Ngay tại thời điểm ra mắt, bộ phim Black Panther đã được công chúng hoan nghênh rộng rãi như bước ngoặt văn hóa lớn lao trong việc khắc họa tầm vóc mới, tâm thế mới cho người da màu. Theo hầu hết đánh giá từ giới phê bình lẫn khán giả, nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nơi họ không phải chàng nam chính điển trai T’ Challa hay cô em gái thiên tài công nghệ Shuri mà là Erik Killmonger, kẻ phản diện luôn lăm le chiếm đoạt ngai vàng.
Được sáng tạo bởi đế chế truyện tranh Marvel vào năm 1966, Black Panther thuộc hàng ngũ lớp siêu anh hùng da màu đầu tiên của hãng. Sau đấy, anh chàng còn có hẳn cả loạt comic riêng cho mình. Tuy nhiên, mãi đến khi bước chân lên màn ảnh rộng với một dàn diễn viên "đen từ gốc tới ngọn", Báo Đen mới chính thức gây nên cơn sốt toàn cầu.
Lấy bối cảnh xoay quanh Wakanda, quốc gia giả tưởng giàu có và tiên tiến vượt bậc nhờ vào vibranium, loại khoáng sản sở hữu tính năng diệu kỳ do người ngoài hành tinh đem đến vùng lục địa đen. Wakanda chưa bao giờ phải gánh chịu cuộc xâm lược, đàn áp của chế độ thực dân. Các đời vua cai trị đất nước này luôn chủ trương "bế quan tỏa cảng", giấu kín mọi tung tích về nền văn minh Wakanda khỏi thế giới bên ngoài.
Đó cũng chính là nguồn gốc phát sinh xung đột giữa T'Challa và Killmonger. Killmonger dù mang dòng máu hoàng gia giống ông anh họ T’Challa, nhưng anh sinh sống, lớn lên cùng cha tại xứ sở cờ hoa. Hơn ai hết, Killmonger là người thấm thía sự bất công của xã hội và cách người da màu bị phân biệt đối xử ngay trên đất nước mang danh tự do.
Vì vậy, anh tin rằng sức mạnh quân sự của quê hương mình nên được sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng da màu, tiến hành chiến tranh đè bẹp lũ tư bản tàn bạo. Trong khi đó, T’Challa lại không muốn thần dân đổ máu vô ích.
Mâu thuẫn trên là nội dung chủ đạo trong Black Panther . Nó thú vị ở chỗ lý tưởng Killmonger đeo đuổi không phải nhằm kích động chiến tranh hay bài trừ dân da trắng. Tất cả sự mặc cảm, phẫn uất lẫn tức giận mà anh ta thể hiện như nói hộ nỗi lòng, tinh thần đấu tranh của biết bao người da màu khắp nơi trên thế giới, kéo dài từ Mỹ quốc sang tận nền cộng hòa Nam Phi. Tiếc thay, bộ phim không khai thác hết chiều sâu nội tâm nhân vật, khiến Killmonger chưa hoàn toàn thoát khỏi cái bóng phản diện tầm thường muốn thách thức tân vương T’Challa.
Rất nhiều fan hâm mộ tinh ý phát hiện câu chuyện Black Panther phiên bản điện ảnh sở hữu vô số điểm tương đồng với tác phẩm hoạt hình Lion King do nhà Disney phát hành năm 1994. Hãy thử liệt kê vài tình tiết tiêu biểu nhất xem sao:
Trong Black Panther, cha của Killmonger bị anh ruột (cha của T’Challa) xuống tay hạ sát. Killmonger sau khi ăn học thành tài, trau dồi kinh nghiệm đã tỉ mỉ vạch kế hoạch trở về Wakanda, chứng minh sự bất tài của vị vua trẻ mới lên ngôi rồi mới lớn tiếng thách đấu hạ bệ T’Challa.
Ở Lion King, vua sư tử Mustafa cũng bị ông anh độc ác Scar lập mưu giết chết. Để bảo toàn tính mạng, Simba đành tháo chạy khỏi đỉnh núi Pride Rock. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, Simba bất ngờ xuất hiện đánh bại chú mình, giành lấy những gì đã mất.
Như vậy, Black Panther và Lion King có cùng một đường dây kịch bản, ngoại trừ lần này nhân vật phản diện xấu xa quay trở lại thay vì trang anh hùng hào kiệt. Ngoài ra, bộ phim còn lồng ghép hàng loạt easter eggs liên quan tới Lion King thông qua chuỗi cảnh tri ân (tribute scene) được dàn dựng khéo léo, khiến ai từng xem tuyệt phẩm trên hẳn chẳng thể nào quên.
Nhờ "chống lưng" bằng dàn diễn viên thực lực cùng các bản soundtrack cực kì bắt tai, nhìn chung, Black Panther có chất lượng rất tốt so với đám anh em đồng trang lứa thuộc vũ trụ điện ảnh MCU. Thế nhưng, những cây viết phê bình khó tính vẫn chưa hài lòng bởi họ kì vọng nhiều hơn về khía cạnh đạo đức, xã hội được cài cắm xuyên suốt bộ phim.
"Báo Đen tựa như phát súng nổi loạn", phóng viên Jamil Smith đã nhận xét trong bài viết đăng trên tạp chí Time. Thậm chí, Ben Child của tờ Guardian còn thẳng thắn gọi đây là "tác phẩm điện ảnh chuyển thể cực đoan nhất", vì nó dám tưởng tượng ra tương lai "đen tối", nơi các thành tựu công nghệ Châu Phi bỏ xa nhóm cường quốc phương Tây. Black Panther dẫu mang tham vọng to lớn nhưng nó chưa lột tả trọn vẹn bản chất khái niệm "phản kháng" và "chủ nghĩa cực đoan" vốn đang rất nóng hổi vào thời điểm hiện tại.
Jonathan Gray, giáo sư khoa tiếng Anh Đại học Thành phố New York phân tích: "Bộ phim chẳng hề xuất hiện ngẫu nhiên. Black Panther được công chiếu lúc tình hình chính trị phức tạp hơn bao giờ hết, khi lợi ích hợp pháp của phong trào dân quyền và niềm hy vọng bình đẳng sắc tộc ở nhiệm kì Obama đã tan thành mây khói".
Do đó, Wakanda là chốn thiên đường trong mơ dành cho những ai chán nản thế giới hỗn loạn hiện tại. Tuy vậy, Hollywood vẫn cứ mãi loanh quanh tìm cách trốn tránh thực tại chứ chẳng giải quyết được gì. Báo Đen cũng không khác nào giấc mộng màu hồng để tạm lãng quên đi hiện thực khắc nghiệt.
"Cha ta từng hứa hẹn, rằng ngày nào đấy, ông sẽ đưa ta đến Wakanda, nơi đẹp đẽ nhất trần gian", Killmonger trăn trối lời cuối cùng với T’Challa. "Ngươi tin nổi không? Một đứa trẻ da màu từ Oakland chạy quanh quẩn và luôn tin tưởng vào mấy giai thoại cổ tích".
Dẫu biết sử dụng yếu tố hư cấu nhằm bóc trần các bất cập đời sống là không hề sai trái (mặc dù chúng có thể tối tăm, sâu sắc hoặc phức tạp), nhưng đừng biến chủ nghĩa cực đoan, tinh thần đấu tranh dân tộc thành câu chuyện cổ tích.