Chúng ta thường được bố mẹ dạy dỗ nên hòa đồng với mọi người. Điều này nói rất dễ nhưng làm lại vô cùng khó. Nếu xa cách quá mối quan hệ sẽ phai nhạt, nếu gần nhau quá sẽ nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn.
Cho dù đó là gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, thái độ của mọi người có thể thay đổi một cách dễ dàng khi xa cách. Khi kết thân với một người, mọi thứ luôn cần giữ ở mức chừng mực, dù họ có tốt đến mấy cũng không nên thân thiết quá, nếu không bạn sẽ là người bị tổn thương.
Dù là ai đi chăng nữa, đừng tỏ ra quá thân thiết
Khi quá thân thiết với nhau, người ta bắt đầu xuề xòa trong lời nói, không để ý tới tiền bạc, không biết tôn trọng nhau… dần dần những vụn vặt bắt đầu nhen nhóm thành những vấn đề nghiêm trọng khiến đối phương cảm thấy “gai mắt”.
Bạn bè, họ hàng mỗi khi gặp nhau thường hỏi han chuyện gia đình, kể nhau nghe vài câu chuyện phiếm nhưng nếu tỏ ra quá thân thiết với nhau, có thể dẫn tới “chuyện nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường”. Điều này chỉ khiến đôi bên cảm thấy mệt mỏi, xa cách dần.
Giữa các thành viên trong gia đình, nếu bạn suốt ngày can thiệp vào chuyện riêng của anh em, mối quan hệ cũng dần trở nên khó chịu.
Vì vậy, muốn chung sống hòa thuận với gia đình, người thân, bạn bè thì phải giữ khoảng cách nhất định.
Biết giữ khoảng cách sẽ khiến cuộc sống của mình dễ chịu hơn
Tuỳ vào từng đối tượng, bạn nên có những khoảng cách phù hợp, chẳng hạn như sau:
1. Với vợ hoặc chồng, cần cho nhau không gian riêng
Một trong những cách giúp vợ chồng hòa thuận chính cho nhau không gian riêng. Tình cảm vợ chồng tuy khăng khít nhưng không có nghĩa giữa 2 người không thể có một vài bí mật nho nhỏ.
Đặc biệt với những cặp đôi có sở thích, thú vui khác nhau lại càng không thể ép buộc đối phương phải có sở thích giống mình. Khi vợ chồng có một khoảng cách nhất định, gia đình mới chung sống với nhau hạnh phúc được.
2. Với con cái, cần có ranh giới rõ ràng
Trong cuộc sống, bố mẹ nên có ranh giới với con cái, đặc biệt là khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, cái tôi bộc lộ mạnh mẽ, trẻ càng khao khát bố mẹ cho mình không gian riêng. Việc bố mẹ và con cái có một khoảng cách nhất định có thể tránh được rất nhiều mâu thuẫn và rắc rối.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên xác định ranh giới rõ ràng với con mình, đến độ tuổi nào cần phải buông tay để trẻ tự lập và trưởng thành.
3. Với người thân, cần thể hiện sự tôn trọng
Đối với người thân, tuy không cần phải quá khách sáo nhưng bạn vẫn phải giữ phép tắc tôn trọng tối thiểu. Khi họ gặp khó khăn, mình có thể giúp đỡ, khi mình được giúp đỡ, cần phải tỏ ra biết ơn.
Đặc biệt khi họ hàng có chuyện gì đó xảy ra, tốt nhất bạn nên lắng nghe, hỏi ít lại, đừng can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình họ. Trong lòng mỗi người đều có một góc khuất không muốn bị người khác chạm vào, tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính mình.
4. Với bạn bè, đừng đòi hỏi bất cứ điều gì
Một số người khi quá thân thiết với bạn bè thường có xu hướng đòi hỏi và không hài lòng. Điều này chỉ khiến tình bạn mang lại gánh nặng và sự mệt mỏi.
Tình bạn chân chính sẽ trong sáng và không thực dụng. Bạn bè giúp nhau là tự nguyện chứ không phải nghĩa vụ. Bạn không thể nghêu ngao đạo lý và yêu cầu họ đáp ứng nhu cầu của bản thân một cách vô lý. Nhiều tình bạn trở nên tan vỡ chỉ vì đối phương đòi hỏi quá nhiều.
Khi càng trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng tình cảm gia đình, bạn bè là điều đáng quý nhưng không vì thế mà bạn tỏ ra thân thiết quá mức. Dù với ai đi chăng nữa, hãy có khoảng cách nhất định, cho người khác không gian riêng là cách tốt nhất để duy trì một mối quan hệ.