Trưa 8/9, sau giờ cơm trưa, anh L. cùng người thân uống trà sữa trân châu ở một quán tại quận 12. Vài tiếng sau, anh ngủ dậy thì bắt đầu nôn ói, chóng mặt, nghĩ do trúng gió sẽ tự khỏi nên không đi viện. Bệnh diễn tiến nhiều ngày không giảm, tối 13/9, anh được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu vì nôn ói nhiều, mệt lả người.
Theo tiến sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết kết quả xét nghiệm bệnh nhân tổn thương gan, thận cấp rất nặng, phải lọc máu cấp cứu. Ngày 17/9, sau bốn lần lọc máu, tình trạng suy gan cải thiện nhưng chức năng thận chưa ổn, dự kiến sẽ lọc máu thêm vài lần. Bệnh nhân trẻ tuổi, có thể trạng tốt nên khả năng hồi phục tốt.
Anh L. cho biết trước giờ rất khỏe mạnh, khám sức khỏe gần đây không có bất thường gan thận. "Tôi ít uống trà sữa, hôm đó những người còn lại chọn những loại khác nhau, uống xong vẫn khỏe", anh L. nói.
Theo bác sĩ Bách, ở bệnh nhân trẻ tuổi, suy gan, thận cấp có thể xảy ra do sử dụng một số thuốc có độc tính cao với gan, thận hoặc sử dụng chất gây nghiện. Ở bệnh nhân này, các xét nghiệm chất gây nghiện và tầm soát bệnh lý nhiễm trùng đều cho kết quả âm tính nên có thể loại trừ các nguyên nhân này.
"Cần xét nghiệm phân tích mẫu trà sữa về các chỉ số vi sinh, chất bảo quản chất tạo màu, tạo vị ngọt đối với nguyên liệu pha chế trà sữa để xác định chính xác nguyên nhân", bác sĩ Bách nói. Cơ quan an toàn thực phẩm ở TP HCM đang phối hợp lấy mẫu trà sữa để kiểm tra.
Năm 2013, Đài Loan, Singapore từng phát hiện acid maleic từng được phát hiện trong hạt trân châu , phải thu hồi hàng loạt. Tùy liều lượng sử dụng, phản ứng của cơ thể, chất này có thể gây tổn thương gan, suy thận cấp tính hoặc tích tụ khi sử dụng trong thời gian dài, gây suy thận mạn. Acid maleic không được chấp nhận là một phụ gia thực phẩm.
Trên Journal of Food Protection tháng 8/2019, các nhà khoa học Đài Loan lấy 105 mẫu nước trà các loại, phát hiện 51 mẫu có vi khuẩn hiếu khí vượt quá mức cho phép. Các loại vi sinh này có thể gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể với một số lượng lớn.
Một số nước phát triển đầu tư ngân sách rất lớn để kiểm tra, giám sát thực phẩm cho người dân từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu dùng. Thực phẩm được đưa vào cơ thể cần được xem như là uống thuốc vì chúng được hấp thu ở dạ dày, ruột, chuyển hóa tại gan và thải trừ qua thận.