Vào cuối năm nay, Free Fire sẽ tròn ba tuổi. Cách đây ba năm, trước khi được mua lại bởi Garena, Free Fire là một tựa game sinh tồn được phát triển bởi bàn tay của game thủ Việt. Được giới thiệu lần đâu vào năm 2017 bởi 111dots Studio - một hãng phát triển đầy tài năng của nước nhà. Free Fire là hậu bối của Bullet Strike: Battlegrounds của Horus Entertainment, Free Fire vẫn được thiết kế dựa trên lối chơi hành động, bắn súng kết hợp sinh tồn cực thú vị hệt PUBG đình đám.
Tại thời điểm đó, PUBG Mobile vẫn chưa được phát hành rộng rãi nên sự có mặt của Free Fire giống như một quả bom tấn đúng nghĩa đối với game thủ Việt, đặc biệt khi đây lại là sản phẩm được phát triển bởi chính người Việt. Giờ đây, Free Fire là sản phẩm đứng thứ ba trong Top 10 tựa game mobile có doanh thu cao nhất thế giới tháng 6/2020 vừa qua với kỷ lục 80 triệu người chơi cùng lúc trong một ngày.
Thuở sơ khai, Free Fire không được phát hành ngay lập tức trên toàn cầu. Game lúc bấy giờ có hai giai đoạn là Alpha Test và Open Beta Test, chỉ cho phép những người chơi đã đăng ký và chọn lọc tham gia. Đó là lý do tại sao đối với nhiều quốc gia, Free Fire lại có ngày phát hành chính thức là 4/12/2017 trên cả hai kho ứng dụng là App Store và Google Play, dù tựa game này đã được bàn tán trước đó khá lâu.
Ngày ấy, Free Fire chỉ có hai lựa chọn nhân vật nam và nữ giống như PUBG chứ không hề có tới hàng tá sự lựa chọn như bây giờ. Giờ đây, Free Fire đã lột xác hơn nhiều so với ngày ấy, sự thành công bao giờ cũng đi kèm với những phản ứng của cộng đồng. Một lối chơi Pay to win, hệ thống nhân vật, skin vũ khí tăng sức mạnh… khiến cho Free Fire phải nhận khá nhiều "gạch đá" từ người chơi vì cho rằng Free Fire hút máu.
Thêm nữa, game thủ của tựa game này cũng không nhận được cảm tình từ những cộng đồng khác. Mới đây, một người chơi Free Fire đã đưa ra nhận xét về PUBG Mobile như sau: "Mình là người chơi Free Fire và mình có trải nghiệm tựa game PUBG Mobile và mình có 1 số nhận xét như sau
- Game này tuy đồ hoạ đẹp hơn nhưng khó chơi
- Cứu mất 9s trong khi Free Fire cứu nhanh hơn nhiều
- Game quá nặng gây tốn pin nóng máy, giật lag
- Đi xe tốn xăng
- Vô nhà phải mở cửa
- Bo thu nhanh lại còn đau
- Map quá rộng chơi lâu và nhìn đau mắt"
Chính những bài viết như vậy khiến cho game thủ Free Fire phải nhận ánh mắt không mấy thân thiện từ cộng đồng. Sau gần ba năm, Free Fire từ một sản phẩm của người Việt đã thuộc về tay Garena và biến thành một tựa game sinh tồn thương mai trên toàn cầu. Thành công có, thành tích có, kỷ lục cũng có, nhưng chắc chắn những giá trị ban đầu của 111dots Studio tạo ra đã mai một đi ít nhiều.