Màn "chém gió thành bão" trong bài thi Ngữ văn của thí sinh thi THPT Quốc gia 2019 từ lâu luôn là "đặc sản" khi chấm thi, khiến các giám thị cũng phải "lăn ra cười".
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, giám khảo chấm thi môn Ngữ văn tại TP HCM thì vẫn còn rất nhiều ấn tượng khó quên với những bài viết ngô nghê của thí sinh. Theo đánh giá từ nhiều giáo viên, đề thi Ngữ văn năm nay phần khó nằm ở câu Nghị luận văn học khi ra tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bởi vậy, đây cũng là lý do dễ hiểu khi nhiều thí sinh sáng tạo bài làm bằng cách “chém gió” vô tiền khoáng hậu trong bài thi. Thảm họa văn chương cũng từ đấy mà nhiều vô kể, giám khảo chấm bài ai nấy cũng "lăn ra cười".
Đến giám khảo chấm thi nhiều người cũng phải bó tay toàn tập với bài thi của các thí sinh. (Ảnh minh họa)
Một giám khảo ở huyện Nhà Bè (TP HCM) cho biết, câu 1 phần Đọc hiểu là thể thơ tự do nhưng có nhiều thí sinh không biết nên đã trả lời là "thể thơ nhà Đường", thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật hay "thể thơ tự luận". Tới phần Nghị luận văn học, khi viết về hình tượng sông Hương, thí sinh thỏa sức "chém gió" vì không nhiều bạn cảm nhận được vẻ đẹp của dòng Hương Giang.
Cũng theo vị giám khảo này, khi cô chấm một bài thi, thí sinh chỉ viết 2 câu: “Cho dù năm nay đề ra suối nước nhà Mị (“Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài) ở, cái ang nước nơi nhà Tràng (“Vợ nhặt” - Kim Lân) hay con sông Hương, sông Đà ("Người lái đò Sông Đà" - Nguyễn Tuân) thì em cũng đã xác định bị ướt rồi. Em mong giám khảo thương tình mà cứu vớt cho em khỏi đuối nước”.
Một vị giám khảo khác tại quận Gò Vấp (TP HCM) thì cho hay, thí sinh không nhớ được tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm nên nói đại: “Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tác phẩm 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?' khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Lúc này, đế quốc Mỹ tiến hành theo thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam để kiếm một vé an toàn trên bàn đàm phán với chúng ta. Tác giả đã dành cả cuộc đời mình để dùng hết những kiến thức mà mình biết và tích luỹ bấy lâu để viết và làm nên tác phẩm này chỉ trong 10 ngày”.
Có những giám khảo bắt gặp bài viết thí sinh ca ngợi văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường và vẻ đẹp sông Hương nhưng cách viết lại mơ hồ, lối so sánh gây cười: “Những lời văn mềm mại, dìu dịu rót vào lòng người những say mê ấy tưởng chừng như đó là một giấc mộng hay một giấc chiêm bao ngắn ngủi, nhưng đó lại là ước mơ của những kẻ không mang theo bóng dáng sông Hương, những người con không nhung nhớ, không tha thiết gì về vùng đất xứ sở này”.
Hay một thí sinh viết: "Sông Hương như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Việc so sánh sông Hương với một hình tượng của nước ngoài là một điều hết sức độc đáo, theo hướng đổi mới văn hoá Việt”.
“Dòng sông Hương uốn mình, lướt thiết tha như nữ hoàng Athena của thần thoại Hy Lạp.”, một thí sinh khác so sánh.
Điểm chấm thi THPT Quốc gia tại TP HCM. (Ảnh: Cao Nguyên)
Tại quận Tân Phú (TP HCM), cô giáo lại nhớ tới thí sinh có phần liên tưởng con sông Hương như vừa thoát khỏi tù ngục: “Ở với cha (đại ngàn Trường Sơn) bị kìm kẹp lâu ngày nên khi có điều kiện thoát ra đến ngoại vi thành phố Huế, ngay lập tức sông Hương đã sống một cuộc sống đầy bản năng, hoang dại”.
“Con sông Hương mới dậy thì thành công và cũng là lần đầu tiên nó đi gặp người nó yêu là thành phố Huế nên nó suy nghĩ rất kĩ. Nó uốn, nó lượn khắp núi đồi. Nó không dám chảy nhanh để gặp người yêu vì có lẽ nó nghĩ: 'Trăm năm tính chuyện vuông tròn/Phải suy cho kĩ ngọn nguồn lạch sông'...", một giám khảo kể lại việc thí sinh suy đoán trong bài thi.
Một cô giáo chấm thi tại quận Bình Thạnh (TP HCM) có chấm được một bài của thí sinh mơ gặp sông Hương và trích dẫn luôn thơ Thu Bồn: “Đã có lần em mơ thấy mình dạo chơi trên sông Hương. Ở đây, em bắt gặp một cụ già tản bộ. Em hỏi: ‘Cụ ơi, cụ đi ven bờ sông mà không sợ sạt lở sao?’. Cụ trả lời: ‘Đang mùa hè nên Con sông dùng dằng, con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu".
Đặc biệt khi một bài thi “chém gió” theo kiểu vô tiền khoáng hậu, độc đáo đến nỗi thầy giáo ở huyện Bình Chánh (TP HCM) phải chép ra giấy nháp để làm kỉ niệm: “Thật đáng để liên tưởng sông Hương với người con gái cách mạng. Lúc còn trong rừng (sông Hương ở thượng nguồn) là lúc còn chiến tranh, người con gái (chỉ sông Hương) phải khoác áo người chiến sĩ ra trận. Sự cuồng huyết năng động và ý chí chiến đấu luôn được người con gái này bộc lộ. Đã giấu mình vì đất nước vì cách mạng, thể hiện rõ một ý chí đáng khâm phục. Nhưng người con gái nào mà chẳng ước mơ, chẳng dịu dàng, chẳng đằm thắm, nên khi chiến tranh kết thúc, là lúc sông Hương ra khỏi rừng già, là lúc người con gái được tự do, trở về hoà bình. Lúc ấy cô ta mới dám trở mình, mở ra những tính cách dịu dàng, nữ tính của một thiếu nữ thơ mộng đã cất giữ lâu ngày.
Vẻ đẹp của sông Hương cũng như vẻ đẹp của người con gái cách mạng đều là vẻ đẹp mang tính nhân văn. Nếu như học mọi nơi mọi chỗ thì đây là bài học đáng giá của chúng ta, bài học về tinh thần, ý chí của những chiến sĩ cách mạng, bỏ qua những phần cá nhân mà hướng tới đất nước”.
Theo Kenh14.vn
Điểm thi THPT Quốc gia 2019: Xuất hiện điểm 9 môn Ngữ văn tại TP HCM