Sự lầm tưởng của người trẻ: Tôi cũng có bằng đại học, tôi xứng đáng sánh ngang các tiền bối

Không ít bạn trẻ dù mới chỉ ra trường đã đòi hỏi vị trí chính thức ở các công ty, yêu cầu lương ngàn đô. Họ đâu biết bao nhiêu loại hình công việc ngoài kia rất khác với những thứ học trên trường.

Tự tin, xông xáo là những tố chất cần thiết của người trẻ, nhưng tự tin hay khẳng định cá tính, phong cách cũng phải dựa trên những cơ sở của sự thực tế, sự phù hợp với môi trường và đối tượng tiếp nhận. Khi một người trẻ mới ra trường đi làm, đang còn đi học kiếm việc làm thêm hay mới đi làm ít năm chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên đặt sự học hỏi những người đi trước lên làm trọng hơn là thể hiện hay là đòi hỏi.

Các bạn trẻ có lẽ từng nghe tới những câu nói nổi tiếng kiểu như "Cho là nhận", "Cống hiến trước, hưởng thụ sau", "Thái độ đi trước, trình độ theo sau"... và phần nào hiểu ý nghĩa của những triết lý đó. Nhưng hiểu nghĩa thì dễ chứ hiểu sâu xa, thấm thía thì cần nhiều trải nghiệm thực tế.

(Ảnh minh họa: Báo Dân Sinh)

Tôi đã từng có dịp trò chuyện với nhiều nhà tuyển dụng và đã từng được nghe kể nhiều câu chuyện về sự thiếu sót của các ứng viên trẻ khi ứng tuyển mà thậm chí khiến nhà tuyển dụng bức xúc nhưng chẳng mấy khi có dịp phản hồi với ứng viên dù điều này là tốt cho họ. Một nữ trưởng phòng nhân sự của một công ty dịch thuật mới đây có kể tôi nghe chuyện bên chị tuyển cộng tác viên, trong hàng chục CV chị chọn được một cô sinh viên ngành Tiếng Nhật.

Cô sinh viên cho biết mình chưa có kinh nghiệm vì mới học năm thứ 2 và đồng ý biên dịch thử. Sau khi nhận bài thử, nhà tuyển dụng hài lòng và bảo: "Bài dịch của em ổn nhưng do em chưa có kinh nghiệm nên sẽ cần khoảng 1 tháng để làm quen với các trình bày chuẩn. Tuy nhiên, chị vẫn sẽ trả cho em mức thù lao như những cộng tác viên khác vì bên chị không có mức riêng chia theo thâm niên".

Nhưng đến khi nhận được bảng định mức thù lao thì cô sinh viên bất ngờ từ chối cộng tác. Khi được hỏi có phải chê mức thù lao không hấp dẫn thì cô sinh viên khẳng định: "Không, chỉ là lý do cá nhân thôi ạ!". Câu trả lời của ứng viên khiến nhà tuyển dụng không thể nói thêm được gì và khá bức xúc.

Theo nhà tuyển dụng, là người trẻ chưa có kinh nghiệm làm việc lại đang đi học thì nên thắc mắc, đặt câu hỏi nhiều để học hỏi và cũng là sự cầu thị cần thiết của một người mới. Đằng này, cách trả lời của cô sinh viên chỉ ngay sau khi xem bảng thù lao như đóng mọi cánh cửa tương tác. Theo nữ trưởng phòng, mức thù lao khoảng 2 triệu/tháng công ty vẫn chi trả cho hàng chục cộng tác viên khác đang làm việc, là một mức đáng kể đối với sinh viên trong việc hỗ trợ chi tiêu chứ tất nhiên không thể hoàn toàn nuôi sống ai đó.

Một nam biên tập viên từng kể với tôi chuyện anh tuyển nhân viên nội dung và nhận được CV của một nữ ứng viên. Bạn nữ này khẳng định đã có kinh nghiệm 2 năm và còn từng cộng tác với nhiều tờ báo nên cũng đòi hỏi mức lương không kém ở công ty đang làm việc hiện tại. Khi được đề nghị gửi link một số bài viết tiêu biểu thì bạn gửi 3 bài, nhà tuyển dụng xem qua thì nhận thấy đều là bài viết quảng cáo sản phẩm.

"Mình đề nghị bạn viết thử thì bạn nhất trí, nhưng kêu bạn tự chọn đề tài để viết thì bạn không trả lời luôn.", nam biên tập viên kể lại. Anh cũng cho hay, trong nhiều năm tuyển cộng tác viên và nhân viên nội dung, anh đã gặp rất nhiều trường hợp nói quá về kinh nghiệm của mình và rất ít bạn chủ động hỏi về công việc cụ thể phải làm gì, kỹ năng bản thân có gì xem liệu có phù hợp với công việc đó.

Báo chí cũng đã từng chia sẻ nhiều câu chuyện của các nhà tuyển dụng kể về việc sinh viên một số trường mới tốt nghiệp nhưng khi đi phỏng vấn đã yêu cầu mức lương ngàn đô dù chưa có kinh nghiệm. Không ít bạn trẻ tự tin vào kỹ năng, trình độ học vấn của mình nhưng họ nên hiểu rằng, "có thực mới vực được đạo", các doanh nghiệp luôn muốn thấy kết quả trước thì mới chịu chi. Rất khó để thử việc với mức lương cao vì nhà tuyển dụng không bao giờ muốn gánh nguy cơ lãng phí nếu bạn chẳng may không đạt yêu cầu.

Tất cả dựa trên kết quả công việc.

Các bạn trẻ thân mến, không phải cứ tôi cũng có bằng đại học, được học hành ở thời đại tiên tiến hơn thì tôi có thể sánh ngang hoặc hơn được các tiền bối. Bạn có thể hơn họ sức trẻ, kỹ năng mềm hay là cả trình độ đi nữa nhưng kinh nghiệm thì không, nhất là ở sự va vấp và chịu áp lực. Bạn sẽ hơn họ ở sự học hỏi, cầu thị, mày mò nghiên cứu vì bạn có quỹ thời gian nhiều hơn của một người trẻ còn độc thân không phải lo toan cho gia đình, con cái./.