Tại nghĩa trang Ivy Hill ở Cedarbrook, Philadelphia có một phần mộ đặc biệt, đặt đầy thú bông được tặng bởi người dân địa phương và khách du lịch. Bia mộ khắc dòng chữ "Đứa trẻ vô danh người Mỹ", một lời nhắc nhở trường tồn với thời gian về thân phận đứa trẻ nằm bên dưới. Cậu bé đã khuất được tìm thấy trong một cái hộp, và không ai có thể xác định danh tính cậu bé này. Vụ án cậu bé trong chiếc hộp là một trong những vụ án mạng gây tranh cãi nhất ở Philadelphia, khiến giới điều tra rơi vào ngõ cụt trong suốt 60 năm và cho tới nay, vụ án vẫn để lại hàng trăm câu hỏi không thể giải đáp.
Năm 1957, một thợ săn chuột xạ hương đang trên đường kiểm tra những cái bẫy chuột của mình, vốn đặt ở gần một công viên phía Bắc Philadelphia. Sau một bụi cây, anh ta tìm thấy một chiếc hộp các-tông nằm chỏng chơ trên mặt đất. Bên trong là cơ thể không mảnh vải của một cậu bé, được quấn trong một tấm chăn kẻ sọc. Sợ hãi rằng cảnh sát sẽ tịch thu bẫy chuột nếu anh ta báo cáo về vụ án, người đàn ông đã mặc kệ chiếc hộp và tiếp tục đi săn.
Phải đến vài ngày sau, một sinh viên đang lái xe trên đường bỗng để ý tới một chú thỏ đang chạy ven đường cao tốc. Biết rằng quanh khu vực này có bẫy thú, anh xuống xe để đảm bảo là chú thỏ an toàn. Trong lúc tìm kiếm những cái bẫy giữa các bụi cây, anh vô tình nhìn thấy chiếc hộp. Mặc dù rất sợ phải dính dáng đến cảnh sát, anh ta vẫn báo cáo về thi thể mình tìm thấy.
Bằng chứng cho thấy cậu bé vẫn còn nhỏ tuổi, chỉ tầm 3-7 tuổi, cảnh sát hy vọng là họ có thể nhanh chóng xác định danh tính cậu bé. Tuy nhiên, khi nhìn thấy tình trạng thi thể, mọi hy vọng của họ tiêu tan. Họ cứ ngỡ mình có một thi thể nhỏ bé khỏe mạnh, được chăm sóc và yêu thương, chứ không phải một hình hài gầy gò, suy dinh dưỡng và biến dạng. Không may, đó chính là cậu bé trong hộp.
Tóc của cậu bé dính bết vào nhau, có vẻ như mới được cắt vì có một vài mảng tóc vẫn dính trên cơ thể. Cậu bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và chi chít sẹo phẫu thuật, đặc biệt ở mắt cá chân, bẹn và cằm. Mặc dù có vẻ vô vọng, nhưng cảnh sát vẫn lấy dấu vân tay của anh ta, hy vọng tìm được danh tính khớp với thi thể. Đáng buồn thay là không hề có.
Trong vài năm tiếp theo, hơn 400,000 tờ rơi đã được phát ở khu vực Philadelphia cũng như các thị trấn khác ở Pennsylvania. Pháp y đã tái tạo được khuôn mặt của cậu bé, tái hiện hình ảnh một đứa trẻ nguyên vẹn trên các tấm áp phích này. Tờ rơi được dán ở khắp nơi, từ đồn cảnh sát, bưu điện và thậm chí là trong phong bì hóa đơn tiền xăng, nhưng vẫn không có thông tin mới nào.
Hiện trường vụ án cũng đã được kiểm tra nhiều lần, nhưng ngoài một vài mảnh quần áo trẻ em chẳng dẫn tới manh mối nào thì không còn gì khác. Từ năm 1957 tới nay, danh tính cậu bé vẫn còn là bí ẩn.
Mặc dù đã đi vào dĩ vãng, dư luận vẫn rất quan tâm tới vụ án này, kéo theo một vài nhà điều tra nghiệp dư lần theo những manh mối để đưa ra vài giả thuyết thú vị trong nhiều năm qua. Nhưng cuối cùng, tất cả các giả thuyết cũng đi vào ngõ cụt vì không ai có đủ bằng chứng để phá giải vụ án "cậu bé trong hộp" cả.