Nhiều doanh nhân tại Việt Nam có bằng Tiến sĩ nhưng lại chuyển hướng kinh doanh thay vì theo đuổi con đường học vấn. Còn "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản lại nhận bằng cử nhân của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới.
Mới đây, "đại gia điếu cày" - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh - Lê Thanh Thản đã vinh dự nhận bằng cử nhân danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới - World Records University (WRU). Chỉ tốt nghiệp THPT những ông Lê Thanh Thản đã đóng góp không hề nhỏ cho nền kinh tế tư nhân.
Đại gia Lê Thanh Thản cùng nhiều doanh nhân nhận bằng Cử nhân tại Viện Đại học Kỷ lục Thế giới.
Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) được biết tới không phải là một trường đại học đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh có phân khoa như trên thế giới hiện nay mà hoạt động theo mô hình riêng. WRU đào tạo theo mô hình đặc thù tinh gọn giống một viện tư liệu và nghiên cứu tổng hợp về những giá trị sáng tạo và nội dung kỷ lục của cộng đồng kỷ lục gia trên thế giới.
Hình ảnh cá nhân ông Lê Thanh Thản giản dị gắn với chiếc điếu cày nhưng lại đi Rolls-Royce Phantom Oriental Sun vốn đã trở nên quen thuộc trên thương trường. 60 khách sạn, 25.000 nhân công, hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ trên toàn quốc cho thấy vì sao Tập đoàn Mường Thanh được chứng nhận kỷ lục sở hữu “Chuỗi khách sạn lớn nhất Đông Dương” vào năm 2017.
Dưới sự điều hành của ông Lê Thanh Thản, Mường Thanh đã vươn ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cho tới nay, Mường Thanh đang nắm trong tay hơn 9.000 phòng tiêu chuẩn quốc tế từ 3 - 5 sao, có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong việc phát triển ngành lưu trú Việt Nam. “Đại gia điếu cày” chia sẻ với PV rằng trước nay ông toàn đi tặng hoa chúc mừng người thân, bạn bè, con cháu trong ngày vui nhận bằng thì nay, lần đầu tiên trong đời ông được người thân chúc mừng với tấm bằng cử nhân danh dự của Viện Đại học danh tiếng.
Trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) và bà Nguyễn Phương Hằng - chủ nhân khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) cũng đã được trường Đại học Apollos ở Mỹ có chi nhánh tại Malaysia trao bằng Tiến sĩ và học hàm Giáo sư.
Vợ chồng ông Dũng lò vôi nhận học hàm giáo sư và bằng tiến sĩ.
Ông Dũng được trao bằng Tiến sĩ danh dự về quản trị kinh doanh (Honorary Doctor of Business Administration) và bà Hằng được vinh danh Giáo sư danh dự (Honorary Visiting Professor). Ông Dũng vốn phải rời ghế nhà trường để tự lập nghiệp từ sớm do hoàn cảnh gia đình. Trong khi đó, vợ ông, bà Hằng cũng chỉ học xong lớp 11.
Vợ chồng ông Dũng "lò vôi" phấn đấu trên thương trường suốt 30 năm và gây dựng khối tài sản với trị giá lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đặc biệt hơn cả, cặp vợ chồng này đã tạo ra lợi nhuận nhưng cũng giúp đỡ nhiều trẻ em nghèo bị mắc bệnh tim bẩm sinh trên cả nước thông qua Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Trong danh sách các tỷ phú được biết tới nhưng chưa có bằng đại học phải kể tới Bầu Đức. Ông từng nói: “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.
Bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học.
Năm 1990, ông Đức quyết định mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà sau một thời gian đi làm thuê. Dần về sau ông mở rộng kinh doanh sang sản xuất nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.
Tới 2018, Bầu Đức - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai từ chối tham dự cuộc làm việc của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL vì “xấu hổ do không có bằng đại học”.
Chân dung ông Lê Phước Vũ.
Một đại gia khác là ông Lê Phước Vũ, ít ai biết ông là người chưa từng học đại học. Ông Vũ sinh năm 1963, quê gốc tại Quảng Nam. Ông bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1994 với cơ sở bán lẻ tôn. Ông thành lập Công ty CP Hoa Sen tại Bình Dương với số nhân viên là 22 người năm 1994 và xây dựng công ty lớn mạnh tới ngày nay.
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960, quê gốc ở Phú Yên. Không có bất cứ tấm bằng đại học nào, chỉ học hết lớp 12 nhưng bà là một trong những “nữ tướng” đáng nể nhất trên thương trường Việt Nam. Hiện tại, bà Loan đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, sở hữu khối lượng tài sản khoảng 454,4 tỷ đồng (theo thống kê mới nhất được đăng tải trên các báo).
Bà Nguyễn Thị Như Loan.
Bà Loan khởi nghiệp bằng nghề chế biến, cung cấp đồ gỗ và bà nhanh chóng sở hữu một gia sản khổng lồ từ những năm 80. Một thời gian sau, bà chuyển qua kinh doanh phân bón nhưng không thành công. Khi một khách hàng nợ tiền phân bón của bà Loan trả nợ bằng một lô đất, bà rẽ sang bất động sản.
Sau đó bà Loan cùng đối tác đầu tư vào khu đất này, mỗi bên góp 50% vốn lập ra Công ty TNHH Hoàng Anh. Bà bán lại cổ phần của mình và năm 1994 lập ra Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường. Năm 2007, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và đổi tên thành Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, nổi tiếng trong lĩnh vục kinh doanh bất động sản.
Theo Tiin.vn
Hồ sơ học vấn đáng gờm của dàn “cá mập” Shark Tank: Shark Hưng đi học nhiều nơi nhất