" có thể mang theo 115.000 lít nước và dự kiến sẽ tới khu vực Amazon vào cuối tuần.

Những chính trị gia từ châu Âu như Phần Lan, Pháp và Đức đều đã lên tiếng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra cuối tuần này, họ sẽ đặt việc cứu lấy rừng Amazon làm trọng tâm.

Bên cạnh đó, nhiều nước đã lên tiếng phản đối chính sách đối nội của Brazil, cho rằng việc nhà cầm quyền địa phương hạn chế biện pháp bảo vệ rừng cũng như khuyến khích phá rừng làm kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp tới "lá phổi xanh" của Trái Đất.

Người sử dụng Internet toàn cầu cũng không đứng ngoài cuộc. Các cộng đồng liên tục chia sẻ những hình ảnh liên quan, thúc giục cơ quan chức năng phải hành động, dồn tài nguyên để cứu lấy những thứ mà chính lòng tham của con người đã tàn phá. Những thông điệp “cứu lấy Amazon” truyền đi khắp nơi, đồng thời lên án nhiều cá nhân sẵn sàng giang tay cứu lấy nhà thờ Đức Bà nhưng lại kín tiếng khi rừng Amazon chìm trong biển lửa.

Bản thân bạn có thể làm gì để cứu Amazon?

Nếu dư giả tài chính, bạn có thể tính tới chuyện quyên góp cho các tổ chức môi trường. Một số tổ chức còn giúp chống biến đổi khí hậu bằng những cách rất khác lạ, ví dụ như công cụ tìm kiếm Ecosia.org, tổ chức sẽ trồng một cây với mỗi 45 lượt người sử dụng.

Mạng lưới Hành động vì Rừng nhiệt đới cũng kêu gọi quyên góp để họ trực tiếp bảo vệ rừng Amazon. Quỹ Rừng mưa nhiệt đới cũng kêu gọi quyền góp để mua đất trồng cây gây rừng. Tính từ năm 1988 tới nay, họ đã bảo vệ được 93.000 km2 rừng nhiệt đới.

Bạn cũng có thể đóng góp cho Quỹ Toàn cầu về Môi trường để bảo vệ các loài sống tại Amazon cả những hệ sinh thái toàn thế giới; Tổ chức bảo vệ rừng Amazon là Amazon Watch; Đội Bảo tồn Amazon - tổ chức bảo vệ rừng và vừa chống biến đổi khí hậu; Tổ chức Bảo tồn Amazon để trồng thêm cây, bảo vệ môi trường sống, tài trợ giáo dục địa phương, mua pin Mặt Trời...; Quỹ Trồng Một Cây - ngăn chặn nạn phá rừng toàn cầu, liên tục cập nhật cho bạn tiến độ dự án trồng cây, cho bạn biết cây mình trồng đã giúp ích Trái Đất ra sao...

Vì một lý do nào đó mà bạn không thể quyên góp cho các quỹ trên thì hãy tính tới việc giảm sử dụng giấy, tiết kiệm giấy cũng như hạn chế sử dụng các sản phẩm từ thịt. Phương án giảm sử dụng thịt vừa góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường lại vừa hạn chế việc phá rừng để dựng trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Hãy “góp sức” để rừng Amazon không cháy như hiện tại.

Theo Cafebiz.vn