Người dùng mạng xã hội hẳn không còn lạ gì với việc sử dụng các emoji để thể hiện cảm xúc khi tán gẫu với bạn bè. Thế nhưng, dù cho ở nền tảng mạng xã hội nào, người dùng cũng đều thống nhất rằng họ cực kỳ ghét biểu tượng ‘mặt cười’ kinh điển. Vậy điều gì đã khiến cho emoji với nghĩa ‘nụ cười hạnh phúc’ trở thành biểu tượng của ‘sự giả tạo, thảo mai, giễu cợt’ như nhiều netizen mặc định.
Emoji ‘mặt cười’ và ý nghĩa nguyên bản
Emoji ‘mặt cười’ (smiley) chính thức xuất hiện vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Người tạo ra biểu tượng kinh điển này là Shigetaka Kurita, nhân viên của công ty viễn thông Nhật NTT Docomo. Nó được miêu tả là một khuôn mặt đang nhoẻn miệng cười mãn nguyện, thể hiện sự hạnh phúc, hào phóng.
Smiley thực ra để thể hiện niềm hạnh phúc
Tuy nhiên, không rõ vì đâu mà khi thể hiện bằng hình ảnh, emoji smiley bỗng dưng trở lên đáng ghét hơn bao giờ hết. Nó khiến cho một cuộc hội thoại trở nên căng thẳng và báo hiệu sắp có cãi vã giữa đôi bên.
Emoji con ghẻ quốc dân
Với hầu hết người dùng mạng xã hội, họ thường tránh sử dụng smiley trong một cuộc nói chuyện để tránh gây hiểu làm cho đối phương. Thay vào đó, họ lựa chọn những emoji khác như cười ra nước mắt, cười nhe răng, cười lăn lộn, cười híp mắt,… Còn emoji smiley trở thành emoji dành riêng để thể hiện sự khinh miệt, nhạo báng và thảo mai.
Trước sự biến đổi về ý nghĩa không ngờ đến này, nhiều người đã cố lý giải vì sao emoji smiley lại bị ghét đến vậy.
Lỗi có lẽ là tại họa sĩ
An Yong, một netizen đã đưa ra giả thuyết rất hợp tình hợp lý cho chuyện tréo ngoe này. An Yong cho rằng lý do khiến emoji smiley không nhận được thiện cảm là do cách thể hiện của họa sĩ. Cụ thể hơn, một nụ cười bình thường trong thực tế luôn có sự co dãn của cơ gò má, cơ mi mắt, cơ môi,… Tuy nhiên, smiley không như vậy. Nó chỉ đơn giản là một nụ cười vô cảm, tạo cảm giác như các cơ gò má đang cố kéo miệng lên trong khi cơ môi lại kìm nụ cười lại. Bên cạnh đó, đôi mắt được thể hiện khá vô hồn, càng khiến cho nụ cười thêm giả tạo.
Những emoji thường được sử dụng thay thế cho smiley
Ý kiến của An Yong đã đạt được nhiều sự đồng tình và chia sẻ trên mạng xã hội. Vì thế, trang Quarzt khuyên người dùng không nên sử dụng smiley để thể hiện sự hạnh phúc để tránh gây hiểu lầm.
Trong thực tế, smiley không phải là emoji duy nhất từng bị hiểu lầm về ý nghĩa. Một số trường hợp khác có thể kể đến như ‘high five’ (hai bàn tay đập vào nhau) thường bị hiểu nhầm thành ‘pray’ (chắp tay cầu nguyện), hoặc nghiêm trọng hơn là emoji ‘trái đào’ bị hiểu nhầm thành…mông người, kem socola thường được dùng với ý nghĩa thô thiển hơn.
Chính vì vậy, khi sử dụng emoji, người dùng cần xem xét thận trọng để tránh bị hiểu nhầm hoặc tệ hơn là gây ra những chuyện dở khóc dở cười khi đang giao tiếp với bạn bè.