Dự án thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch được phía Nhật Bản tài trợ 100% chi phí

Đại diện JVE khẳng định, dự án thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch được tài trợ 100%, khi xảy ra sự cố phía Việt Nam không phải chi một khoản phí nào, phía Nhật Bản sẽ chịu. Không quy đổ trách nhiệm thí nghiệm cho một đơn vị nào.

Liên quan đến vấn đề Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu mét khối nước Hồ Tây làm ảnh hưởng đến công tác thí nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, sáng 18/7, tiến sĩ Takeba Akira – Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại & Môi trường Nhật Bản đã có cuộc trao đổi với PV về vấn đề này.

Theo vị tiến sĩ người Nhật, việc Hồ Tây xả nước vào khu thí điểm sông Tô Lịch vừa qua là điều đương nhiên cần phải làm theo đúng quy trình thoát lũ mùa mưa của thành phố Hà Nội. Trong các văn bản, JVE (Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt) không quy đổ trách nhiệm sự cố thí nghiệm cho một đơn vị nào.

Tiến sĩ Takeba Akira.

“Còn về thông tin liên quan đến các hoạt động trong mùa mưa như thế nào, trong các cuộc họp chúng tôi đều được nghe. Ở Việt Nam, mùa mưa thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi trong 10 năm qua tại Hà Nội liên tục có mưa to nhưng không thấy có việc xả nước Hồ Tây định kỳ.

Chúng tôi đã nghĩ đến mùa mưa nó chỉ là một trận mưa to và đã có giải pháp cho vấn đề này, nhưng các bạn đã biết lượng nước xả vào khu xử lý lên đến hơn 1 triệu mét khối, gấp 10 lần lượng nước thải chảy vào cả sông Tô Lịch. Do vậy, một phần lớn lượng vi sinh vật đã được kích hoạt để xử lý phân giải chất ô nhiễm bị trôi đi”, tiến sĩ Takeba Akira phân tích.


Ông nhấn mạnh thêm, việc xả nước Hồ Tây vừa rồi ông không hề được thông báo và hơn 1 triệu mét khối đó vượt quá tầm kiểm soát.

Vị chuyên gia người Nhật cho biết thêm, trong thời gian thử nghiệm hai tháng sắp tới, chắc chắn sẽ có những ngày mưa to và tiếp tục xả nước nhưng để rút kinh nghiệm, đơn vị đã chuẩn bị những giải pháp xử lý mới.

“Sắp tới dù lượng nước xả có lớn hơn nhiều thế nào đi nữa thì cũng không ảnh hưởng đến công nghệ chúng tôi đang thí nghiệm“, chuyên gia người Nhật nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh.

Khi PV đề cập đến việc thời gian làm lại thí nghiệm kéo dài thêm hai tháng, như vậy chi phí sẽ tăng cao như nào, đơn vị nào chịu trách nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết, dự án này ngay từ đầu được tài trợ 100%, nên khi xảy ra sự cố phía Việt Nam không phải chi một khoản phí nào, phía Nhật Bản sẽ chịu.

Còn về vấn đề tổng mức kinh phí bỏ ra làm thử nghiệm, đơn vị vẫn chưa có báo cáo thống kê cụ thể, phải đến khi hoàn thiện xong mới công bố.

Chủ tịch Hội đồng quản trị JVE cũng nói thêm rằng, 10 năm trở lại đây ông chưa nghe thấy Hồ Tây thường xả nước định kỳ khi có mưa lũ, mà chỉ nghe thấy đề xuất đưa nước sông Hồng vào rửa sông Tô Lịch.

Theo Soha