Khóc cạn nước mắt, hẹn nhau cùng “đóng băng” vào ngày chia tay làm gì? Đừng phí nước mắt khi sau này ai cũng muốn làm “người dưng ngược lối” mà lao đầu vào cuộc sống riêng bộn bề.
Người ta thường bảo, thời thanh xuân của một người đẹp nhất chính là vào những năm cấp 3. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người đều phải đối mặt với những nỗi sợ khác nhau. Thời đi học thì ngày đêm chong đèn làm bạn với con chữ, những bài kiểm tra, những phương trình hóa học hay bài toán khó nhằn... Lớn lên, lúc thoát khỏi những thứ ám ảnh ấy thì lại bước sang trang mới của cuộc đời với bao nỗi lắng lo còn lớn hơn. Lúc ấy mới chợt nhận ra, trưởng thành là khi bạn quay đầu nhìn lại nhận ra bản thân dù có muốn trở lại như xưa cũng không thể được nữa.
Thời cấp 3 trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Mới mấy ngày lớp 10 vẫn còn dại khờ nghĩ rằng kỳ tốt nghiệp còn xa lắm, vậy mà ngoái đầu nhìn lại giờ đã ra trường rồi, những người cạnh bên cũng đều đường ai nấy bước. Lễ bế giảng - tốt nghiệp có thể xem là cột mốc quan trọng, đáng nhớ nhất cuộc đời khi chúng ta chính thức chia tay mái trường cấp 3 để bước vào con đường đầy gian nan phía trước.
Câu hát "Mình cùng nhau đóng băng trước giây phút chúng ta chia xa" của nữ ca sĩ Thùy Chi ngân lên cũng là lúc bao thế hệ học sinh lớp 12 trên khắp cả nước bước vào mùa chia xa đẫm nước mắt. Ai cũng day dứt, bồi hồi, khóc nức nở hẹn nhau "cùng đóng băng" thời gian để được ở mãi bên nhau cùng mái trường, ký tên lên áo nhau và cùng rơi nước mắt vì những tháng ngày tươi đẹp đã đi qua ấy. Đừng phí nước mắt làm gì mà thay vì vậy, hãy để dành nụ cười cho nhau trong ngày gặp lại!
12 năm đèn sách miệt mài với biết bao tiền bạc, công sức của bản thân, cha mẹ, chẳng lẽ chỉ để đổi lại những giọt nước mắt đầy tiếc nuối? Chia xa nhưng lòng ta vẫn hãy cứ vui đi vì bản thân đã vì nhau mà cố gắng thành công, cùng nhau vượt qua tất cả khó khăn một thời để đi được đến ngày hôm nay. Ai trong chúng ta, dù là thân quen đậm sâu hay chỉ quen biết hời hợt, cũng nên mỉm cười khi ngoảnh mặt ra đi khỏi ngã rẽ và vùng an toàn để tìm kiếm một hướng đi mới cho riêng mình!
Khóc cho ai khi nhận ra cuộc đời sau này rồi cũng sẽ cuốn xô ta vào những dòng xoáy khác lớn hơn? Ta chỉ có thể cùng nhau "đóng băng" để lắng đọng vào một khoảnh khắc nhất định cuối thời học sinh, chứ sau này mỗi lần họp lớp hay có thông báo gặp mặt thì chắc ai cũng sẽ tự "đóng băng" bản thân mình trong một vùng tách biệt với công việc, học hành...
Trường lớp đủ sức vỗ về giấc mộng đẹp chứ cuộc đời thì không. Phía sau cánh cổng trường cấp 3 là một lối đi khác lớn hơn và cam go hơn rất nhiều. Đó là con đường đại học và cũng là đường đời.
Những bài học của sinh viên trên "lớp 13" này chẳng hề giống với thời cấp 3 là mấy, đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội, học hành cũng "gắt" hơn và thời gian dành cho gia đình, bạn bè, thậm chí dành cho riêng bản thân ngày một ít ỏi. Đối với những ai có điều kiện thì không nói làm gì, những người bao năm luôn phải vùi mình với câu chuyện kiếm sống, cơm áo gạo tiền lại càng khó khăn hơn khi phải đối mặt với thử thách ngày ngày lên công ty từ sáng tới tối, chịu áp lực từ sếp và đồng nghiệp. Vậy thì thời gian đâu mà ta có thể chững lại, buông bỏ thực tại đau lòng để tìm về một ngày bên nhau đúng nghĩa?
Phí nước mắt làm gì khi sau này thời gian rồi sẽ làm xóa nhòa ký ức trong nhau, chẳng mấy ai gặp lại những người gọi là "bạn bè cấp 3" nữa? Sau này họp lớp, bạn có chắc là mình sẽ đi không? Vô tình chạm mặt nhau giữa dòng đời hối hả, cả một nụ cười và cái nháy mắt chào hỏi thân thuộc khi xưa chắc cũng không còn, huống chi là hẹn gặp lại.
Thời gian quả là ranh giới đáng sợ nhất của thời tuổi trẻ. Nó khiến những điều thân thuộc dần trở nên xa lạ, cũng thật kỳ diệu khi biến những điều xa lạ trở thành thân quen. Đến khi họp lớp hay được gặp lại nhau, ai trong chúng ta cũng đều đã quen dần với cảm giác thiếu vắng những người bạn thân xưa cũ. Và dòng thời gian đã khiến những trống vắng đó được lấp đầy bằng những người xa lạ khác giờ bỗng chốc thành quen.
Phí nước mắt làm gì khi lòng người ai rồi cũng khác? Quy luật của thời gian chính là sự thay đổi, mà quan trọng hơn hết là thay đổi trong chính con người chúng ta. Trưởng thành rồi, ít nhiều ai cũng đều phải "ngụy trang" để đương đầu với cuộc sống, chẳng thể mãi là những cô cậu học trò hồn nhiên, vô lo vô nghĩ như xưa.
Ngày tốt nghiệp, ai cũng nói sẽ luôn nhớ tới nhau, chúng ta sẽ vẫn là lớp học của năm ấy. Nhưng mỗi người rồi cũng khác và lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi. Thời gian làm chúng ta thay đổi, cuộc sống làm chúng ta bận rộn hơn, họp lớp cũ rồi cũng sẽ chỉ như một hình thức tụ tập nào đó.
Bạn bè dù thân đến mấy thì ai cũng sẽ có một cuộc đời riêng. Mỗi người đi mỗi hướng rồi cuối cùng nhìn lại sẽ có người thăng hoa, có người thụt lùi. Người thăng hoa có thêm bạn mới, đồng nghiệp mới, cũng là bạn cùng tầm chơi chung thân thiết. Người tụt lại thì nhìn bạn mình như thế sẽ cảm thấy ngại ngùng nên ít gặp nhau và dần có khoảng cách nhất định.
Phí nước mắt làm gì khi sau này lớp trưởng nhắn dòng tin rủ đi họp mặt và mọi người chỉ lặng lẽ để lại những dòng “đã xem” (hay seen trên Facebook) hời hợt. Họp lớp của những năm tháng sau này suy cho cùng là một cách mà con người ta cùng ngồi bên nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ và kể cho nhau nghe những gì ta đã làm được kể từ cái ngày ôm nhau khóc cạn nước mắt ấy. Nhưng giá như con người ta có thể để dành những giọt nước mắt đó cho ngày gặp lại sau bao năm xa cách, hơn là khóc một lần rồi chia xa mãi mãi!
Chúng ta đều lầm tưởng là sau khi trưởng thành thì có thể mãi mãi được đồng hành bên nhau, thế là cứ cố gắng trưởng thành, bất chấp mọi hậu quả. Tuy nhiên, khi đã đến độ tuổi phải nói lời tạm biệt với tuổi trẻ thì ta mới chợt nhận ra rằng, hóa ra trưởng thành chỉ là cách gọi khác của lời từ biệt và sự bắt đầu một hành trình mới tốt đẹp hơn.
Nếu bạn khóc cạn nước mắt ngày chia tay thì cũng hãy nhớ sẵn sàng để dành vài nụ cười đẫm lệ cho ngày gặp lại, học sinh lớp 12 nhé!
Theo Helino.vn
Học sinh lớp 12 khóc như mưa ngày chia tay nhưng liệu vài năm sau họp lớp có ai đi?