Lâu nay, Valve vốn rất nổi tiếng với cộng đồng game thủ khi luôn luôn cho ra đời các sản phẩm game có chất lượng và luôn được cộng đồng đánh giá cao như Half Life, Left 4 Dead, Counter-Strike và đặc biệt là DOTA 2. Ngoài ra, họ còn là chủ sở hữu của hệ thống phân phối và phát hành game nổi tiếng nhất thế giới - Steam. Các sản phẩm của Valve luôn được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng như sự chăm chút, hoàn thiện trong từng chi tiết.
Tuy xuất sắc là thế, Valve vẫn có những điều khiến game thủ không hài lòng, điển hình chính là sự lề mề trong việc ra đời các sản phẩm của mình. Việc này không chỉ diễn ra một, mà thậm chí là rất nhiều lần, đến mức các game thủ còn đặt một thuật ngữ dành riêng cho Valve có tên gọi "Valve Time".
Một trong những ví dụ điển hình nhất của "Valve Time" chính là ngày ra mắt tựa game Portal 2. Ban đầu, Valve hứa rằng sẽ ra mắt vào mùa nghỉ lễ cuối năm 2010. Sau đó, họ lui tới ngày 9/2/2011 sẽ ra mắt. Thế nhưng, phải đến ngày 18/4/2011, sản phẩm mới chính thức đến tay người hâm mộ.
Điều khá thú vị là, dường như các nhà lập trình tới từ Bellevue, Washington cũng chấp nhận thuật ngữ này. Họ biết rằng mình đã delay mọi thứ quá nhiều và thậm chí còn lập ra hẳn một trang riêng trên Wiki của họ để nói về chi tiết những thứ đã bị "Valve Time" so với thời gian mà họ đã hứa hẹn với game thủ.
Theo Jason Holtman, cựu giám đốc phát triển kinh doanh của hãng game tới từ nước Mỹ cho biết rằng, "Valve Time" tồn tại là có lý do của nó. Ngành công nghiệp trò chơi điện tử luôn cố gắng đưa ra mọi thứ đúng theo dự kiến, nhưng Valve muốn mình là một mảnh ghép khác biệt. Họ sẽ làm việc chăm chỉ hết sức có thể để đưa tới những nội dung và trải nghiệm mà người chơi mong muốn. Thậm chí, việc đó có tốn thời gian hơn nữa cũng không phải điều gì quá to tát.
Với Valve, "Valve Time" không phải là một điều gì đó bêu xấu hãng, mà lại một lời khen tặng dành riêng cho họ. Chỉ cần khi khách hàng nhìn vào sản phẩm của họ, trải nghiệm và phản hồi rằng "chúng tôi muốn thêm nữa" chính là bằng chứng cho việc họ đã làm ra những điều đúng đắn. Thế nên, Valve sẽ tiếp tục đi theo hướng đi này, mặc dù vậy họ cũng sẽ vẫn tránh để tạo ra những sự trì hoãn không cần thiết cho các tựa game của mình.