Trung Quốc là quốc gia đi đầu châu Á trong lĩnh vực phim cổ trang với kho tàng đa dạng các thể loại, từ tiên hiệp, kiếm hiệp đến tiền triều hay cung đấu. Thế nhưng, làng phim Hoa ngữ cũng không ít lần vướng phải tranh cãi về phần trang phục chứ chẳng hề hoàn hảo ở mọi lúc, mọi mặt như khán giả vẫn nghĩ.
1. Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ - Trang phục "hở bạo" từng bị cắt mạnh tay bởi nhà đài
Nhắc đến những siêu phẩm cổ trang Hoa ngữ thì không thể không có tên Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ. Bộ phim xoay quanh nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc ghi điểm với phần thiết kế sản xuất hoành tráng, dàn diễn viên chỉn chu xinh đẹp, nhất là nữ chính Phạm Băng Băng. Tuy nhiên, tuy mang hơi thở "fantasy" dựa trên thời Đường nhưng phim cũng từng nhận không ít "gạch" vì tạo hình phục trang quá lố, thậm chí gây nhức mắt người xem.
Hình tượng Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng ghi điểm ở độ hoành tráng nhưng cũng bị cho là loè loẹt, phức tạp
Loạt cổ phục của Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ từng bị đánh giá là quá màu mè, sặc sỡ và chịu sự cách tân quá nhiều. Đặc biệt, phần ngực "hở bạo" của gần như toàn bộ dàn mỹ nhân là đề tài từng gây sốt cộng đồng mọt phim. Thậm chí, phía đài Hồ Nam cũng từng ban lệnh cắt toàn bộ các cảnh "khoe ngực", buộc đoàn phim phải phóng cận từ cổ trở lên làm phim bị gượng gạo, giảm chất lượng khung hình.
Cảnh trước và sau khi bị cắt để loại bỏ phần ngực
Các cảnh phim gốc (trên) và cảnh đã qua chỉnh sửa (dưới)
Toàn bộ các cảnh quay đều cận mặt diễn viên trông khá ngợp, hậu quả đều đến từ trang phục nhạy cảm
2. Đại Thanh Hậu Cung - Phim cung đấu gây choáng với một "rừng hoa" sặc sỡ đến diêm dúa
Đại Thanh Hậu Cung là một trong những bộ cung đấu bị "ném đá" kịch liệt bởi các fan bởi phần trang phục nhìn là muốn nhắm mắt ngay tắp lự. Bộ phim có lẽ đã thể hiện hơi "nhập tâm" về tinh thần tiết kiệm của thời Đạo Quang khi mang đến bộ sưu tập cổ phục chắp vá từ đầu đến chân, kèm theo đó là các gam màu "choảng nhau bôm bốp".
Đại Thanh Hậu Cung có phần cổ phục thuộc hàng thất vọng lớn của điện ảnh Trung Quốc
Lấy cảm hứng từ thời Đạo Quang nhưng phần thiết kế cổ phục của Đại Thanh Hậu Cung lại trật hướng vô cùng dở khóc dở cười. Phần màu sắc được sử dụng quá tay trông loè loẹt chói mắt vô cùng. Ngoài ra, đoàn phim còn biến tấu phần kỳ đầu với 101 kiểu dáng khác nhau. Thế nhưng, nhìn chung chúng đều khá sơ sài, "nhà làm" và không có hơi thở cổ trang thuần tuý.
Phần trang phục rực rỡ như vườn hoa cùng nhiều thể loại kỳ đầu trông vô cùng tạp nham và gây khó chịu
3. Địch Nhân Kiệt Chi Thần Đô Long Vương - Màn "thiếu vải" phản cảm của "mỹ nhân ca kỹ" Angelababy
Angelababy nổi tiếng là "nữ nhân 360 độ" của làng phim Hoa ngữ. Thế nhưng, màn góp mặt của nữ diễn viên trong bom tấn điện ảnh Địch Nhân Kiệt Chi Thần Đô Long Vương năm 2013 lại vấp phải sự phản đối của người xem.
Angelababy gây xôn xao trong phim Địch Nhân Kiệt ra mắt năm 2013
Trong phim, Angelababy vào vai đệ nhất hoa khôi Duệ Cơ. Nàng ca kỹ xinh đẹp vào thời Đường lên hình lại vô cùng kém sắc và kỳ quặc. Dù là ca kỹ mua vui nhưng tạo hình của nữ nhân vật bị fan đánh giá là phản cảm và lố lăng quá mức. Điểm bị chê trách nhiều nhất đó là phần mặt nạ trong suốt nhìn như "miếng lót giày" to đùng nhưng chẳng che đậy được nhan sắc của Duệ Cơ.
Phần trang phục được sáng tạo quá mức, nhất là phần mặt nạ cồng kềnh chẳng có tác dụng gì
Phần phục trang mang đúng tinh thần nhà Đường nhưng lại khiến Angelababy trông kém sắc và gầy gò, chẳng có tí sức hút nào của một nữ ca kỹ
4. Đại Minh Phong Hoa - Chỉ một chiếc mũ mà khiến đoàn phim "gặp bão" dữ dội
Năm 2019, nền điện ảnh Trung Quốc đón chào một bom tấn cổ trang mang tên Đại Minh Phong Hoa. Phim quy tụ dàn diễn viên hấp dẫn, gồm "tiểu Hoa đán" Thang Duy cùng nhiều bạn diễn nam tên tuổi như . Thế nhưng, về phía phục trang, phim nhận về loạt chỉ trích lớn ở phần mũ mão trong một cảnh của vị vua Chu Nguyên Chương.
Cụ thể, việc trang bị mũ có màu vàng cho Chu Nguyên Chương (Hứa Tường) trong Đại Minh Phong Hoa là một bước đi sai lệch và có phần nhạy cảm. Mũ màu vàng chỉ được phép sử dụng riêng cho người chết, còn người sống bình thường có thể đội mũ màu khác (thường là màu đen). Điều này tạo ra làn sóng tranh cãi lớn khi Đại Minh Phong Hoa đã tỉ mỉ hoá trang vị Hồng Vũ Đế sát với lịch sử (được cho là có gương mặt doạ người) nhưng lại bất cẩn ở khâu chọn lựa mũ mão dẫn đến phần lỗi tai hại.
Ảnh hoạ Hồng Vũ Đế đội mũ đen bên trên, ở dưới là nhân vật trong Đại Minh Phong Hoa đội mũ vàng (loại mũ chỉ được dùng cho người đã khuất)
Tạo hình "gây thương nhớ" của Chu Nguyên Chương khiến khán giả khóc thét
5. Diên Hi Công Lược - Bom tấn cung đấu gặp lỗi trang phục nặng, quần áo nhăn nhúm đến chướng mắt
Vào năm 2018, làng phim Hoa ngữ đón nhận "cơn bão" lớn khi bom tấn cung đấu Diên Hi Công Lược càn quét và chiếm sóng màn ảnh. Nhắc đến "con cưng" này của Vu Chính ngoài các kỷ lục lượt xem cao chót vót thì còn có không ít những lùm xùm xoay quanh tạo hình trang phục của dàn nhân vật trong phim.
Ngay ở poster này, Nguỵ Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) đã diện trang phục đen - trắng chỉ dùng ở dịp tang lễ, không hề phù hợp để mang lên làm ảnh chính thế này
Điểm sai lớn nhất phải kể đến cách diện trang phục sấn y và sưởng y may liền với vân kiên (một loại phụ kiện khoác ở phần cổ). Loại trang phục này chỉ được tìm thấy ở phi tần thời Thanh mạt kỳ, trong khi bối cảnh của Diên Hi Công Lược là thời Thanh sơ - trung kỳ, cụ thể là dưới triều đại Càn Long. Ngoài ra, sưởng y và sấn y vốn phải được mặc chung, nhưng ở Diên Hi Công Lược thì các nữ nhân lại mặc sưởng y với một lớp váy xếp li. Đây là chi tiết sai hoàn toàn, hậu quả là ở một cảnh Nguỵ Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) được bế lên, phần váy bị tốc ngược để lộ nhiều điểm phản cảm.
Trang phục của Nhàn phi (trái) có phần vân kiên chỉ tìm thấy ở nữ nhân thời Thanh mạt kỳ. Bên phải là ảnh vẽ Hiếu Toàn Thành hoàng hậu của Đạo Quang đế (Tư liệu bởi Cạm Bẫy Bảng Màu)
Kiểu sưởng y Thanh mạt kỳ thường thấy trong Diên Hi Công Lược - một phim ở thời Thanh trung kỳ
Phần váy xếp li vừa sai lại vừa gây hớ hênh cho diễn viên nữ
Trang phục của Nguỵ Anh Lạc chỉ gồm một lớp áo ngoài và áo yếm mặc lót trong, nhưng lại có đến hai lớp tay áo. Điều này chứng tỏ phần tay áo trong được gắn thêm vô cùng sơ sài
Ngoài phần sai sót ra, Diên Hi Công Lược còn có nhiều điểm gây tiếc nuối ở khâu chuẩn bị trang phục. Nhiều lần, người xem "soi" ra các phần vải vóc không được là ủi kỹ lưỡng. Hậu quả là khi lên hình, quần áo của các nương nương hay đến thảm trải dưới đất đều nhăn nhúm khó coi.
Nhiều sự nhăn nhúm hiện rõ ở trên phim
Phần đuôi áo của các vị thái giám nhăn rõ mồn một, lại còn xẻ 4 vạt như thân phận hoàng tộc (Ảnh từ Cạm Bẫy Bảng Màu)
Một "sạn" đáng sợ từ Diên Hi Công Lược: Càn Long (Nhiếp Viễn) mang giày thể thao ở bối cảnh cung đình
Nguồn tin và ảnh: Tổng hợp