Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", Trần Cung được biết tới là huyện lệnh Trung Mâu đã cứu giúp Tào Tháo khi ông bị truy bắt vì ám sát Đổng Trác bất thành.
Tới lúc chứng kiến cảnh Tào Tháo dù giết oan cả nhà Lã Bá Sa vì đa nghi nhưng vẫn không hối hận, Trần Cung đã quyết định dứt áo ra đi và đầu quân cho Lữ Bố.
Trong nguyên tác lịch sử, Trần Cung xuất thân là một danh sĩ có tiếng vào cuối thời Đông Hán và từng có thời gian phụng sự dưới trướng Tào Tháo. Tuy nhiên sau đó, ông đã trợ giúp Lữ Bố đánh Duyện Châu, Từ Châu và đi theo nhân vật này kể từ đó.
Dù cho nguyên tác lịch sử có một số điểm khác biệt so với trong tiểu thuyết, thế nhưng việc Trần Cung chết trong tay Tào Tháo vẫn là sự thật không thể thay đổi.
Tuy nhiên ngay cả khi đã hạ sát mưu sĩ họ Trần, Tào Mạnh Đức vẫn tha chết cho thân nhân của ông, thậm chí còn cố ý an bài ổn thỏa cho cuộc sống sau này của họ.
Liệu rằng đâu là nguyên nhân khiến vị quân chủ "thà phụ người trong thiên hạ" ấy lại cất công chăm lo cho người nhà của kẻ từng phản bội mình tới vậy?
Cách hành xử kỳ lạ của Tào Tháo với gia quyến của thuộc hạ từng phản bội mình
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trần Cung, tự Công Đài, vốn là người nổi tiếng với tính tình cương trực, đa mưu túc trí nên từ thuở thiếu thời đã sớm nổi danh và kết giao với nhiều danh sĩ.
Năm 192, Thứ sử Duyện Châu Lưu Đại chết trận trong lúc chinh phạt quân Khăn Vàng. Nhóm người của Trần Cung khi đó đã chủ trương tạo điều kiện để Tào Tháo tiếp nhận Duyện Châu. Vị mưu sĩ họ Trần này cũng trở thành tâm phúc của Tào Mạnh Đức kể từ đó.
Tuy nhiên sau này, Trần Cung vì chứng kiến Tào Tháo sát hại nhiều người vô tội nên nảy sinh lòng bất hòa, liền thuyết phục Trương Mạc phản bội, tìm cơ hội cho Lữ Bố đánh vào Duyện Châu và Từ Châu. Kể từ đây, ông chính thức từ bỏ Tào doanh để gia nhập phe cánh của Lữ Bố.
Cho tới thời điểm Tào Tháo công phá thành Hạ Bì, Lữ Bố vì không nghe theo kế của Trần Cung nên thất bại. Cuối cùng, cả hai người đều bị bắt, Trần Cung quyết tâm chịu chết chứ không hàng và bị hành quyết.
Thế nhưng ngay cả khi chết trong tay Tào Tháo, người nhà của ông vẫn được vị quân chủ này đối xử hết sức thỏa đáng. Tào Tháo chu cấp cho mẹ ông đến hết đời, thậm chí còn gả chồng cho con gái ông.
Hé mở nguyên nhân khiến Tào Tháo không những không "đuổi cùng giết tận" mà còn hậu đãi người nhà của Trần Cung
Tranh minh họa.
Việc làm kỳ lạ này thực chất có liên quan tới màn đối thoại được ghi lại trong "Điển lược" của Trần Cung với Tào Tháo trước khi bị hành hình.
Theo đó, Tào Tháo nói với Trần Cung rằng:
"Khanh bình sinh tự cho là mưu kế có thừa. Nay lại thế nào?".
Trần Cung ngoảnh về phía Lữ Bố nói:
"Chỉ là người ngồi kia không nghe theo lời Cung nên mới ra nông nỗi này. Nếu hắn nghe theo thì đã chẳng bị bắt vậy".
Tào Tháo cười nói:
"Việc hôm nay phải làm thế nào?".
Trần Cung đáp:
"Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, tự biết phải chết".
Khi Tào Tháo hỏi về mẹ già, Trần Cung nói:
"Cung nghe nói, kẻ dùng đạo hiếu để trị thiên hạ thì không giết người thân của người khác; mẹ già còn hay mất là do ở minh công vậy".
Khi Tào Tháo lại hỏi về vợ con, Trần Cung đáp:
"Cung nghe nói, kẻ dùng lòng nhân để quản bốn cõi thì không dứt người nối dõi của người khác; vợ con còn hay mất cũng do ở minh công vậy".
Nói xong, ông sẵn sàng chịu chết. Tào Tháo khóc tiễn Trần Cung ra chiến trường, sau khi hành quyết càng đối đãi với người nhà họ Trần hậu hơn trước.
Thông qua màn đối thoại trên đây, có thể thấy việc Tào Tháo tha chết và an bài thỏa đáng cho thân nhân của Trần Cung chủ yếu xuất phát từ 3 lý do dưới đây.
Thứ nhất, Trần Cung đã đánh trúng vào mục tiêu đánh bóng tên tuổi của Tào Tháo.
Ảnh minh họa.
Trong màn đối thoại nói trên, có thể thấy Trần Cung dùng rất nhiều lời hoa mỹ. Ví dụ như "dùng đạo hiếu để trị thiên hạ", "dùng lòng nhân để quản bốn cõi", thậm chí còn gọi Tào Tháo là "minh công".
Những lời này mặc dù đều dễ nghe, nhưng được nói ra bởi Trần Cung ở vào thời điểm sắp bị hành quyết lại không hề mang tính chất nịnh nọt, cũng không hề mất đi khí tiết của vị mưu sĩ này.
Trần Cung thực chất biết rằng Tào Tháo muốn gây dựng thanh thế, liền lợi dụng điểm này để tung ra những lời nói trên, từ đó cố ý dồn Tào Tháo vào thế bí, khiến vị quân chủ này không thể hạ sát gia đình mình nếu không muốn mất mặt.
Về phần Tào Tháo, một mặt vì muốn đánh bóng tên tuổi, mặt khác lại không thể để mất thể diện chỉ vì một việc nhỏ này, cho nên ông chẳng những không giết người nhà họ Trần mà còn hậu đãi họ để sao cho đáng mặt đấng "minh công", xứng đáng là một người "dùng đạo hiếu để trị thiên hạ", "dùng lòng nhân để quản bốn cõi".
Thứ hai, Tào Tháo muốn lợi dụng việc làm này để chiêu mộ kẻ sĩ trong thiên hạ.
Ảnh minh họa.
Việc tha chết và hậu đãi thân nhân của một người từng phản bội mình sẽ khiến Tào Tháo được người đời đánh giá là bậc đại nghĩa, là người trọng tình. Những danh sĩ trong thiên hạ vì vậy sẽ càng muốn quy thuận ông.
Hơn nữa, việc làm nói trên cũng được xem là phù hợp với "đạo đức chiến tranh" vào thời đó. Bởi lúc bấy giờ, việc giao chiến vốn là chuyện giữa đàn ông với đàn ông, ai vì chủ nấy, không nên can dự tới gia quyến, đặc biệt là nữ quyến và trẻ nhỏ.
Việc tuân thủ "đạo đức chiến tranh" này dù cho không mang đến được bao nhiêu lợi ích thiết thực, nhưng lại giúp Tào Tháo dễ dàng có được danh tiếng, khiến cho càng nhiều người muốn nương nhờ dưới trướng ông.
Ngược lại, nếu quá thẳng tay đuổi cùng giết tận, Tào Tháo thậm chí có thể cho kẻ khác có được lý do tiêu diệt mình để "trừ họa". Một người luôn coi trọng ngoại giao như vị quân chủ này chắc chắn sẽ không để bản thân phạm phải sai lầm cấp thấp như vậy.
Thứ ba, Tào Tháo quả thực coi trọng mối giao tình với Trần Cung.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, Trần Cung dẫu sao cũng từng là công thần cũ của Tào Tháo. Thậm chí vị mưu sĩ này còn từng giúp ông lấy được Duyện Châu bằng con đường giao thiệp. Đây được xem là một bước đi chiến lược cho sự gia tăng quyền lực của Tào Tháo về sau.
Vì vậy, Tào Mạnh Đức dù hành quyết Trần Cung nhưng ít ra vẫn coi trọng tình xưa nghĩa cũ, không cạn tàu ráo máng tới mức hạ sát cả người nhà của vị công thần này.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong thời đại mà việc sinh tử phân tranh đã trở nên quá mức bình thường như thời Tam Quốc, người có trí khôn, người biết hành thiện đều vô cùng đáng quý.
Cho nên có nhiều khi, học cách thỏa hiệp để dừng lại đúng lúc mới thực sự là khôn ngoan. Tào Tháo hiểu được điều này, vì vậy dù cho lấy mạng Trần Cung nhưng vẫn hậu đãi người nhà của ông tới cùng.
*Dịch từ báo nước ngoài