Tôn Ngộ Không vốn là 1 con khỉ được sinh ra từ đá, hấp thu được tinh hoa ngàn năm của đất trời. Không những thế còn học được 72 phép thần thông biến hóa (Thất thập nhị huyền công Địa sát) và có vũ khí Kim Cô Bổng (vốn là Định hải thần châm, năm xưa được Nguyên Thủy Thiên Tôn dùng để đo trời, đo biển).
Đây được coi là nhân vật nổi tiếng và mạnh mẽ nhất trong suốt câu chuyện. Nhưng dù vậy, trên đường hộ tống Đường Tăng đi thỉnh kinh, Ngộ Không bị những yêu quái khác đánh cho tối tăm mặt mũi.
1.Ngưu Ma Vương
Là 1 trong những nhân vật phản diện kinh điển, nổi tiếng và được yêu quý nhất trong Tây Du Ký! Ngưu Ma Vương có hiệu là Bình Thiên Đại Thánh, hơn 500 năm trước từng cùng Tôn Ngộ Không và 6 yêu quái nữa kết nghĩa anh em. Xét vai vế thì xếp trên Tôn Hành Giả. z
Về bề ngoài, họ Ngưu rất to lớn, khỏe mạnh, có thân hình vạm vỡ, rắn chắc. Không chỉ có thế, Ngưu Ma Vương cũng thông thạo 72 phép thần thông biến hóa, cộng thêm cây đinh ba to lớn, có thể khẳng định, về sức mạnh thì chẳng thua kém gì Tôn Ngộ Không cả !
Ngưu Ma Vương phiên bản bản cũ.
Giống như ngoại hình, Ngưu Ma Vương là yêu quái vô cùng nóng tính, hung hăng và không biết nói lý lẽ, có phần bá đạo, ngang ngược! Nhưng kỳ lạ ở chỗ, trời không sợ, đất không sợ, chàng Ngưu chỉ sợ... vợ mà thôi!
Vợ cả của Ngưu Ma Vương chính là Thiết Phiến công chúa (hay được biết đến với cái tên Bà La Sát), vốn là một tiên nữ nhưng đã trốn xuống trần gian, và có con trai tên Hồng Hài Nhi. Thiết Phiến công chúa xinh đẹp tuyệt trần nhưng tính tình lại vô cùng khó chịu, sáng nắng chiều mưa, có phần vô lý, ngang ngược hơn cả chồng.
Vợ nói một là một, hai là hai, Ngưu Ma Vương hiếm khi dám cãi lại mà chỉ chọn cách dỗ ngon dỗ ngọt nịnh nọt mà thôi! Nhưng càng kỳ lạ hơn, sợ vợ như vậy mà Ngưu Ma Vương vẫn có 1 người thiếp nữa!
Đó chính là Ngọc Diện công chúa, vốn là 1 con hồ ly thành tinh, sống tại núi Tích Lôi, vô cùng giàu có. Hằng năm, vẫn cống nạp vô số ngọc ngà châu báu cho Bà La Sát, coi như là lễ vật để giữ Ngưu Ma Vương ở lại chỗ mình.
Tạo hình Ngưu Ma Vương trong bộ phim riêng.
Trong kiếp nạn tại Hỏa Diệm Sơn, Tôn Ngộ Không 3 lần lấy quạt ba tiêu đã đụng chạm đến Thiết Phiến công chúa, không những thế còn làm cho Hồng Hài Nhi đi theo Bồ Tát nên Ngưu Ma Vương rất tức giận và quyết tìm con khỉ đá trả thù.
Trong trận đại chiến với Tôn Ngộ Không, 2 người đã đánh đến long trời lở đất, và Ngưu Ma Vương chỉ chịu lép vế, rút lui về động Ba Tiêu của Bà La Sát khi Bát Giới đến trợ chiến cho đại sư huynh. Dù cố đến đâu, bên của Ngộ Không - Bát Giới cũng không thể bắt được kẻ địch, đành nhờ Lý Thiên Vương và Na Tra thái tử đến giúp.
Lúc này, Ngưu Ma Vương đành hiện chân thân là 1 con trâu khổng lồ, Na Tra thái tử ra sức thu phục mà không ăn thua. Cứ chặt được 1 đầu xuống thì có 1 đầu trâu khác mọc ra, Cuối cùng, phải nhờ đến cả Lý Thiên Vương dùng kính chiếu yêu kết hợp với bánh xe Hỏa Luân mới có thể thu phục được.
2. Hồng Hài Nhi
Là con ruột của Thiết Phiến công chúa và Bình Thiên Đại Thánh Ngưu Ma Vương. Sở hữu ngoại hình của đứa trẻ lên 8-9 nhưng thực ra đã sống được 300 năm. Có hiệu xưng là Thánh Anh Đại Vương.
Người xưa nói rất, hổ phụ không sinh khuyển tử. Nếu như Ngưu Ma Vương vô lý, bá đạo, tài phép đầy mình thì Hồng Hài Nhi cũng ngang ngược không kém. Hắn còn sở hữu khả năng tạo ra ngọn lửa Tam Muội Chân Hỏa, nước thường không thể dập tắt được.
Cũng giống như những con yêu quái khác, Hồng Hài Nhi đã bắt Đường Tăng với ý định ăn thịt để được trường sinh bất lão. Khi Tôn Ngộ Không đến đòi người, 2 bên cũng đánh nhau 1 trận tưng bừng. Cuối cùng, Ngộ Không bị mù, suýt chết vì Hồng Hài Nhi dùng Tam Muội Chân Hỏa thiêu đốt.
Nếu không có Quan Âm Bồ Tát tương trợ, dùng nước thần để rửa mắt, dập lửa thì không biết Tôn Ngộ Không còn khốn đốn đến như thế nào nữa !
Sau này, được Quan Âm Bồ Tát giác ngộ, Hồng Hài Nhi nguyện đi theo tu luyện, được phong là Thiện Tài Đồng Tử. Và cũng chính vì điều này mà Ngưu Ma Vương cùng Bà La Sát vô cùng hận Tôn Ngộ Không, oán hắn đã khiến con hai người mất đi tự do tự tại!
3. Bạch Cốt Tinh
Bạch Cốt Tinh thực chất là 1 bộ xương trắng, đó hút được linh khí trời đất mà tu luyện thành tỉnh, có địa bàn ở Bạch Cốt Lĩnh, sử dụng vũ khí là đôi Nhật Nguyệt Song Kiếm khí chiến đấu.
Giống như Ngưu Ma Vương, Bạch Cốt Tinh là một trong những nhân vật phản diện kinh điển trong Tây Du Ký và là niềm cảm hứng cho các đạo diễn trong vô số bộ phim khác! Không chỉ thế, đây cũng gần như là nhân vật duy nhất trong truyện có thẻ thực hiện kế ly gián thành công đối với Đường Tăng va đại đồ đệ Tôn Ngộ Không !
Tuy xinh đẹp nhưng Bạch Cốt Tinh lại vô cùng độc ác!
Bạch Cốt Tinh cực kỳ nguy hiểm, không phải vì sở hữu sức mạnh phì phàm như Ngưu Ma Vương hay những bảo bối chết người lấy trộm ở thiên cung mà chính bởi sự ranh ma quỷ quái!
Ai cũng biết Tôn Ngộ Không có sức mạnh vô song, ai cũng biết cây Kim Cô Bổng nặng ngàn cân lợi hại như thế nào. Nhưng mấy ai có thể chia tách thành công thấy trò Đường Tăng, khiến chính Huyền Trang mù quáng, tin lầm điều mắt thấy tai nghe, mà đuổi đi đồ đệ tin yêu nhất?
Trong truyện, ả sở hữu ngoại hình của 1 người con gái vô cùng xinh đẹp nhưng tâm địa lại độ ác, gian xảo, thường tìm và lợi dụng những yếu điểm của người khác để trục lợi cho bản thân mà không tốn mấy công sức.
Theo người xưa kể lại, Bạch Cốt Tinh thường mê hoặc, dụ dỗ rồi hút sạch tinh khí của con người. Trong trường hợp khác, nếu bị ả nhập hồn, nạn nhân dù giữ được ý thức ngoại hình như cũ nhưng bên trong lại dần dần ma hóa, mất đi bản chất thật và trở thành tay ai làm việc xấu cho Bạch Cốt Tinh !
Tạo hình trong bộ phim mới của Bạch Cốt Tinh.
Khi biết tin Đường Tăng sắp đi qua địa bàn của mình, ả không vội vàng, bộp chộp mà giả làm người thường, vừa lân la tìm cơ hội bắt người, vừa thực hiện kế ly gián khiến cho thấy trò Huyền Trang lục đục nội bộ.
Đỉnh điểm là sự việc Đường Tăng 1 mực đuổi Tôn Ngộ Không đi, từ bỏ nghĩa thầy trò. Khi đó, Bạch Cốt Tinh chỉ cần đơn giản bắt người đi để thực hiện ý định đen tối của mình.
Nhưng tất nhiên tà không thể thắng chính, mọi chuyện hoàn toàn sáng tỏ sau khi Bát Giới thuyết phục thành công Ngộ Không trở lại và ra tay tiêu diệt yêu quái. Sau khi bị Ngộ Không đánh chết, ả hiện nguyên hình là 1 bộ xương trắng.
4. Độc Giác Tỷ
Trên đường hộ tống Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, 4 thấy trò có đi qua núi Kim Đâu. Tại đây Đường Tăng bị yêu quái Độc Giác Tỷ lập mưu bắt mất với ý định ăn thịt để được trường sinh bất lão. Nóng lòng giải cứu sư phụ, Ngộ Không đến chân núi Kim Đâu, sào huyệt của yêu quái mà quyết chiến với nó vài trăm hiệp.
Độc Giác Tỷ không có sức mạnh vô song như Ngưu Ma Vương, cũng không có bản lĩnh thổi ra ngọn lửa bất diệt như Hồng Hài Nhi hay sự gian xảo của Bạch Cốt Tinh nhưng nó lại có 1 bảo bối vô địch, có thể hút các binh khí khác vào, đó chính là Kim Cang Trát!
Đánh không lại Tề Thiên Đại Thánh, Độc Giác Tỷ liền lấy bảo bối ra đối phó, hút lấy Kim Cô Bổng vào trong. Mất đi vũ khí sở trường, Ngộ Không bối rối và đánh phải rút lui đi tìm cứu viện của thiên binh thiên tướng!
Nhưng không may, toàn bộ vũ khí, bảo vật trên thiên đình cũng không địch lại Kim Cang Trát, lần lượt lửa của Hỏa Ðức tinh quân, nước của Thủy Ðức tinh quân, hột kim đơn sa của Phật... cũng đều bị nó hút mất.
Thái Thượng Lão Quân
Cuối cùng, Ngộ Không phải nhờ đến Thái Thượng Lão Quân dùng quạt ba tiêu mới thâu lại được Kim Cang Trát (quạt ba tiêu này không phải cái của Thiết Phiến Công Chúa).
Hóa ra, Độc Giác Tỷ, kẻ từng 2 lần làm Ngộ Không điêu đứng khi hút Kim Cô Bổng và các thiên khí khác vào Kim Cang Trát thì ra lại chính là con trâu Thanh Ngưu của Thái Thượng Lão Quân, ăn trộm bảo vật, trốn xuống hạ giới làm quái, xưng vương!
5. Lục Nhĩ Mỹ Hầu
Đây có thể coi là một trong những kiếp nạn đáng sợ nhất đối với 4 thầy trò Đường Tăng khi không thể phân biệt được đâu là Tôn Ngộ Không, đâu là Lục Nhĩ Mỹ Hầu khi ai cũng nhận là Tôn Hành Giả và mong muốn đưa Huyền Trang đi thỉnh kinh.
Xét về thực lực, Lục Nhĩ Mỹ Hầu có thể coi là yêu quái mạnh nhất, vượt trội hơn cả trong những kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng từng gặp khi nó có thể đánh ngang cơ với Ngộ Không, chẳng nói câu nào nhưng cũng có thể uy hiếp được Đế Thính của thiên đình.
Ngộ Không và Lục Nhĩ đánh nhau cả ngàn hiệp, suốt từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc mà không phân thắng bại, cũng không đâu có thể phân biệt nổi ai là Tôn Hành Giả thật! Cả trời đất chỉ có Đế Thính nhìn ra nhưng lại không dám nói.
Cuối cùng phải nhờ đến Phật Tổ Như Lai, dùng Đại Thiên Am, có công năng vô cùng, được coi là pháp bảo mạnh nhất trong Tây Du Ký mới có thể chỉ ra được thật giả Tôn Ngộ Không.
Không hãm lại được sự tức giận của mình, Ngộ Không 1 gậy đánh chết Lục Nhĩ Mỹ Hầu rồi lại lên đường đưa Tam Tạng đi thỉnh kinh.
Nhưng cũng chính hành động này làm 1 số người nghi ngờ về thân phận thật sự của Tôn Ngộ Không sau tai kiếp này. Liệu người bị chết có đúng là Lục Nhĩ Mỹ Hầu hay không?
Có 1 giả thuyết cho rằng, kẻ bị đánh chết không phải là Mỹ Hầu mà chính là Tôn Ngộ Không, Tề Thiên Đại Thánh vang danh 1 thời! Với việc pháp lực, ngoại hình giống hệt nhau, cả thiên địa ngoài Phật Tổ ra không ai phân biệt nổi thì Lục Nhĩ Mỹ Hầu có đóng giả cũng chẳng ai có thể phát hiện ra.
Có người cho rằng, việc Đế Thính sợ sự uy hiếp của Lục Nhĩ mà không dám nói ra chỉ là 1 màn kịch, bởi pháp lực tương đương, Tôn Ngộ Không thừa sức bảo vệ Đế Thính nếu như Lục Nhĩ muốn trả thù vì tiết lộ thiên cơ ! Như vậy, Đế Thính sợ Lục Nhĩ Mỹ Hầu hay sợ thế lực nào đó đứng sau ?
Hơn thế nữa, Lục Nhĩ Mỹ Hầu được miêu tả là con khỉ có 6 tai, có thể biết được quá khứ, tương lai, nó học hỏi, tu luyện được pháp lực cao cường cũng chính là nhờ ưu điểm đó. Thần thông như vậy, chả lẽ Lục Nhĩ không nhìn thấy tương lai bị Đại Thiên Am của Phật Tổ lật tẩy hay sao mà vẫn đồng ý
Trên thực tế, đó vẫn chỉ là những thuyết âm mưu của 1 số người, trong chính truyện, kẻ thắng luôn là cái thiện, vẫn là Tôn Ngộ Không chứ không thể là do Lục Nhĩ đóng giả. Nhưng những suy đoán đó của họ càng chứng minh thêm pháp thuật cao cường và sức mạnh bá đạo của con khỉ có 6 tai trong Tây Du Ký !
6. Kim Sí Điểu
Kim Sí Điểu xuất hiện từ nạn thứ 61: Bị núi Sư Đà, đến nạn thứ 64: Thỉnh Phật Tổ bắt đại bàng trong Tây Du Ký. Kim Sí Điểu là tam đệ trong ba đại ma vương thống lĩnh núi Sư Đà. Lão đại nguyên là con sư tử vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát. Lão nhị là con voi vật cưỡi của Phổ Hiền Bồ Tát.
Tuy nhiên nhân vật này có gốc gác cao quý hơn. Tương truyền nguyên từ lúc trời còn hỗn độn, trong các loài biết bay thì Phượng hoàng là chúa. Phượng hoàng sinh ra Khổng tước và Đại bàng. Khổng tước hung dữ, nuốt cả Như Lai vào bụng. Như Lai rạch xương sống nó chui ra, toan giết chết thì chư Phật đều khuyên can, giết nó cũng như giết mẹ mình. Như Lai sau đó phong cho Khổng tước là Phật Mẫu. Vì vậy, luận vai vế, Đại bàng được xem là cậu của Như Lai.
Nếu Tôn Ngộ Không từng đại náo thiên cung thì Kim Sí Điểu cũng từng đại náo Tây thiên và khiến 500 vị la hán phải bó tay trong việc thu phục hắn. Phép Cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không mỗi lần đi được mười vạn tám ngàn dặm, nhưng Kim Sí Điểu chỉ cần vỗ cánh một cái đã đi được chín ngàn dặm. Vì vậy yêu vương vỗ cánh hai lần đã bắt được Ngộ Không. Tam đại ma vương lừa Ngộ Không rằng Đường Tăng đã bị ăn thịt, làm Ngộ Không nản chí bay tới chỗ Như Lai định bỏ cuộc.
Sau khi thắng Tôn Ngộ Không, Kim Sí Điểu toan đánh với Như Lai nhưng được Như Lai cảm hóa hiện về nguyên hình đậu trên vai ngài. Yêu vương này được Như Lai cho quy y để nhận lễ của chúng sinh khắp Tứ Đại bộ châu.
(Theo Gabe - Soha.vn)