Đàn ông độc thân là hiểm họa hàng đầu tại châu Á khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang ngày một cao. Vấn đề này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì mọi người lầm tưởng.
Trong thời gian gần đây, kết cấu dân số tại châu Á đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia khi vấn đề này bắt đầu ảnh hưởng nhiều đến khu vực có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trên thế giới. Kinh tế phát triển, đời sống lên cao giúp tuổi thọ cao hơn, tỷ lệ sinh thấp hơn nhưng cũng giảm chất lượng lao động trong nền kinh tế.
Không chỉ vấn đề tuổi tác, sự mất cân bằng giới tính cũng đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn ở châu Á do hậu quả của thói "trọng nam khinh nữ". Đến năm 2035, châu Á được dự báo sẽ dư thừa 65 triệu đàn ông trong độ tuổi 20 - 40, kéo theo đó là những hệ lụy về sinh sản khi đây là độ tuổi lập gia đình.
Lực lượng dư thừa này chiếm khoảng 5% tổng dân số của khu vực vào năm 2035, tức cứ 10 người nữ thì sẽ có gần 11 người nam. Như vậy, tỷ lệ độc thân của cánh mày râu sẽ ngày càng đáng báo động hơn trong tương lai.
Đây là một dấu hiệu vô cùng nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy việc cân bằng giới tính trong thị trường lao động giúp GDP của Mỹ tăng trưởng thêm 5%, Nhật Bản thêm 9%, Ai cập thêm 34%... Năm 2013, số liệu của Trading Economics cho thấy chênh lệch giới tính khiến Mỹ mất khoảng 784,2 tỷ USD, Nhật Bản mất 536 tỷ USD...
Qua đó có thể thấy rõ ràng, mất cân bằng giới tính đang khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng, nhất là ở châu Á khi cấu trúc dân số đang ngày càng lệch.
Mức chênh lệch 100 triệu người
Vùng Jhajjar nằm cách 50 km về phía Tây của thủ đô New Delhi, là khu vực vô cùng nổi tiếng tại Ấn Độ về tỷ lệ chênh lệch nam nữ. Năm 2011, bình quân Ấn Độ có mức chênh lệch 108 trai/100 gái thì Jhajjar có mức 128 trai/100 gái.
Trò chuyện với những người trung tuổi tại đây được biết hầu hết họ đều muốn có con trai bởi các ông bố bà mẹ kỳ vọng con trai sẽ chăm sóc cho họ và nghĩ các cô con gái chỉ có thể quanh quẩn quanh bếp của nhà chồng. Con trai trở thành kênh đầu tư đầy hứa hẹn trong khi những cô con gái bị coi là gánh nặng của gia đình.
Tâm lý này không chỉ có tại Ấn Độ mà vô cùng phổ biến ở châu Á, đặc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo Trung Quốc, đề cao quyền lực nam giới. Trên thực tế, văn hóa nông nghiệp cần nhiều sức của nam giới nên đã khiến quan điểm "trọng nam khinh nữ" ăn sâu qua nhiều thế hệ. Vào đầu những năm 1980, nông nghiệp chiếm ít nhất 30% GDP Trung Quốc và Ấn Độ trong khi vùng nông thôn chiếm tới 75% dân số của cả nước.
Dù ngày nay nền kinh tế bùng nổ và nông nghiệp giảm dần vai trò thì vị thế của phụ nữ vẫn không thể đi lên do đàn ông vẫn là lực lượng chính kiếm thu nhập cho gia đình tại nhiều nước. Thống kê năm 2015 của UNICEF cho thấy tỷ lệ nam nữ tại Ấn Độ đạt 107,6 nam/100 nữ và khả năng sống sót của các bé gái trước 5 tuổi tại đây thấp hơn rất nhiều so với bé trai.
Không riêng gì Ấn Độ hay Trung Quốc, tình trạng này đang lan ra toàn khu vực châu Á. Liên hiệp quốc (UN) ước tính có 2,24 tỷ đàn ông tại châu Á và Trung Đông năm 2015 nhưng nữ giới tại đây lại chỉ có 2,14 tỷ. Mức chênh lệch 100 triệu người này tương đương với mức tăng trưởng 70% kể từ năm 1985.
Trái ngược hoàn toàn, châu Âu lại thừa tới 26 triệu nữ giới, còn Bắc Mỹ thừa 3 triệu phụ nữ vào năm 2015. Thông thường, phụ nữ có tuổi thọ tự nhiên dài hơn đàn ông và tại những nước có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt thì việc thừa nữ giới là điều hiển nhiên.
Lực lượng lao động nữ bị lãng phí
Tại Ấn Độ, thống kê của ILO cho thấy nữ giới chỉ chiếm 27% trong lực lượng lao động vào năm 2014, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 50% toàn cầu. Mặc dù nền kinh tế của nước này tăng trưởng 7% nhưng việc bỏ lại cả một lực lượng lao động nữ khiến tiềm năng của quốc gia bị lãng phí. Nghiên cứu của Viện McKinsey Global năm 2015 cho thấy GDP của Ấn Độ sẽ cao hơn 60% vào năm 2025 nếu phụ nữ được tham gia thị trường lao động tương đương nam giới.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng nam nữ lớn với 106,2 nam/100 nữ vào năm 2015 theo thống kê của UN. Tính đến năm 2018, nước này thừa 34 triệu nam giới, tương đương dân số của toàn Malaysia. Những nam giới này sẽ khó kiếm được vợ và thậm chí không có mấy cơ hội "duy trì nòi giống" nếu tỷ lệ cân bằng giới tính vẫn chênh lệch như hiện nay.
Không chỉ kinh tế, việc mất cân bằng giới tính còn tác động trên nhiều mặt của xã hội khi những vụ xâm hại, bạo hành ngày một tăng cao. Đi cùng với đó là tỷ lệ tội phạm cũng tăng cao ở mức đáng báo động và vượt xa biên giới các nước.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã tăng từ 106,2 nam/100 nữ vào năm 2000 lên 112,8 nam/100 nữ vào năm 2015, vượt qua cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Thậm chí, tỷ lệ này được dự đoán sẽ đạt 125 nam/100 nữ vào năm 2020. Đã có những đề xuất thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, nhưng hiện vẫn chưa có kế hoạch được xây dựng cụ thể.
Mất cân bằng giới tính làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng, qua đó ảnh hưởng xấu đến thương mại giữa các nước, là hiểm họa gia tăng tội phạm, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các nền kinh tế. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Á cần quan tâm đến tình trạng dư thừa đàn ông độc thân nếu không muốn tăng trưởng bị xói mòn, xã hội bị mất ổn định thêm.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế