Hiệu trưởng trường Trung Sơn Trầm khôHiệu trưởng trường Trung Sơn Trầm không biết giáo viên thu hộ nhiều khoảnộ nhiều khoản

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Báo đã nhận được đơn kiến nghị của cô giáo H. về hàng loạt các vấn đề tại trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), để thông tin được khách quan, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Lê Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường về các vấn đề có liên quan.

Tại buổi làm việc, phóng viên đã đề nghị bà Lê Thị Thanh Xuân trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung các kiến nghị mong muốn làm rõ của cô giáo H..

Với nội dung liên quan đến việc giáo viên phải thu tiền hộ nhà trường trong nhiều năm, đặc biệt là giáo viên phải thu cả tiền quỹ hội phụ huynh, ban đầu bà Xuân cho rằng do ban đại diện cha mẹ học sinh thu và việc thu tiền bình quân là 150 nghìn đồng mỗi em là do “tình trạng chung” và bà Xuân cũng cho rằng số tiền này không phải là nhiều.

“Chị nghĩ là thế”, bà Xuân lý giải.

“Khi mà chi thì cũng có phần động viên giáo viên, những cái đó thì năm học 2017 -2018 cũng đã rút kinh nghiệm rồi”, bà Hiệu trưởng cho biết.

Danh sách trả lại tiền thu sai của Trường Trung Sơn Trầm được thể hiện rất rõ nhưng bà Hiệu trưởng cho rằng không có việc trả lại tiền. (Ảnh: LC)

Khi được hỏi lại rằng tiền này ai thu, bà Xuân cho hay:  “Tiền này là phụ huynh thu, tức là các cô giáo là thu giúp”.

Khi phóng viên nhấn mạnh rằng tiền này là các cô giáo thu ở trên lớp có đúng không, bà Xuân phủ nhận và cho rằng: “Không phải, họp phụ huynh chi hội trưởng sẽ thu xong chuyển về cho Hội phụ huynh”.

Khi phóng viên hỏi lại về thông tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được là giáo viên phải thu hộ trên lớp và có ghi vào sổ, có ký nhận đầy đủ giữa bên nộp và bên nhận, bà Xuân cho rằng: “Có lớp thì cô giáo thu có lớp thì chi hội trưởng hội phụ huynh thu. Họp phụ huynh rồi các cô mới thu hộ….”

Trước sự giải thích có phần khó hiểu của Hiệu trưởng trường Trung Sơn Trầm, phóng viên hỏi lại rằng có hay không có việc giáo viên ở trường Tiểu học Trung Sơn Trầm thu hộ tiền quỹ hội cha mẹ học sinh, bà Hiệu trưởng lại giải thích: “Cái đó chị không rõ, nắm trực tiếp nhưng mà….”

Sau đó, bà Hiệu trưởng chốt lại: “Các cô có thu hộ hay không thì chị không biết…”

Việc chi quỹ cha mẹ học sinh được Hiệu trưởng nhà trường cho biết rằng việc chi cũng được phụ huynh có thông qua nhà trường. Việc thu bao nhiêu là phụ huynh nhà trường đề xuất và nhà trường thông qua.

Liên quan đến việc ngoài việc đặt bữa cơm bán trú tại nhà hàng Bách Xanh nhưng mỗi tháng mất 2 triệu đồng/tháng, bà Xuân cho rằng: “Cái này rất là hay vì nhà hàng Bách Xanh phục vụ 2 trường. Mình cũng đã thông qua hết cả quy chế chi tiêu nội bộ rồi. Thật ra là mình muốn giảm bớt quy chế chi tiêu cho khẩu phần ăn của các con thôi. Nó không như Hà Nội đâu. Bữa ăn của các chị chỉ có chưa đầy 17 nghìn và 3,5 nghìn bữa phụ về sữa.

Nói chung chị làm với cái tâm của mình. Chị cũng luôn nói với bên Bách Xanh là bác làm cho em tốt nhất có thể”.

Sau đó vị Hiệu trưởng giải thích về các loại tiền phí trông trưa, chi phí xung quanh cho bữa ăn bán trú…

Quan điểm của bà Xuân cho rằng bà dành riêng 2 triệu đồng cho việc rửa bát sẽ khiến cho nhà hàng Bách Xanh sẽ tăng tiền dịch vụ ăn cho các cháu (!?)

Sau nhiều lý giải quanh co, vị Hiệu trưởng này vẫn cho rằng mình dành 2 triệu đồng tiền rửa bát cho nhà hàng Bách Xanh là đúng và vì các cháu giúp các cháu có bữa ăn tốt hơn, điều đó xuất phát từ cái tâm. Đồng thời bà Xuân cũng cho rằng: “Một tháng 2 triệu có đáng là bao đâu”.

Năm 2018, trường Trung Sơn Trầm thu quỹ phụ huynh nêu rõ là bình quân 50.000 đồng. (Ảnh: LC)

Về nội dung kiến nghị của cô giáo H. rằng năm học 2017 – 2018 trường Trung Sơn Trầm thu sai 2 khoản tiền của phụ huynh bao gồm tiền kỹ năng sống và tiền phục vụ học tập. Số tiền này đã phải trả lại phụ huynh học sinh.

Vấn đề này bà Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Sơn Trầm cho biết: “Tiền kỹ năng sống và phục vụ học tập không phải là chị thu sai. Nhưng bây giờ chị không có hồ sơ ở đây.

Nhưng chị có căn cứ của học sinh. Em biết là kỹ năng sống của học sinh rất là quan trọng. Khi bọn chị tập huấn thì các chị thấy rất là hay, khi tập huấn với phụ huynh thì phụ huynh cũng thấy rất hay.

Nhưng do một số lý do phòng chưa cấp cho bọn chị. Do vậy bọn chị phải dừng. Thì bọn chị dạy tháng nào thì thu tháng đó. Lúc đó chỉ thu 2 tháng. Và các chị phải chi cho giáo viên là 3 tháng dạy. Vì họ không phải dạy cả quá trình nên đành phải lấy chỗ đó chi cho giáo viên”.

Khi được hỏi có việc trả lại tiền không, bà Xuân cho biết: “Có việc trả lại và mọi việc đều có giấy tờ rõ ràng, đơn thư của phụ huynh học sinh đầy đủ”.

Tuy nhiên, ngay sau đó bà Xuân lại cho rằng: “Thực ra không phải là trả lại mà chỉ thu 2 tháng”. (?!)

Với vấn đề, năm 2015 cũng thu sai tiền phục vụ học tập (thu 57.000 đồng/1em), năm 2016 thu 100.000 đồng / 1 em, tuy nhiên, số tiền này đã không trả lại phụ huynh, đến nay, số tiền nay đi đâu, chi vào việc gì không ai biết bà Xuân cho biết:

“Do dạy chương trình mỹ thuật Đan Mạch nên các cô giáo mới đề xuất phần kinh phí phục vụ học tập nên nhà trường thống nhất là mua chung. Sau đó là cho triển khai thu 20 – 30 nghìn đồng 1 em”.

Khi được hỏi tại sao con số các cô phải thu lên đến 57.000 đồng bà Xuân cho biết đó là cả thu tiền vệ sinh lớp.

Tuy nhiên, nói về con số 100.000 đồng năm 2016, bà Xuân cho biết các số liệu mình đã nộp ra Thị xã rồi nên không nhớ cụ thể nên không thể không cung cấp cho phóng viên được.

Khi được hỏi việc thu này là không đúng theo đơn thư của cô H., bà Xuân cho biết: “bây giờ mà nói là không đúng thì cũng chẳng biết như thế nào vì nhà trường cũng chẳng dùng gì vào tiền đó cả. Tiền đó bỏ vào cho học sinh mua sắm học hành cho thuận lợi thôi. Bây giờ em bảo nói đúng hay sai thì cũng không biết nói thế nào”.

“Việc chi tiền như thế nào còn phụ thuộc vào giáo viên, các cô chi thế nào chị chỉ nắm được tổng thôi”, bà Xuân nói về việc chi số tiền học tập cho học sinh.