Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một số tình tiết của bộ phim. Bạn hãy cân nhắc trước khi xem nhé!
Tôi bước ra khỏi rạp vào lúc 9:30 tối thứ Bảy, sau hơn 70 phút của bộ phim Ròm. Đó là 79 phút đầy căng thẳng, nhiều lúc phải nín thở. Người xem trong rạp lặng thinh, ngật ngừ từ lúc phim bắt đầu chiếu tới lúc kết thúc, chờ xem có phần after-credit nào không. Mới 9:30 tối mà có cảm giác cơ thể mỏi nhừ, đau nhói, đau theo cú nhảy của thằng Phúc lên người thằng Ròm. Cái đau âm ỉ lấn át sự hào hứng khi mới bước vào rạp. Cảm giác chờ đợi suốt nhiều tháng ròng bỗng bốc hơi như những con người gửi cuộc đời mình vào hai chữ “số phận”.
Trước khi tới rạp xem Ròm, hãy chuẩn bị một tâm thế rằng đây không phải một bộ phim để giải trí những ngày cuối tuần. Đừng sỉ vả Ròm nếu tự dưng làm buổi tối cuối tuần của bạn nặng trĩu những điều tiêu cực - “cuộc đời có tồi tệ thế đâu?”.
Ròm bộc lộ những nhược điểm trong khâu kịch bản, nhiều chi tiết vụn, mở đầu bằng lời dẫn truyện của nhân vật Ròm và kết thúc vụng về với lời bạt cụt ngủn. Nhiều tình tiết phim được mở ra nhưng không được đóng lại, thiếu tính liên kết chặt chẽ, nhịp phim nhanh tạo sự khó hiểu cho người xem ở nhiều phân cảnh, nhất là với khán giả phổ thông vốn xa lạ với các thuật ngữ lô đề.
Nhưng công bằng mà nói, tác phẩm đã đưa đến một chủ đề mới mẻ được thể hiện dưới lăng kính hiện thực, zoom kỹ vào những ngóc sâu trong thế giới tệ nạn lô đề cùng sự bế tắc cùng cực của các nhân vật. Câu chuyện với bối cảnh Sài Gòn như tô vẽ thêm cho sự đối chọi giữa nghịch cảnh tù túng và đô thị hoa lệ. Nhưng trong con xóm nhỏ ấy, người ta thấy vẩn lên cuộc đời của những người có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, dù chốn thành thị hay nông thôn tại Việt Nam.
Sự nặng nề của Ròm bám víu lấy cuộc đời nhân vật, theo khán giả từ những khung hình đầu tiên tới lúc hết phim. Với nhiều người xem, đó là một cuộc dấn thân vào những điều khó chịu núp mình trong xã hội. Những niềm tin vào điều tốt đẹp, vào mặt tích cực của cuộc sống của khán giả bị đem ra chất vấn. Chấp nhận những điều khó chịu về cảm xúc ấy, chúng ta đang sẽ có cái nhìn không “bọc đường”, không tô vẽ về xã hội. Nạn lô đề có thể đã mai một nhưng những bi kịch cuộc sống như vậy vẫn tồn tại, chỉ ở một câu chuyện khác chờ được chúng ta tiếp tục khai phá.
1. Sự tuyệt vọng trú ngụ nơi xóm nghèo
Những bài phân tích kỹ thuật, biên kịch hay nghệ thuật điện ảnh đã chỉ rõ giá trị của từng khung hình, góc máy, cách quay nghiêng gợi phận đời lênh đênh, những khung quay gần đặc tả nỗi đau và sự thống khổ của nhân vật, xoáy sâu vào sự nặng nề của bộ phim. Ròm không phải một câu chuyện với cấu trúc điển hình vượt qua gian khổ rồi sẽ tìm được hạnh phúc với hy vọng rọi chiếu cuộc đời nhân vật. Càng đi sâu, bộ phim càng gợi sự bế tắc, nỗi đau khổ của các nhân vật chồng chất lên nhau, đè lên cả cảm xúc của khán giả.
Ròm không dễ xem khi mọi dụng ý điện ảnh của tác giả đều nhằm bóc trần sự trần trụi, ê chề nhất của xã hội. Sự căng thẳng theo người xem từ những khung hình đầu tiên khi các nhân vật lao vào cuộc rượt đuổi. Đó là một cuộc rượt đuổi của sự tù túng. Họ chạy quanh những cơ cực cuộc đời mình, ngần đó con người đuổi nhau nhưng cũng không thoát khỏi được số phận.
Người xem khó có thể thấy một lối thoát nào cho những nhân vật trong bộ phim Ròm. Có nhiều khung cảnh tưởng như gọi nét vui, gợi sự nhẹ nhõm trong lòng khán giả nhưng cuối cùng cũng căng như dây đàn. Nỗi tuyệt vọng không chỉ dồn trong những đại cảnh lớn; người xem thấy nhiều chi tiết nhỏ cũng ứa ruột gan.
Trước cái chết, bà Ba chọn khoác lên mình chiếc áo đẹp đẽ, sửa soạn lại căn phòng gọn gàng, mở cửa sổ vặn chút nhạc. Căn gác nhỏ đầy duy mỹ của Sài Gòn chẳng thể xoa dịu người xem khi chỉ vài phút sau, khán giả sững lại khi nhìn thấy chiếc thòng lọng đong đưa giữa phòng. Kỹ thuật biên kịch trên không mới, như vùng trời bình yên trước cơn giông bão, nhưng vẫn đưa người xem vào một sự bàng hoàng.
Giữa những ngây ngất hoan ca khi cả xóm trúng đề, niềm vui ấy cũng sớm nở nhanh tàn. Những khuôn mặt say trong men rượu, thẫn thờ vì lâu rồi mới biết mùi trúng đề. Họ bần thần, thấy đời mình quẩn quanh trong những con số khắc nghiệt. Khán giả thấy nặng nề và thương cảm; có những cuộc đời nằm trong một lồng quay, để người khác quyết định vào 4:30 phút mỗi chiều. Niềm vui đó mới tù túng, u uẩn làm sao.
Và khoảnh khắc khi bà Ghi thổi phụt ngọn đèn, cầm tiền của thằng Ròm rồi chìm vào đêm đen, chút hy vọng của lòng tử tế cũng vụt tắt. Trong thế giới của tiền bạc và vật chất, sự tử tế của một con người tỷ lệ thuận với giá trị lợi ích họ nhận được. Vài giây của sự lưỡng lự ấy cũng khiến khán giả phải thở dài. Giá như ngọn đèn ấy còn chòng chành trên căn gác mái, giá như nắm tiền nhàu nát còn nằm lăn lóc trên sàn giữa những hỗn loạn, người ta còn thấy chút hy vọng cho số phận nhân vật, số phận con người.
2. Cuộc dấn thân đáng giá cho người xem
Tôi nhớ lại xóm nghèo ngoại thành Hà Nội nơi mình từng sinh sống suốt gần 30 năm, nơi những cơn say mê số đề quét qua cũng để lại những tan tác và chấp chới trong cuộc đời nhiều người. Dù hình thức có khác nhau, thời điểm quay số có khác nhau (như ở Hà Nội, bản tin xổ số sẽ bắt đầu vào lúc 6:00 với tiếng nhạc hiệu quen thuộc để lũ trẻ biết không làm ổn khi bố mẹ soi kết quả), sự ám ảnh của những con số vẫn khiến lung lay bao nhiêu gia đình. Có những cái chết diễn ra, có những gia đình phải cầm cố đất cát, bán nhà, có những người con, người cha mẹ ngỡ ngàng khi chủ nợ đến nhà với cuốn sổ đỏ cầm cố. Trong những đám tang râm ran khắp xóm, những người đàn ông đàn bà truyền tay nhau ngày sinh của người mất, lầm rầm khấn xin một con đề để tối nay đánh lớn.
Nói để thấy, dù tác giả có xoáy sâu vào nỗi khổ của nhân vật - như nhiều người có chỉ trích là lạm dụng và bi kịch hóa cuộc đời, đẩy bộ phim vào sự cường điệu không cần thiết, thiếu tính tự nhiên, câu chuyện cũng không phải sự phóng đại quá mức không có căn cứ. Vốn đã quen với những tác phẩm nhìn đâu cũng thấy sự tích cực, tính nhân văn bao trùm không khí tác phẩm, khán giả Việt giờ đây được tiếp xúc với một thế giới tệ nạn trần trụi hơn. Không rao giảng những giá trị thoát nghèo, vượt khổ, đẩy lùi tệ nạn, “Ròm” phơi bày những góc khuất tối tăm nhất của xã hội. Khán giả không chỉ được tiếp xúc với một vấn nạn không mới nhưng chưa bao giờ được thể hiện trực diện trên màn ảnh mà còn được bước vào một hành trình đối diện với nỗi sợ trong mình: Chúng ta sợ phải nhìn thấy những phần tăm tối của cuộc sống và sâu xa hơn là những phần tăm tối của chính con người mình.
Giá trị nhân văn đôi khi không nằm ở sự ve vuốt những điều người xem đã biết mà còn ở việc phơi bày những thứ chưa biết với người xem để họ bước vào một địa hạt mới của cảm xúc, chấp nhận rằng thế giới xung quanh không chỉ có những mảng sáng hay đầy tia hy vọng. Ròm là một tác phẩm điện ảnh đáng xem không chỉ vì thắng lớn một giải thưởng quốc tế uy tín, tác phẩm đáng xem vì đã mang đến những lần đầu tiên cho khán giả Việt: Lần đầu tiên bước vào thế giới tệ nạn lô đề, đối diện với một cảm xúc nặng nề thực tế của một thứ tệ nạn xã hội tồn tại phổ biến tại Việt Nam. Tác phẩm đã đặt người xem vào những suy ngẫm lớn hơn câu hỏi liệu Ròm có tìm được gia đình không; chúng ta tự hỏi liệu thế giới có tăm tối và u ám đến như vậy không, họ là những người sống bên lề xã hội hay phần đông khán giả mới đang sống bên lề xã hội và lờ đi những câu chuyện tăm tối ấy?
3. Một “hành trình anh hùng” không trọn vẹn
Song song với những yếu tố khiến khán giả yêu thích ở Ròm, tác phẩm nhận được không ít lời phàn nàn trong khâu biên kịch. Khán giả không phải không có lý khi nhận định như vậy. Tuy nhiên, cần phải công tâm khi thấy Ròm đã bứt ra khỏi diễn tiến cơ bản và “kinh điển” của một tác phẩm điện ảnh hay tiểu thuyết.
Phân tích các tác phẩm điện ảnh hay tiểu thuyết từ đông sang tây, người ta thấy nổi bật một motif với tên gọi “hành trình anh hùng” (Hero’s Journey). Anh hùng ở đây đơn giản là nhân vật chính sẽ chạy xuyên suốt tác phẩm, không nhất thiết phải đóng vai một “anh hùng” với nghĩa vụ to tát. Hành trình anh hùng với 12 bước cơ bản được chia làm 3 hồi lớn: Bắt đầu cuộc sống bình thường trước khi có tiếng gọi lên đường - Bước chân vào một thế giới đầy biến động với những xung đột, mất mát, đau khổ để đi tìm những giá trị cuộc sống - Trở về cuộc sống bình thường với phần thưởng xứng đáng và những bài học cho mình. Đây chính là motif quan trọng cho thế giới điện ảnh. Đó là lý do ở cuối mỗi bộ phim, người ta thường kỳ vọng một sự giải thoát, một bài học, một cái kết tốt đẹp hay mở ra những hy vọng cho nhân vật chính.
Người xem không thấy một lối thoát cho Ròm hay kể cả các nhân vật chính của bộ phim. Mở đầu tác phẩm bằng những khung hình rượt đuổi dồn dập, kết thúc tác phẩm cũng vẫn là những trận đánh nhau chí tử, rượt đuổi căng thẳng giữa Ròm và Phúc. Ranh giới giữa các hồi trong Ròm dường như bị xóa mờ. Điều này về cơ bản sẽ tạo sự hụt hẫng cho nhiều khán giả khi đi ngược diễn biến tâm lý thường trực của con người, mong được xoa dịu, gỡ rối cảm xúc và tìm được hy vọng trong đời. Tuy nhiên, nó cũng phù hợp với dụng ý của tác giả khi nhấn mạnh vào những nỗi đau dai dẳng của con người và đưa tác phẩm thoát khỏi những khuôn mẫu cơ bản trong nghệ thuật điện ảnh.
Những con số còn quay đều trong lồng cầu mỗi ngày, bi kịch của nhiều gia đình vẫn còn tiếp diễn. Bộ phim không dễ xem như những góc tối của cuộc sống không dễ phơi bày. Bộ phim đáng xem vì khi nhìn vào cuộc đời của những con người ấy, ta như soi mình vào những thứ day dứt, khó chịu, bất công, uẩn ức của xã hội một cách trần trụi và trực diện. Ròm cũng không có một cái kết rõ ràng, dễ chịu khi các vấn đề trên cũng chưa thể có một giải pháp cụ thể ngoài thực tế.
Đừng kỳ vọng đi xem “Ròm” để giải trí. Có những ngưỡng an toàn về cảm xúc nhiều người cần phải vượt qua để chấp nhận thực tế cuộc sống. Một cuộc dấn thân đang mở ra trong hơn 70 phút để mỗi khán giả có những trải nghiệm riêng cho bản thân.
Ròm chính thức công chiếu vào ngày 25/09/2020 tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn ảnh: Tổng hợp