Kinh nghiệm phòng chống cháy nổ trong khu dân cư tại các nước trên thế giới

Cháy nổ trong khu dân cư vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt gần đây nổi lên các vụ cháy nổ xe điện trong nhà dân.

Phòng chống cháy nổ chung cư ở M

Việc phòng chống hỏa hoạn trên thế giới là công việc thường xuyên và bắt buộc ở nhiều nơi. Trong các khu chung cư, việc này đặc biệt được nhấn mạnh, bởi đây là nơi sinh sống tập trung của nhiều người, mật độ dân cư cao và thường là nhà cao nhiều tầng.

Tại một tòa chung cư ở Mỹ, hệ thống báo cháy của tòa nhà tự động kích hoạt khi nhận được tín hiệu báo cháy. Hệ thống này được trang bị nhiều nơi và nó chỉ dừng phát cảnh báo khi cảnh sát PCCC có mặt và xử lý. Hệ thống điều hành này cũng do cảnh sát PCCC vận hành, kiểm soát chứ không thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị quản lý tòa nhà.

Định kỳ, đơn vị PCCC sẽ đến kiểm định và đưa ra các khuyến cáo về hệ thống PCCC, chủ đầu tư phải sửa chữa. Không sửa, không những bị phạt, mà phí bảo hiểm cũng sẽ tăng lên.

Hệ thống điện được thiết kế với các cầu dao tự ngắt khi sử dụng quá công suất. Các thiết bị điện gắn trên tường, như bóng đèn, quạt trần, khi cần thay thế, chủ đầu tư cũng chịu trách nhiệm để bảo đảm an toàn cháy nổ.

Một số tòa nhà mới hiện nay còn được lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt ở cửa, khi một cửa kính bị nứt vỡ, luôn được xác định lý do đầu tiên là do chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong với bên ngoài và hệ thống cảm biến sẽ tự động nối với cảnh sát PCCC và lập tức kích hoạt hệ thống báo động để cảnh sát PCCC có mặt.

Kinh nghiệm phòng chống cháy nổ trong khu dân cư tại các nước trên thế giới - Ảnh 1.

Một ngôi nhà khi cấp phép xây dựng thì chủ nhà phải trả lời được câu hỏi lối thoát hiểm ở đâu, khi xảy ra sự cố cháy nổ thì xe cứu hộ vào và ra lối nào. Các hành vi đỗ quá gần trụ cứu hỏa hay trong khu vực dành cho phòng cháy chữa cháy đều bị phạt nặng.

Và điều quan trọng nhất, khi thiết kế, xây dựng dù là một tòa nhà đơn lẻ, một chung cư cao tầng, hay một khu đô thị, thì người ta luôn lấy tiêu chí cho bao nhiêu người ở để ràng buộc các điều kiện tiếp theo, trong đó có đáp ứng các tiêu chí rất chặt chẽ, cụ thể về PCCC.

Cảnh báo sử dụng xe điện tại nơi ở

Trong những vụ cháy ở không gian hẹp, ví dụ như tại chung cư mini, hay các căn hộ, nếu có sự hiện diện của xe ô tô, xe máy, xe điện, khả năng vụ cháy sẽ còn bùng lên to hơn, khó kiểm soát hơn do các phương tiện này bắt lửa và có thể phát nổ. Đôi khi, chính các loại xe cộ lại là nguyên nhân của cháy nổ trong khu cư dân. Ví dụ như tại Mỹ, từ đầu năm tới giờ đã ghi nhận hơn 100 vụ cháy nổ pin xe điện gây hậu quả nghiêm trọng.

Toàn cảnh một chiếc xe máy điện có pin bị nổ, gần như đốt cháy mọi thứ xung quanh nó trong không gian hẹp và gây nguy hiểm cho em nhỏ đứng ngay gần.

Có hai nguyên nhân lớn dẫn tới pin xe điện cháy nổ: thứ nhất là bản thân pin bị lỗi, thứ hai là do sạc pin quá mức.

Kinh nghiệm phòng chống cháy nổ trong khu dân cư tại các nước trên thế giới - Ảnh 2.

Một cuộc thử nghiệm được các phóng viên Mỹ thực hiện cho thấy chỉ mất 12 giây đồng hồ để chiếc xe điện bị nổ pin gây khói mù mịt phủ kín căn phòng 15 mét vuông. Và chỉ mất 17 phút để khiến cả một gian nhà bốc cháy. Khói độc cũng khiến người ngoài khó tiếp cận để dập lửa.

Bà Laura Kavanagh - Ủy viên Sở cứu hỏa, TP New York, Mỹ: "Trong pin lithium của xe điện có rất nhiều năng lượng nên chỉ cần bắt lửa là chúng sẽ phát nổ. Nhất là khi có một vụ nổ pin xe điện trong hành lang nhà bạn chẳng hạn, thì không có đủ thời gian để thoát thân".

Bắt đầu từ tháng 9 tại New York, các nhà lập pháp sẽ yêu cầu các công ty bán xe đạp điện trong thành phố trước tiên phải được chứng nhận bởi một công ty kiểm tra an toàn độc lập, chẳng hạn như UL Solutions. Điều này được các nhà khoa học ủng hộ, vì họ vẫn nhìn nhận xe đạp điện như một phương tiện giao thông công cộng phù hợp với phát triển của đô thị.

Ông Robert Slone - Nhà khoa học cấp cao, Công ty UL Solutions, Mỹ: "Mục tiêu lớn nhất để sản xuất ra các loại xe điện chính là để mọi người không phải phụ thuộc vào xe xăng, qua đó cải thiện môi trường và khử bớt khí thải carbon. Tình hình biến đổi khí hậu hiện nay cho thấy xe điện là một phần quan trọng của chuyển đổi xanh, nhưng vấn đề là nó cũng phải an toàn cho người dùng".

Theo bà Kavanagh, giải pháp mà Sở cứu hỏa hy vọng Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng có thể thực hiện, đó là tịch thu ngay tại cảng và tại các đại lý bán những sản phẩm xe điện không đạt chuẩn và đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể về tính an toàn của chúng.

Kinh nghiệm phòng chống cháy nổ trong khu dân cư tại các nước trên thế giới - Ảnh 3.

Kinh nghiệm quản lý xe điện chống cháy nổ tại Singapore

Vậy đối với một nguyên nhân gây cháy nổ ngày một nhiều ở các khu chung cư thế giới là chập pin xe điện, cần kiểm soát pin xe như thế nào?

Singapore là đất nước của chung cư, nhà cao tầng. Có hơn 80% dân số Singapore sống ở nhà chung cư HDB, mật độ dân số cao hàng đầu thế giới. Chính vì thế, phòng chống cháy nổ là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ.

Tất cả các chung cư đều phải đạt yêu cầu phòng chống cháy nổ mới được đi vào sử dụng như có lối thoát hiểm, lối cho xe cứu hỏa, họng vòi nước chữa cháy... Tuy nhiên, các vụ chảy nổ vẫn xảy ra gần đây và xuất phát từ xe điện, cụ thể là pin xe điện khi sạc dẫn đến cháy nổ.

Chính phủ Singapore đã sớm nhận thấy nguy cơ này và ra quy định, kể từ 7/2020, tất cả xe điện dùng pin phải theo tiêu chuẩn UL2272. Đây là tiêu chuẩn Mỹ cho các thiết bị di chuyển chạy điện đáp ứng tiêu chuẩn của các bài kiểm tra an toàn. Các thiết bị không đạt chuẩn này là cấm sử dụng.

Thống kê cho thấy, các vụ cháy nổ do sạc xe điện vẫn xảy ra, nhưng số lượng đã giảm dần và thiệt hại thường là vật chất chứ ít xảy ra về người.

Kinh nghiệm phòng chống cháy nổ trong khu dân cư tại các nước trên thế giới - Ảnh 4.

Nhật Bản chú trọng đặc biệt phòng cháy hơn chữa cháy

Cũng như nhiều nước khác, Nhật Bản luôn ưu tiên phòng cháy hơn chữa cháy, hàng năm, ngoài chương trình tập huấn phòng chống thiên tai và cháy nổ, giáo dục phòng chống cháy nổ được đưa vào từ cấp mẫu giáo. Trong các chung cư của Nhật luôn phải tuân thủ nguyên tắc phòng cháy chữa cháy và có kiểm tra định kỳ các thiết bị liên quan phòng cháy và lộ trình thoát hiểm, chung cư cao trên 11 tầng phải có hệ thống tự động phun mưa ở mỗi phòng.

Các chung cư mới xây dựng gần đây cũng xây dựng theo kết cấu chống cháy và phải đảm bảo có 2 lối thoát hiểm, trong đó có 1 lối thoát hiểm ở ngay ban công thông xuống tầng dưới có hướng dẫn chống cháy và đảm bảo lộ trình sơ tán. Theo quy định, các tòa nhà phải đảm bảo đủ khoảng trống để sơ tán, nghiêm cấm đặt đồ vật chặn cửa thoát hiểm hoặc chất đồ khu vực ban công.

Thứ hai, mỗi nhà, mỗi tầng đều có trang bị bình cứu hỏa và có hướng dẫn sử dụng cụ thể. Bên trong nhà đều có gắn thiết bị báo cháy, đây là quy định bắt buộc được Nhật Bản đưa ra từ năm 2010, quy định này nghiêm cấm tháo, bịt thiết bị báo cháy, thiết bị này kết nối với thiết bị thông báo cho toàn tòa nhà để sơ tán kịp thời khi xảy ra hỏa hoạn.

Thứ ba là phân loại rác rõ ràng và vứt rác theo ngày quy định, nơi quy định để tái chế cũng như phòng các nguy cơ cháy từ phòng rác.