GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: "Tôi cho rằng vấn đề lương giáo viên cần được giải quyết tận gốc, bởi xã hội có lao động và phân phối nghề nghiệp."
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hồng Quân khẳng định lương thấp, thế hệ trẻ không nhìn thấy những điều tích cực với nghề, rất khó thu hút người giỏi vào sư phạm.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, trong đó có quy định sẽ trả lương giáo viên theo vị trí việc làm từ ngày 1/1/2020.
Đề xuất lương nhà giáo bằng công an, quân đội
Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng khung năng lực vị trí việc làm còn định tính. Vì vậy, hiện nay, hầu hết đều dựa vào quy định tiêu chuẩn ngạch, bậc công chức để làm căn cứ x.á.c định khung năng lực vị trí việc làm. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm.
GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, cho rằng về nguyên tắc luật của Bộ Nội vụ là đúng nhưng để thực hiện không phải dễ. Đồng thời, GS Trần Hồng Quân đưa ra quan điểm của hiệp hội đề xuất lương giáo viên cao bằng công an, quân đội.
Trả lời báo chí, ông Quân nói lương giáo viên có tầm quan trọng là chọn và giữ chân được người giỏi.
- Vì sao Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập lại có đề xuất lương giáo viên cao bằng lương công an, quân đội? Đây không phải lần đầu đề xuất này được đưa ra nhưng chưa thực hiện được. Lần đề xuất lần này liệu có khả thi, thưa ông?
- Tôi cho rằng vấn đề lương giáo viên cần được giải quyết tận gốc, bởi xã hội có lao động và phân phối nghề nghiệp.
Nếu lương giáo viên thấp hơn so với nghề khác, người giỏi sẽ không vào sư phạm. Khi làm nghề, họ cũng không chú tâm vào chuyên môn, cuộc sống không đảm bảo.
Lương thấp, giáo viên có thể chịu được nhưng nếu quá thấp đến mức không đủ sống thì dù có yêu nghề đến mấy họ cũng phải làm thêm, trong đó có dạy thêm, học thêm.
Tăng lương giáo viên có tầm quan trọng là chọn và giữ chân được người giỏi. Để thực hiện điều này, chúng ta cần một giải pháp đồng bộ cùng những nghiên cứu.
Đề xuất lương giáo viên cao bằng lương công an, quân đội chỉ là một cách nói. Toàn diện hơn, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho rằng lương giáo viên phải giúp thầy cô sống được bằng nghề. Bao nhiêu để sống được thì trong quá trình thực hiện cần định lượng rõ.
- Những giải pháp để thực hiện đề xuất trên là gì, thưa ông?
- Hiện tại, ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, cần cắt giảm biên chế. Vì vậy, chúng ta cần những giải pháp khác nhau, trong đó có tăng cường tự chủ ở trường đại học, mở rộng trường dân lập, tư thục ở phổ thông. Khi đó, ngân sách Nhà nước sẽ không phải chi trả cho toàn bộ giáo viên. Chỉ những giáo viên ở hệ thống công lập mới được trả cao như mức lương của công an, quân đội.
Giáo viên trường công lập không nằm trong biên chế Nhà nước sẽ được trả lương theo thu nhập và khả năng của họ.
- Trong những năm tháng làm giáo dục, hình ảnh nào của giáo viên để lại trong ông những suy nghĩ, trăn trở về mức độ đãi ngộ còn thấp?
- Cách đây hơn 20 năm, khi là Bộ trưởng GD&ĐT, tôi đã luôn trăn trở với điều này. Lúc đó, tôi là thành viên Ban thảo luận các vấn đề về lương, nhận thấy lương nhiều ngành, trong đó có giáo dục, bất hợp lý.
Xã hội tồn tại lương là nguồn thu nhập chính thức và cả các nguồn khác. Đây là bất cập lớn và dài nhất trong xã hội lâu nay, vì vậy cần giải quyết sớm điều này. Riêng ngành giáo dục, bản thân giáo viên không có thu nhập khác ngoài lương, trừ việc dạy thêm không cần thiết. Do vậy, vấn đề lương giáo viên thấp gây bức xúc trong dư luận.
Rất nhiều thầy cô không đủ sống với đồng lương của mình cả khi đang dạy lẫn nghỉ hưu. Có những giáo viên hợp đồng ở Hà Nội dạy hơn 20 năm nhưng lương chỉ 3 triệu đồng/tháng. Những cô giáo miền núi về hưu, lương vẫn không đủ sống, đành ở luôn trên vùng cao khi tuổi già.
Điều này tạo sự phân biệt trong xã hội và làm nên hình ảnh không đẹp của giáo viên. Thế hệ trẻ không nhìn thấy những điều tích cực với nghề thì sao giữ được đam mê?
Đề xuất 2 phương án về lương giáo viên
Tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa diễn ra, nhiều ý kiến cũng đã góp ý về lương giáo viên. Thường trực ủy ban đề xuất 2 phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.
Phương án 1: Luật Giáo dục sửa đổi quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW có 3 bảng lương.
Phương án 2: Quy định phụ cấp ngành giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội; đặc biệt, trách nhiệm của nhà giáo trong nhiệm vụ bảo vệ người học ở bậc học phổ thông và mầm non khi người học chưa thành niên.