Hình ảnh học sinh Sài Gòn quỳ gối trước cha mẹ trong một sự kiện thường niên tại một trường học nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho đó là hành động mang nặng tính hình thức.
Báo điện tử VnExpress mới đây đưa tin, vào sáng hôm 11/5, hơn 300 học sinh khối 12 của trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP HCM) đã dành tặng những món quà, lời tri ân cho thầy cô, cha mẹ trước khi từ biệt mái trường. Tại sự kiện, những bài hát về mẹ cha, thầy cô vang vọng trong buổi lễ. Các bài viết tri ân xúc động cũng được đọc trước sân trường và nhiều nữ sinh không thể cầm được nước mắt khi đọc bài viết của mình về cha mẹ.
Cả nụ cười và nước mắt khi học sinh quỳ gối tri ân cha mẹ. (Ảnh: VnExpress.net)
Đáng chú ý, một nghi thức đã được thực hiện tại buổi lễ khi lần lượt từng học sinh xếp hàng ngang, quỳ gối trên sân khấu và gửi đến bậc sinh thành món quà cùng lời tri ân sâu sắc. "Gần chục năm nay, nhà trường đều tổ chức lễ tri ân. Chúng tôi khuyến khích các em quỳ gối trước cha mẹ để các em tự thấy mình phải sống có trách nhiệm, đề cao chữ lễ nghĩa hơn.", thầy Nguyễn Đức Độ - Hiệu trưởng nhà trường nói về hoạt động này.
Tuy nhiên, sau khi những thông tin trên đăng tải, đã có nhiều ý kiến trái chiều về hình ảnh học sinh Sài Gòn quỳ gối trước cha mẹ. Nổi bật nhất là ý kiến của một độc giả tuyên bố: "Tôi không cần con cái quỳ gối lễ tạ mình". Một độc giả khác cũng chung quan điểm: "Dạy học sinh biết tri ân cha mẹ, thầy cô trong suốt quá trình học tập sẽ tốt hơn việc tổ chức một buổi lễ quỳ gối nơi công cộng".
Cả trên VnExpress và trên các trang MXH đã có hàng nghìn ý kiến về những hình ảnh này. Trong số đó có hàng trăm ý kiến trái chiều cho rằng hình ảnh quỳ gối của học sinh mang nặng tính hình thức, nặng hơn có người chỉ trích cho đó là "giả tạo" và rằng không ít học sinh sau khi quỳ xong sẽ về nhà cãi lại cha mẹ.
Có lẽ thật khó để nói về mục tiêu của hình thức quỳ gối này. Điều đầu tiên ta thấy thì đây là một cử chỉ đẹp, nhân văn và chuyện sau đó thì không liên quan nhiều đến sự kiện. Lý do là bởi sự kiện có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền học sinh, thanh thiếu niên sống hiếu thảo chứ không thể quyết định sau này trưởng thành học sinh sẽ là người thế nào.
Quỳ gối là nên hay không nên? Có lẽ tùy quan điểm mỗi người. (Ảnh: VnExpress.net)
Và khi tất cả những người tham gia sự kiện là thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh ai cũng thấy hài lòng, không ai nêu ý kiến trái chiều thì những người ngoài cuộc cũng không nên chỉ trích họ vì đây chắc chắn không phải là điều gì tiêu cực./.
Chàng trai khóc lóc, quỳ gối níu kéo người yêu khiến tất cả lắc đầu ngán ngẩm