Cộng đồng mạng bức xúc khi thấy các tín đồ thời trang hờ hững với dịch bệnh, vẫn xếp hàng đợi mua đồ hiệu giá rẻ.
Trong tình trạng Covid-19 ở Anh đang chuyển hướng xấu với 609 người nhiễm, 10 người chết tính đến 13/3, nhiều người dân London đổ xô đi mua giấy vệ sinh, thực phẩm đông lạnh để tích trữ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận lại bàng quan với đại dịch. Nhà báo Karen Morrison của BBC hôm nay thu hút sự chú ý trên Twitter khi đăng tải bức ảnh cho thấy hàng dài người đang xếp hàng ở London để mua đồ Fendi.
Cảnh xếp hàng mua đồ Fendi ở London.
Buổi bán hàng mẫu của nhà mốt Italy được tổ chức tại Arlettie, thu hút hàng trăm tín đồ thời trang. Hầu hết đều không đeo khẩu trang trong buổi tụ tập. Nhiều bình luận phản đối gay gắt việc Fendi tổ chức buổi mua sắm này trong bối cảnh dịch lan rộng ở Anh. Những người dân vì ham đồ giá rẻ mà bất chấp sức khỏe cũng nhận sự chỉ trích. "Chết vì thời trang là có thật"; "Hàng dài như thế mà chỉ có một người đeo khẩu trang, lạy chúa"..., nhiều người bình luận.
Với các tín đồ thời trang, việc xếp hàng để mua đồ hiệu giá hời (có thể giảm tới 80%) chẳng phải là điều hiếm, dù trong bối cảnh đại dịch.
Cùng ngày tại Mỹ, thương hiệu thời trang đường phố đình đám Supreme cũng thu hút lượng lớn người mua sắm đến khu SoHo, New York. Theo phóng viên của Vanity Fair, khách hàng không có dấu lo lắng về việc nhiễm virus. Họ thoải mái chuyện trò, cười nói với nhau. Khi hình ảnh về buổi xếp hàng mua sắm này được đưa lên mạng xã hội, đa số bình luận đều là sự chỉ trích.
Chỉ vài người đeo khẩu trang khi chờ mua đồ Supreme tại New York.
Tại Mỹ, tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp. Nước này đã xác nhận có 135 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 1.832, 41 người chết. Tổng thống Trump gọi nCoV là một "bệnh truyền nhiễm khủng khiếp" và tuyên bố đang thực hiện hành động "mạnh mẽ nhưng cần thiết" để ngăn chặn nCoV xâm nhập vào Mỹ. Chẳng hạn, Trump cho tạm dừng các chuyến bay từ châu Âu trong 30 ngày, kể từ 13/3; các trường công lập tại nước này sẽ đóng cửa từ ngày 16/3 đến hết tháng...
Việc bán hàng mẫu thường xuyên được tổ chức bởi các thương hiệu thời trang đình đám. Tâm lý mua hàng giá rẻ nhưng chất lượng đã tạo nên hiệu ứng đám đông. Giá bán mẫu có thể được giảm 80-90%.
Bên cạnh những sự kiện thu hút đám đông gây tranh cãi, một số nhà mốt lại được ủng hộ khi lựa chọn phương án hủy bỏ show diễn để phòng dịch.
Gucci và các nhà mốt lớn đồng loạt hủy show thời trang. Ảnh: Daniele Venturelli.
Gucci công bố hủy buổi trình diễn thời trang Cruise 2021 sắp diễn ra vào ngày 18/5 tại San Francisco, Mỹ.
Armani hoãn triển lãm ở Dubai, UAE. Đại điện của nhà mốt này chia sẻ: "Quyết định này được đưa ra nhằm bảo vệ tất cả các bên liên quan trong ngành, nhân viên và khách sẽ tham gia".
Ngoài ra, Ralph Lauren cũng hủy một chương trình ở New York (Mỹ) vào tháng 4. Burberry hoãn một buổi trình diễn thời trang vào ngày 23/4 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Theo Zing