Những ngày gần đây, khi du khách ra đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) sẽ bắt gặp các tấm biển của người dân cảnh báo, nhắc nhở du khách không vứt rác thải bừa bãi ra đường hay xuống biển.
Theo thống kê, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở nước ta hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 12% lượng chất thải rắn phát sinh.
Việt Nam đứng thứ tư trong số 5 quốc gia có thiếu kiểm soát nhựa ra đại dương đứng đầu thế giới. Nguồn: GreenHub.
Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải ở nước ta sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong top 5 nước xả thải rác thải nhựa ra đại dương - một chỉ số không lấy gì làm tự hào khi Việt Nam là quốc gia biển và đang đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển, muốn giàu lên nhờ biển.
Chủ nhân của tấm biển là một người dân làm du lịch tại địa phương. Ảnh: Pai's house
Riêng tại Nam Du, đây là hòn đảo thuộc huyện Kiên Hải, Hiên Giang. Do vẻ đẹp hoang sơ nên vài năm gần đây, Nam Du đã trở thành điểm đến của du khách, nhất là các bạn trẻ.
Tuy nhiên, đi cùng với số lượng khách du lịch tăng đột biến, hạ tầng trên đảo chưa đáp ứng (giao thông, điện lưới, nước sạch...) và đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý rác thải khiến Nam Du đang trở nên ô nhiễm, quá tải.
Chính vì vậy, việc nhiều người dân địa phương hoặc các nhà nghỉ du lịch, homestay treo biển kêu gọi ý thức của du khách nhằm bảo vệ hòn đảo xinh đẹp này trước hiểm họa rác thải xâm lấn xuất hiện ngày càng nhiều, trong bối cảnh chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu.
Được biết, ngoài Cù Lao Chàm (Quảng Nam) nói không với túi nilon, mới đây Cát Bà (Hải Phòng) cũng là hòn đảo thứ 2 nói không với túi nilon và hạn chế sử dụng đồ nhựa.
Nam Du hoang sơ và vô cùng đẹp, nhưng nó đang bị rác thải xâm lấn, uy hiếp. Ảnh: Pai's house
Việt Nam có 12 huyện đảo, do đó việc ngày càng nhiều huyện đảo nói không với đồ nhựa, "tuyên chiến" với rác thải để bảo vệ môi trường biển đang là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh công nghệ thu gom và xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.