Thử thách để vượt qua, không phải để quay đầu
Với bạn Lê Công Tín, sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, khi dịch COVID-19 bùng phát, kí túc xá của trường được trưng dụng làm khu cách ly, Tín quyết định chuyển ra ở trọ cùng một người anh. Căn phòng trọ nhiều gián, chuột bò quanh, đồ ăn cũng không để lâu được vì chưa có tủ lạnh, nhưng Tín cảm thấy đó cũng là những khó khăn rất bình thường mà sinh viên nào cũng sẽ trải qua.
“Dịch bệnh thì ai cũng khổ, với sinh viên thì dịch hay không cũng đều có thể gặp những khó khăn này, nên ở quen mình cũng thấy bình thường. Mọi việc từ sinh hoạt hay học tập của mình cũng không có nhiều đảo lộn. Nhu yếu phẩm thì mình được phát phiếu đi chợ rồi, còn không có thể mua tại các hàng quán gần nơi trọ” - Tín chia sẻ.
Cũng như Tín, ở lại Đà Nẵng dù phải ra ngoài ở trọ, Trần Sơn - sinh viên năm 4 trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng chia sẻ:
“Ngay lúc kí túc xá trường cho sinh viên về, mình đã sắp xếp đồ đạc để chuyển ra trọ. Không phải mình bỏ lỡ chuyến xe cuối về nhà mà mình ý thức được mình nên ở lại, mình muốn đồng hành cùng Đà Nẵng trong giai đoạn này, mình muốn sống trong tâm dịch.
Gia đình mình ai cũng dùng mạng xã hội, có thể video call nói chuyện thường xuyên, chỉ thiếu đi sự gần gũi là ăn bữa cơm gia đình. Về nhà hay ở lại với mình cũng không có nhiều sự thay đổi”.
Sơn chia sẻ năm nay 21 tuổi rồi, vì thế bạn muốn mình “ưu tiên trải nghiệm, đối mặt với những khó khăn như thử thách để vượt qua”.
Trong khó khăn, những sinh viên như Tín và Sơn không hề đơn độc. Các bạn cho biết nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, từ nhà trường. Thậm chí, dãy trọ Sơn sống, chủ trọ đã giảm 20% giá thuê phòng, cho thêm trứng và một số lương thực.
Sơn học online tại phòng trọ của mình. Đây chính là không gian riêng để Sơn tiếp tục thực hiện những kế hoạch trong tương lai. Ảnh: TRẦN SƠN
“Sống trong tâm dịch đến nay cũng gần 1 tháng, mình cũng dần thích nghi, không đáng sợ và lo lắng như nhiều người vẫn nghĩ, ý thức hơn về nghị lực sống trong những giai đoạn thử thách. Nếu mình rèn luyện được khả năng tự lập trong hoàn cảnh dịch này rồi, thì trong tương lai những khó khăn như lập nghiệp, đi làm,… mình tin mình sẽ vững bước đi tiếp thôi.” - Sơn chia sẻ.
Muốn về nhà thật nhưng cả Sơn và Tín đều muốn về nhà với một tâm thế ổn định, khi mọi chuyện đã trôi qua bình an. Khi ấy các bạn sẽ kể cho gia đình, những người ở quê về những câu chuyện từng trải qua, những thử thách đã đối mặt, đã vượt qua và trưởng thành, mạnh mẽ hơn.
Tìm thấy cơ hội ở “tâm dịch”
Bạn Nguyễn Hoàng Thi - sinh viên năm 4 quê ở Bình Định, đang trọ tại đường Phạm Như Xương- TP. Đà Nẵng thì hay nói đùa với bạn bè, sau này sẽ viết vào CV xin việc là mình có kinh nghiệm chống dịch và đã sống trong tâm dịch năm 2020, vì đây là thành tích khiến Thi tự hào, khi tìm thấy những cơ hội để vượt qua những giới hạn của bản thân.
Hoàng Thi và các bạn trong khu cách ly F1 tại trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm coi đây là môi trường để các bạn cùng rèn luyện, và thử thách vượt qua giới hạn của bản thân. Ảnh: HOÀNG THI
Hoàng Thi đã đi làm tình nguyện viên 14 ngày trong khu cách ly F1 tại trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, nhận vị trí leader (trưởng nhóm) của một đội 10 người. Tham gia hoạt động xã hội nhiều nhưng kinh nghiệm làm trưởng nhóm thì chưa bao nhiêu, Thi thừa nhận đây là công việc mình từng sợ nhất:
“Ngày nhận làm leader, mình còn chưa biết sẽ làm những gì, quản lí một team ra sao, quản lí sổ sách, giấy tờ, còn quản lí cả “đàn anh” có kinh nghiệm trong công tác xã hội… nhưng rồi mình cũng vượt qua được nỗi sợ. Hôm cuối cùng ở lại, cả đội nhận xét nhau thì mọi người đánh giá mình làm rất tốt, khi ấy mình cảm thấy đã thành công vì vượt qua được giới hạn của chính bản thân mình” - Thi nhớ lại.
Chọn ở lại, Hoàng Thi (áo cam hàng 2) xung phong làm tình nguyện viên và đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN NGA
Thi chia sẻ bạn học hỏi từ những bạn học sinh mới học lớp 10, nhưng đã thuyết phục gia đình vào khu cách ly để làm công tác tình nguyện với các anh chị lớn tuổi: “Mình và các tình nguyện viên rèn luyện được tinh thần thép chống dịch, cẩn thận mọi lúc mọi nơi, ý thức tự bảo vệ mình. Nếu tình hình xấu nhất diễn ra là dịch còn kéo dài, Thi có niềm tin Thi không một mình, chắc chắn thành phố sẽ bên cạnh đồng hành cùng Thi!” - Thi hào hứng chia sẻ.
Đặng Tấn Tín, chàng sinh viên quê Quảng Nam đứng ra thực hiện dự án: “Hòa nhịp con tim - Chung niềm hi vọng” nhằm tiếp thêm động lực cho các cán bộ ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh: TẤN TÍN
Hình ảnh sinh viên trong tâm dịch thường được “dán nhãn” với những sự khó khăn, thiếu thốn, ăn mì tôm, sống chật vật,... Nhưng sinh viên mạnh mẽ hơn thế, bản lĩnh hơn thế. Tìm thấy cơ hội trong khó khăn, những bạn trẻ với suy nghĩ và hành động tích cực như Sơn, Tín, Thi... coi mùa dịch này chính là thử thách quan trọng để trưởng thành, từ đó vững vàng bước vào đời mà không nao núng trước bất kỳ chướng ngại nào xuất hiện trên chặng đường lập thân, lập nghiệp sau này.