Chơi game là một thú vui hết sức phổ biến thời nay, nhưng không đồng nghĩa rằng ai cũng hiểu chơi game là như thế nào hay những gì đang diễn ra trên màn hình với đủ dạng hình ảnh màu sắc kia. Có lẽ là bởi game có muôn vàn thể loại và mỗi một thể loại hay mỗi một tựa game lại có những điểm khác nhau về cơ chế điều khiển, phong cách thể hiện đồ họa lẫn cách thức truyền tải nội dung riêng biệt, hoặc đơn giản là chơi trên các nền tảng như PC hay console.
1. Cách thức sử dụng tay cầm
Trải qua nhiều năm phát triển và qua vài thế hệ phần cứng, thiết bị điều khiển chơi game đã ngày một trở nên phức tạp với rất nhiều nút, cần xoay chuyên dụng hay thậm chí là cảm ứng hình ảnh. Ngay cả với những người chơi game lâu năm, họ vẫn phải cần thời gian để làm quen với từng thiết bị điều khiển cho mỗi một hệ thống console riêng biệt. Do vậy để thuần thục cách sử dụng tay cầm điều khiển đối với một người chẳng chơi game bao giờ là một chuyện chẳng hề dễ dàng.
2. Thể loại “platformer” là gì
Thông thường, người ta có thể nhìn vào màn hình là đủ để hiểu cơ bản về một tựa game nào đó. Nếu họ thấy một khẩu súng với góc nhìn thứ nhất, đó nhất định là một game bắn súng, hoặc nếu thấy hai nhân vật đối đầu trực diện với nhau thì sẽ là game đối kháng, hoặc đơn giản là những tựa game dựa theo thể thao đời thực. Nhưng khi đến với thể loại “platformer”, hầu hết người ngoài sẽ thấy bối rối không biết đang đối diện với cái gì. Ai cũng biết hoặc từng nghe tên Mario, nhưng không phải ai cũng nắm rõ nhân vật này làm những gì trong tựa game của mình.
3. Game không phải lúc nào cũng có một kẻ thắng cuộc
Bạn quen thuộc cái cảm giác khi đang xem một trận đấu thể thao trên TV rồi có ai đó đi vào và hỏi “Ai/đội nào đang thắng thế?”, và rồi bạn đưa ra một câu trả lời kiểu như “Nhìn tỷ số kia kìa”. Tuy nhiên, thế giới game không phải lúc nào cũng rõ ràng mười mươi như thế và có những thể loại game không hề thực sự có một người thắng cuộc. Hãy thử tưởng tượng ai đó bỗng hỏi bạn “Ai đang thắng thế?” trong khi bạn đang chơi “World of Warcraft” hoặc một sản phẩm RPG mà xem.
4. Vòng đời “nhặt đồ”
Tiện thể nhắc đến “World of Warcraft” và thể loại RPG, chắc chắn sẽ chỉ có những người chơi game mới hiểu nổi thế nào là vòng đời “nhặt đồ” bất tận. Câu chuyện cày cuốc, săn đồ và đi đến những nội dung kết game là một trải nghiệm vô cùng thú vị, có thể gây nghiện cao. Nhưng đối với những người không chơi game, họ sẽ không thể lí giải chuyện tại sao ta cứ phải giết đi giết lại một con boss, luyện đi luyện lại một màn chơi cho dù đã hoàn thành hết nội dung game rồi để làm gì cả.
5. Game có thể chơi đi chơi lại
Ngày nay, “Minecraft” là một trong những tựa game phổ biến nhất thế giới và nó được coi là hình mẫu điển hình của thể loại sandbox. Với sự tự do dường như vô tận, người chơi “Minecraft” có thể chơi hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm mà vẫn thấy cái hay của game thay vì hoàn thành hết nội dung rồi vứt game một bên. Đó là ta còn chưa kể đến những tựa game mang tính thi đấu biến hóa như “League of Legends”, “Dota 2” hay “CS:GO” chẳng hạn.
6. Thể thao điện tử
Mặc dù các giải đấu eSports lớn nhất thời nay có đến hàng triệu người theo dõi và có giải thưởng lên tới hàng triệu USD, con người ta vẫn từ chối chấp nhận chơi game là một hình thức thể thao. Thậm chí chuyện không chơi game mà bù lại là bỏ hàng giờ ngồi xem người chơi khác, lắng nghe bình luận và đánh cược thắng thua lại càng khiến cho những người không hề chơi game bao giờ càng thấy khó hiểu.
7. Các trò chơi thể thao
“Tại sao mày chơi game bóng đá mà không tự ra ngoài đi đá bóng với bạn bè hả?”, đây có lẽ là câu hỏi mà không ít các bạn chơi game thể thao từng gặp phải. Có lẽ người không chơi game sẽ khó có thể hiểu được cái cảm giác hóa thân thành một cầu thủ trị giá nhiều triệu USD, hoặc cảm giác được là một huấn luyện viên tự mình dẫn dắt đội bóng của mình đến cúp Champion League đâu. Hơn nữa, ra ngoài đá bóng làm sao mà đã được bằng cảm giác điều khiển CR7 dẫn bóng ghi bàn trên sân trước 80,000 cổ động viên cuồng nhiệt chứ.