Sẽ ra sao nếu đại dương và đất liền của Trái Đất đổi chỗ cho nhau? Địa ngục RẮN RẾT sẽ chờ đón bạn

Tên là Trái đất nhưng lại ít đất, con người sẽ đến lúc chẳng còn nơi sinh sống. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như đất và nước đổi chỗ cho nhau?

Hành tinh của chúng ta có tên là "Trái đất", nhưng trái ngược với cái tên, 71% diện tích bề mặt Trái đất bị bao phủ bởi nước. Lượng đất chỉ chiếm vào khoảng 29% mà thôi.

Mà con số 29% này cũng không phải nơi nào cũng ở được. Với việc dân số Trái đất ngày càng tăng thêm, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng sẽ đến lúc con người chẳng còn đất để ở nữa.

Thiếu đất như thế, vậy sẽ như thế nào nếu chúng ta đổi chỗ biển và đất liền? Nghĩa là, Trái đất sẽ ra sao nếu như 71% là đất liền, còn biển chỉ chiếm 29%?

Đáp án thực sự không như bạn tưởng tượng, vì Trái đất lúc đó không còn là Trái đất nữa rồi.

1. Nhiệt độ tăng chóng mặt

Cần biết rằng Trái đất được như ngày hôm nay chính là lượng nước bao phủ khắp hành tinh. Nước hấp thu một lượng nhiệt rất lớn từ Mặt trời, mà không cho thấy dấu hiệu gia tăng về nhiệt độ. Chính bởi vậy, sự có mặt của nước chính là thứ làm mát cho Trái đất.

Khi nước giảm đến 60% như vậy, hệ quả tất yếu là nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên, biến nhiều vùng đất trở nên khô cằn. Nói cách khác, dù Trái đất có nhiều đất đi chăng nữa, những nơi có thể ở được thậm chí sẽ còn ít hơn bây giờ.

2. Oxy giảm trầm trọng

70% lượng oxy trong khí quyển là do các loài thực vật dưới nước cung cấp. Với việc nước biến mất, rất nhiều loài thủy sinh cũng theo đó mà bốc hơi.

Ở chiều ngược lại, thực vật trên mặt đất không thể tạo ra sự thay thế do nhiệt độ tăng. Hệ quả, oxy trong không khí sẽ giảm trầm trọng.

Bên cạnh đó, do nước còn đóng vai trò nhấn chìm và hấp thu CO2 từ không khí nên khi biến mất, nồng độ CO2 trong khí quyển cũng tăng lên. Điều này góp phần đẩy nhanh quá trình Trái đất nóng lên, biến nơi đây thành địa ngục.

3. Một Trái đất chỉ toàn rắn rết

Sự đổi chỗ giữa nước và đất chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sự sống đang có trên hành tinh của chúng ta. Nhiệt độ tăng lên, oxy giảm đi, CO2 tăng mạnh, tất cả khiến cuộc sống trên Trái đất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dù vậy, nhiều khả năng vẫn sẽ có sinh vật tồn tại được, miễn là chúng phải tự thay đổi bản thân để sinh tồn. 

Nhìn chung, phần lớn các loài vật hiện nay sẽ rơi vào cảnh tuyệt chủng. Động vật ăn cỏ sẽ ra đi trước tiên vì thực vật biến mất, sau đó động vật ăn thịt cũng nối gót. Trong điều kiện như vậy, chỉ có những loài vật máu lạnh (sinh vật biến nhiệt) - như bò sát (rắn, thằn lằn) và lưỡng cư (ếch...) là có thể tồn tại thôi.

4. Lợi ích: giao thông sẽ thuận tiện hơn rất nhiều

Cũng dễ hiểu thôi. Khi diện tích đất đai tự nhiên nở ra đến hơn 200%, chúng ta sẽ có quá nhiều đất để di chuyển. Các hình thức giao thông vận tải đường bộ cũng trở nên dễ dàng hơn vì rất ít nơi bị phân cắt bởi biển.

Ngược lại, giao thông hàng hải sẽ khá thê thảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu hải sản. 

5. Nền kinh tế nhân loại sẽ theo chiều hướng không thể đoán trước

Nước là cội nguồn của sự sống. Khi nước trở nên khan hiếm, các quốc gia sẽ phải đấu tranh giành lượng nước họ có thể sở hữu, và điều này sẽ dẫn đến chiến tranh toàn diện trên phạm vi cả địa cầu.

6. Everest không còn là đỉnh cao nhất

Dù đỉnh Everest nằm ở nơi cao nhất thế giới, nhưng nếu xét chiều cao từ chân đến đỉnh, nó vẫn phải chịu thua Mauna Kea. Ngọn núi này cao đến 10.000m, nhưng vấn đề nằm ở chỗ phần thân của núi đã bị chìm trong nước biển.

Vậy khi nước và đất đổi chỗ cho nhau, Everest sẽ nằm dưới nước, trong khi Mauna Kea trỗi dậy, trở thành ngọn núi cao nhất thế giới.