Lối thoát cho những ngày tháng chênh vênh
Câu chuyện về cơ duyên đến với công việc thêu trên những chiếc túi làm bằng sợi đay của chị Phùng Thị Yến Phi (sinh năm 1989, trú tại Long An) nhận được sự yêu mến từ tín đồ đam mê nghề thủ công. Vốn là người yêu thích tự do, muốn ngắm nhìn thành phẩm sáng tạo, Yến Phi từ bỏ công việc ổn định trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông để làm nhân viên thiết kế ở Hội An. Tháng 4/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc gặp không ít khó khăn, chị quyết định trở về quê để cho mình lối đi mới.
Bắt đầu công việc với “con số âm”, không có kiến thức nền và năng khiếu, bầu bạn với Yến Phi chỉ có phôi túi vải và cuộn len. Chị mày mò thêu thử theo mô hình trên mạng, tích lũy kinh nghiệm từ những mũi kim vụng về. Dần dần, chị yêu mến công việc tự do và sản xuất được những sản phẩm ưng ý.
Công việc đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ nên Yến Phi không tránh được những lúc thấy nản chí. Ban đầu, chị không tìm được chất liệu phù hợp nên phôi túi bị cứng, khó dùng. Khi đã tìm được chìa khóa cho vấn đề, vì chưa có nhiều kinh nghiệm, hình ảnh thêu bị trừu tượng, không rõ nét. Vất vả, chênh vênh vì sở hữu ý tưởng nhưng không thể phác thảo, tạc khắc ra thành phẩm, đã có không ít lần chị muốn bỏ cuộc. May mắn thay, chị không đơn độc trong hành trình chinh phục nghề thủ công mà luôn được em trai - anh Phùng Lê Hoài Tâm (sinh năm 1990) hỗ trợ. Mỗi người theo đuổi một nét thêu riêng, họa tiết sắc nét và trừu tượng được đan xen một cách khéo léo, sản phẩm dần trở nên hoàn thiện hơn.
Vải đay có sợi dài nên liên kết giữa các sợi thường bền chặt, giúp tuổi thọ sản phẩm được kéo dài.
Những chiếc túi thêu được thành hình qua hai bàn tay chưa được đào tạo vẫn đủ sức cuốn hút người yêu thích bởi tính “mộc”. Túi được dệt từ vải bố sợi đay để dễ tái chế, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
“Người nước ngoài yêu thích hàng thủ công Việt Nam bởi cái hồn và tâm huyết mà người làm đặt vào đó. Làm sản phẩm nào cũng được, miễn là mình chịu khó mày mò thì sẽ thoát được cảnh giậm chân tại chỗ”, chị Yến Phi chia sẻ.
Vải đay là loại vải tự nhiên được kéo từ xơ của vỏ thân cây đay.
Mỗi chiếc túi thường chỉ mất trung bình 1 - 2 ngày để hoàn thành nhưng nhân lực sẵn sàng tham gia còn ít nên các khâu mất nhiều thời gian hơn. Chị ấp ủ mơ ước mở một xưởng thủ công nhỏ, tổ chức thêu kết hợp với workshop để bạn trẻ có thể đến gần hơn với trải nghiệm làm đồ thủ công và đào tạo thêm nhân lực cho nghề. Ngoài ra, Yến Phi tâm sự sẽ thử áp dụng những chất liệu như cói, lục bình tại địa phương để tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng và thúc đẩy được các ngành sản xuất vùng đệm.
“Cần câu cơm” trong đường kim mũi chỉ
Cùng sở thích với Yến Phi, chị Bùi Thị Minh Huệ (sinh năm 1995, trú tại Thái Bình), bắt đầu hành trình riêng của mình với sản phẩm thêu trên khẩu trang từ tháng 1/2022. Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chị mơ ước xây dựng cửa hàng bán đồ thủ công nhưng điều kiện gia đình không cho phép. Học xong THPT, chị làm công nhân tại nhà máy điện tử và công ty xuất khẩu giày. Chật vật mãi mà cuộc sống vẫn không ổn định, chị quyết định về quê học thêm kỹ năng may để xin việc.
Sử dụng khẩu trang vải “an ủi” nỗi lo xử lý rác khẩu trang y tế.
Suốt 5 năm liền gắn bó với những đường kim mũi chỉ tại xưởng đồ chơi, chị Huệ cho biết bản thân bắt đầu yêu may vá. “Thật khó ngờ, ngành mà mình nghĩ không hợp lại trở thành chiếc cần câu cơm”, Minh Huệ tâm sự.
Vì tính tình hướng nội và không tỉ mẩn, Minh Huệ không dám xem việc tự may vá và kinh doanh là nghề. Chị e ngại rằng sản phẩm thủ công với đường thêu “nguệch ngoạc” của mình sẽ không được mọi người đón nhận. Bên cạnh đó, nỗi sợ thất bại vẫn ám ảnh chị. Tuy vậy, càng tạo ra được nhiều sản phẩm, chị càng thấy trân trọng giá trị đơn sơ, truyền thống. “Mình không muốn ước mơ bị ngày tháng bận rộn sau này vùi lấp”, chị bộc bạch.
Vải muslin là chất liệu nhẹ như lông vũ, mềm, xốp và thấm hút nhanh, thích hợp cho da mặt.
Sản phẩm của Minh Huệ chủ yếu là khẩu trang. Trong hoàn cảnh dịch bệnh biến động, việc sử dụng khẩu trang dùng một lần gây áp lực cho môi trường và chưa phải là giải pháp tối ưu đối với những người có thu nhập thấp, có nhu cầu sử dụng nhiều lần. Minh Huệ tiến hành chế tác từ vải sợi tự nhiên, lót bên trong bằng vải xô muslin để tránh gây kích ứng. Chị chia sẻ rằng sẽ tiếp tục dùng chất liệu này và vải linen để làm ví, thú bông, giỏ tái chế.
Dù bước đi đầu tiên vẫn còn chập chững, Huệ vẫn vun đắp niềm tin và cảm hứng của mình bằng cách lan tỏa niềm đam mê trên hội nhóm may vá. Mỗi ngày chị dành 3 - 4 tiếng để mài giũa thêm kinh nghiệm nghề. Nếu được lựa chọn, khi những lo toan cuộc sống đã vào guồng, chị Huệ sẽ gác lại công việc tại xưởng để thoải mái tìm lại chính mình trong sản phẩm thêu thủ công.