Khuyến khích con học tập để đạt thành tích tốt luôn là điều các bậc bố mẹ nên làm, nhưng dạy con trở thành người tử tế cũng quan trọng không kém.
Lòng tốt và sự quan tâm là hai yếu tố được đề cao trong mọi xã hội. Tuy nhiên, nếu hỏi một đứa trẻ về thứ mà bố mẹ chúng muốn chúng có được thì lại có đến 81% trả lời đó là thành tích.
Trên thực tế, những đứa trẻ biết quan tâm tới mọi người lại dễ đạt được thành công trong cuộc sống.
Một em bé mầm non từng được rất nhiều người yêu quý vì sự tốt bụng, sau 30 năm lại là người kiếm được nhiều tiền hơn cả. Những học sinh trung học biết giúp đỡ, phối hợp và chia sẻ với bạn bè lại có thành tích vượt trội hơn trong điểm số và các bài kiểm tra chất lượng.
Đặc biệt là những đứa trẻ luôn tin tưởng vào sự tử tế và tốt bụng của bố mẹ, luôn tôn trọng bố mẹ mình lại thường có thành tích học tập tốt, vào được trường tốt và có sự nghiệp thành công hơn.
Nếu muốn đề cao lòng tốt hay sự tử tế, hãy mang tới nhiều cơ hội cho con chú ý vào nó, bắt đầu từ việc thay đổi những câu hỏi thường ngày chúng ta đặt ra cho con.
1. Hôm nay có chuyện gì mà con thích nhất?
Câu hỏi này giúp con hồi tưởng lại những cảm xúc mà con đã trải qua khi nghĩ về việc mình thích nhất trong ngày.
Nó sẽ khiến con cảm thấy vui vẻ và có cơ hội nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc trong ngày.
2. Hôm nay con làm được việc tốt nào không?
Có thể con chưa trả lời được ngay, hoặc có thể câu trả lời sẽ rất ngắn gọn. Nhưng nếu chúng ta kiên trì hỏi con mỗi ngày, sau một thời gian những chia sẻ của trẻ sẽ chi tiết hơn, cụ thể hơn. Như là: "Con mở nắp hộp ăn trưa giúp bạn A", hoặc: "Con cho bạn B ăn đồ ăn vặt vì bạn ấy quên mang hôm nay", hay là: "Bạn C làm sai một bài tập, con đã giải thích cho bạn ấy hiểu".
Không chỉ dừng lại ở những câu hỏi, chúng ta cũng nên chia sẻ những kinh nghiệm mình từng trải qua khi giúp đỡ người khác với con, đồng thời thể hiện quan điểm trong những tình huống mình không thể giúp đỡ người khác.
Ví dụ, hãy nói với con về cảm giác hối hận khi không thể đứng ra bảo vệ một người bạn thân bị bắt nạt hồi bạn còn đi học. Hay là khoảnh khắc khi đang chơi trò chơi đồng đội mà bạn lại bỏ cuộc và khiến đội mình bị tan rã để dạy con về tính trách nhiệm trong tập thể.
Mục đích của những việc này không phải để biến trẻ thành những người tốt hay trao phần thưởng cho những việc làm tốt của con, mà để nhấn mạnh với con những giá trị thực sự của cuộc sống này.
3. Ai là người tốt bụng nhất mà con biết, vì sao?
Khuyến khích con nghĩ về lòng tốt ngay trước khi đi ngủ sẽ hình thành cho con thói quen tìm kiếm lòng tốt ở mọi người.
Điều đó sẽ giúp con nhận thức được tiềm năng trở thành người sống tử tế.
4. Con có cần bố/mẹ giúp đỡ bất cứ điều gì không?
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó mở lời để nhờ người khác giúp đỡ. Một đứa trẻ không nhận được sự giúp đỡ trong những việc nhỏ cũng sẽ không yêu cầu bố mẹ giúp đỡ trong những tình huống khó khăn.
Hãy thực hiện những bước nhỏ đầu tiên. Đừng ngại hỏi con bạn. Trên thực tế, mỗi ngày đều hỏi trẻ có cần sự giúp đỡ của bạn không sẽ tạo cơ hội để bạn luôn ở bên cạnh chúng khi chúng cần bạn nhất. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn làm thay con mình tất cả mọi thứ.
5. Điều tồi tệ nhất trong hôm nay của con là gì?
Xác định chính xác những khoảnh khắc khiến con cảm thấy tồi tệ trong ngày là điều mọi cha mẹ cần làm.
Câu hỏi này sẽ giúp tạo ra mối quan hệ đáng tin cậy hơn giữa cha mẹ và con cái, cho phép con bày tỏ cảm xúc, ngay cả những điều con không muốn nói.
Cha mẹ có thể nói về những điều tiêu cực, như những lựa chọn sai lầm, sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng, vì đó là một phần thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ xảy ra với con.
Dẫn dắt con qua những khoảnh khắc tồi tệ đó sẽ giúp cha mẹ dạy con cách xử lý các tình huống tương tự trong tương lai tốt hơn.
6. Bạn bè con thì sao?
Câu hỏi này có thể cho bạn biết về tình trạng các mối quan hệ của con tại lớp học xem con có thích nghi và hòa nhập tốt hay không. Đây có thể sẽ là câu hỏi mở giúp cha mẹ có thể hỏi han và giúp con chia sẻ được nhiều hơn sau đó.
Bạn bè cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn trong quá trình hình thành tâm lý và hành vi của con. Cha mẹ nên lắng nghe những câu chuyện nhỏ ở trường của trẻ. Một đứa trẻ vui vẻ kể cho bố mẹ nghe về những người bạn của chúng sẽ tốt hơn là việc con cái muốn giấu diếm và không muốn chia sẻ.
Hãy cố gắng không làm gián đoạn câu chuyện mà trẻ đang kể với bạn và chỉ đưa ra nhận xét khi chúng yêu cầu. Đừng quên những tiếp xúc thân thể như ôm hoặc nắm lấy bàn tay trẻ. Nếu bạn đang trong tâm trạng tồi tệ hoặc chỉ đơn giản là bạn không thích nghe trẻ nói vào lúc này, hãy nói với trẻ điều đó và thiết lập một thời gian khác khi bạn có thể hoàn toàn lắng nghe và trò chuyện với chúng.
Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra rằng những đứa trẻ được trao cơ hội tử tế thay vì bắt phải tử tế sẽ có khả năng trở thành những người vô cùng hào phóng sau này. Và những em bé được khen ngợi, công nhận khi làm việc tốt cũng có khả năng cao sẽ tiếp tục giúp đỡ những người khác sau đó.