Con cái mất liên lạc, phụ huynh nên tự tìm hay nhắn nhờ cộng đồng mạng?

Lợi hại thông tin trên mạng

Câu chuyện nữ sinh biến mất tại sân bay mới đây một lần nữa gây nên tranh cãi và một câu hỏi đặt ra là khi con cái mất liên lạc, phụ huynh nên tự tìm hay nhắn nhờ cộng đồng mạng?

Không chỉ là việc tìm người bỏ nhà đi, đi lạc... mà với sức mạnh của MXH ngày nay, người ta còn có thể tìm ra một con cún đi lạc, một chiếc điện thoại đánh rơi... Bởi vậy nên khi một gia đình có con bỗng mất liên lạc thì ai cũng nghĩ ngay đến việc đăng tin lên mạng nhờ trợ giúp hoặc là trình báo công an.

Nhưng ai cũng hiểu việc trình báo hay đưa thông tin lên mạng không phải trò đùa nên việc này không thể thực hiện ngay mà nên xác minh cho rõ rồi mới đăng tin hay đi trình báo. Cũng có rất nhiều trường hợp gia đình dù đã mất dấu hoàn toàn đứa con của mình nhưng vẫn quyết định nỗ lực tự tìm kiếm vì lo ngại đưa thông tin lên mạng sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng.

Ảnh 1: Con cái mất liên lạc - We25.vn

Có rất nhiều trường hợp nữ sinh bỏ nhà đi hoặc mất tích.

Như trường hợp mới đây của cô nữ sinh ở Lâm Đồng, cho đến khi cô đã về nhà an toàn thì sự chỉ trích của cộng đồng vẫn bủa vây với những ý kiến gay gắt cho rằng, một nữ sinh đại học như cô mà hành động nông nổi làm khổ cha mẹ như vậy là không chấp nhận được. Những lời lẽ không hay tràn lan trên mạng khiến gia đình cũng chịu sức ép khi đọc được.

Thông tin trên mạng có cái lợi là nhanh chóng và nhiều lúc cũng mang lại những manh mối tìm kiếm. Còn mặt hại là một nạn nhân hay một khổ chủ có thể trở nên nối tiếng theo cái cách mà họ không mong muốn.

Hãy đăng thông báo khi có đủ căn cứ

Cũng không khác mấy so với quy trình làm việc với cơ quan chức năng, để đưa thông tin tìm người lên MXH, phụ huynh cần xác minh rõ có đúng con mình đã thực sự mất liên lạc hay không. Thời gian mất liên lạc thường là 1 - 2 ngày, đó là quãng thời gian người nhà huy động mọi kênh thông tin từ họ hàng, nhà trường, bạn bè... để tìm kiếm. Khi không thể lần ra dấu vết từ những kênh đó thì mới là lúc đăng tin lên mạng nhờ cộng đồng hỗ trợ.

Điều lưu ý đầu tiên là thông tin đăng lên phải vô cùng chính xác, phải cân nhắc kỹ thông tin nào cần đưa lên, thông tin nào không cần. Qua những vụ việc gần đây, có thể nhận thấy không ít trường hợp nhận "gạch đá" từ cộng đồng vì gia đình luôn khẳng định "con tôi rất ngoan, học giỏi...", "con tôi chưa yêu ai"... Liệu có phải con ngoan khi bỏ nhà đi chơi không một lời thông báo? Như trường hợp nữ sinh T.M mới đây, khi gia đình khẳng định con chưa có bạn trai thì sau đó lại có thông tin từng đưa bạn trai về nhà 2 lần...

Ảnh 2: Con cái mất liên lạc - We25.vn

Tin đăng trên MXH liên quan một vụ nữ sinh bỏ đi không thông báo cho gia đình.

Điều lưu ý thứ hai là cộng đồng không ai trực tiếp "trèo đèo lội suối" đi tìm người giúp ai mà họ chỉ giúp đưa thông tin đi nhanh hơn và gây sức ép với kẻ bắt cóc hay lừa phỉnh nạn nhân bỏ nhà đi. Cộng đồng cũng có kẻ xấu người tốt nhưng tuy "gạch đá" nhiều thì đại đa số ai đã quan tâm thông tin là người đó cũng có ý giúp đỡ gia đình dù chỉ là một cú bấm like hay bấm share.

Điều lưu ý cuối cùng, nếu đã xác định rõ gia đình mất liên lạc với nạn nhân thì nhất thiết phải đăng thông tin lên mạng. Đã có rất nhiều vụ việc để lại hậu quả đáng tiếc nên cũng rất cần cả cộng đồng vào cuộc truy tìm manh mối với nguyên tắc "cẩn tắc vô áy náy". Chỉ không đưa thông tin lên mạng khi được cơ quan chức năng khuyến cáo, thường là rơi và những vụ việc đặc biệt, cần bảo mật.

Cuối cùng, những ai có ý định bỏ nhà theo... đam mê xê dịch hãy suy nghĩ cho kỹ, đừng vì vài sở thích nhỏ nhoi của cá nhân mà làm cả gia đình, nhà trường, cộng đồng phải lo lắng, tốn sức người sức của truy tìm. Còn các gia đình không may có con cái mất liên lạc cũng cần bình tĩnh đi tìm và khi đăng tin lên MXH thì cần biết cách đưa ra phát ngôn phù hợp./.