Hà Nội đạt kỷ lục nắng nóng khi chỉ số tia UV chạm mốc 11, mức rất nguy hiểm, có thể gây bỏng mắt, da chỉ trong vài phút. Trong khi đó, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội đạt 60 độ C.
Hôm qua 18/5, 17 tỉnh dọc khắp từ Bắc vào tới miền Trung có nền nhiệt trên 40 độ C. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất trong lều khí tượng đo được ở mức 40,3 độ C, tuy nhiên nhiệt độ đo ngoài đường thực tế lên đến gần 60 độ C.
Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội đo được hôm qua 18/5 đã gần 60 độ C.
Hôm nay 19/5, mức nhiệt tại Hà Nội tiếp tục được dự báo tăng lên mức mới, vượt qua 41 độ C. Đây là mức nóng nhất từ đầu mùa hè đến nay, thậm chí có thể là kỷ lục trong vòng hơn 1 năm qua. Năm 2017, mức nhiệt kỷ lục tại Hà Nội đã chạm mốc 42,5 độ C, vượt qua mọi giá trị lịch sử.
Không chỉ nắng nóng đỉnh điểm, hôm nay chỉ số tia cực tím (tia UV) tại Hà Nội cũng lên mức 11. Đây là mức kịch khung trong thang UV, cực kỳ nguy hiểm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng đã phát đi một bản tin cảnh báo nắng nóng đặc biệt, nhấn mạnh nắng nóng tại Bắc Bộ, Trung Bộ có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cơ quan này cũng cảnh báo, chỉ số tia UV cao trong đợt nắng nóng này gây hại cao với sức khoẻ con người khi tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng.
Không nên ra đường thời gian từ 10 - 14h trong ngày
Theo cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA), chỉ số tia UV được chia làm 3 mức, từ 0-2 là thấp, từ 3-7 đã cần có các biện pháp chống nắng và từ 8-11+ là mức gây tổn thương cho da. Mức 8-10 sẽ gây bỏng da chỉ trong khoảng 25 phút đi ngoài nắng nếu không được bảo vệ.
Đặc biệt, nếu chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên thì rất nguy hiểm, nếu da và mắt không được bảo vệ thì có thể bị bỏng trong vòng vài phút khi đi ngoài trời nắng. Chỉ số tia cực tím hay chỉ số UV là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ mặt trời. Đây là loại tia vô hình, được chia thành 3 loại tia là UVA, UVB và UVC.
Tia UVC có khả năng gây ung thư cao nhất nhưng bị tầng ozone hấp thụ và phản xạ nên không đến được mặt đất. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều nơi tầng ozone bị thủng hoặc mỏng thì nguy cơ từ UVC là rất lớn. Đáng quan ngại hơn, 99% các loại kem chống nắng không có tác dụng chống UVC.
Trong khi đó, tia UVB chiếm 5%, tác động vào lớp biểu bì (lớp da ngoài cùng), là tác nhân chính gây cháy nắng, đen da, bỏng rát và có thể dẫn đến ung thư da. UVB có cường độ cao nhất từ 10h đến 14h trong ngày và mạnh nhất vào mùa hè. UVB không xuyên qua được kính nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước.
2 ngày 18 và 19/5, tia UV ở Hà Nội chạm mức 11.
Tia UVA (chiếm 95% bức xạ tia cực tím) xuất hiện quanh năm, là loại tia yếu hơn tia UVB nhưng có thể đi sâu vào trong da, xuyên qua nhiều loại kính và quần áo, phá huỷ collagen dưới da, là thủ phạm gây lão hoá da, gây nám và vết nhăn.
Để bảo vệ sức khỏe khỏi tác hại của tia cực tím, EPA khuyến cáo cộng đồng không ra đường từ 10h sáng đến 16h chiều bởi đây là thời điểm tia UV mạnh nhất. Nếu buộc phải ở ngoài đường thì nên tìm chỗ có bóng mát hoặc có các biện pháp bảo vệ gồm mũ rộng vành, găng tay, khẩu trang, kính râm chống tia UV, quần áo dày... Ngoài ra, bôi nhiều kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên sau mỗi 2 tiếng, kể cả trong ngày có nhiều mây hoặc sau khi bơi xong cũng là biện pháp được khuyến cáo.
Mặc dù chỉ số SPF càng cao thì càng bảo vệ được người sử dụng nhưng rất ít người biết rằng, sự khác biệt giữa những chỉ số này là rất nhỏ. SPF 15 ngăn chặn được khoảng 92% tia UVB trong khi SPF 50 đắt hơn nhiề nhưng, cũng chỉ ngăn chặn được khoảng 98% tia UVB. Hoặc SPF 30 nhưng nếu không bôi đủ lượng thì khả năng chống nắng cũng chỉ giống như kem chống nắng SPF 10.
EPA cũng cảnh cáo trong những ngày có chỉ số UV cao, người dân nên tránh những nơi có bề mặt sáng như cát, nước, bê tông... vì các bề mặt này phản xạ tia UV nên làm tăng phơi nhiễm. UVA có thể xuyên qua lớp quần áo mỏng, các cửa kính nên tốt nhất là chọn lựa các loại kem dưỡng da có SPF và PA cao hoặc dùng các loại kem chống nắng.
Theo Vietnamnet.vn
Miền Bắc đang nóng như đổ lửa nhưng sang tuần vẫn còn gió mùa đông bắc