Nhìn lại chặng đường phát triển của Thể thao Điện tử (Esports) Việt khiến cộng đồng dễ xúc động. Với một xuất phát điểm đầy khó khăn mang nhiều hoài nghi, định kiến từ xã hội khi phần lớn các vị phụ huynh coi việc "chơi game" là hình giải trí độc hại gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức. Giờ đây, lĩnh vực này được công nhận là một bộ môn thể thao chuyên nghiệp, liên tiếp nằm trong danh sách các bộ môn thi đấu chính thức, tranh huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Á vận hội (ASIAN Games).
Năm 2022, Thể thao điện tử Việt Nam liên tiếp gặt hái hàng loạt thành tích đáng tự hào, nổi bật là những tấm huy chương ở SEA Games 31. Chúng ta đem về bốn tấm Huy chương vàng ở các nội dung: Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) đồng đội nam, LMHT: Tốc chiến đồng đội nam, Đột Kích, PUBG Mobile cá nhân. Bên cạnh đó là ba Huy chương bạc ở các nội dung: Liên Quân Mobile, PUGB Mobile đồng đội và FIFA Online 4. Chưa hết, Esports Việt còn dành nhiều chiến thắng lẫy lừng trên đấu trường quốc tế tại GEG 2022, AIC 2022…
Thể thao Điện tử dần được công nhận là một ngành nghề chính thống, khi thực tế đã chứng minh, "chơi game" là một hình thức lao động có thể mang lại thu nhập ổn định, thậm chí là cả vinh quang và danh vọng. Chia sẻ trong Talkshow: Xu hướng ngành công nghiệp game trong việc phát triển kinh tế số, ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục PTTH và Thông tin điện tử) cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực:
"Từ chỗ là lĩnh vực nhận nhiều định kiến của xã hội và phụ huynh, việc có tên trong hạng mục tranh huy chương rồi có thành tích ấn tượng tại SEA Games, mang vinh quang về nước nhà đã cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng, góp phần thay đổi khái niệm của xã hội về lĩnh vực trẻ này".
Cũng trong cuộc trò chuyện, ông Tự Do cho biết, những xu hướng phát triển của các lĩnh vực liên quan đến Internet rất khó nhận định vì thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên có những xu hướng lớn dự báo được: "Game chắc chắn tiếp tục phát triển. Người chơi game ổn định trung thành. Lĩnh vực có nhiều đổi mới sáng tạo phù hợp với chuyển đổi số theo công nghệ mới".
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục PTTH và Thông tin điện tử cũng chỉ ra cơ hội và thách thức của ngành game trong thời gian tới: "Ngành game có thể phát triển livestream, hợp tác với nhãn hàng với sự đầu tư lớn. Tuy nhiên, thách thức là Esports cần có hệ sinh thái chuyên nghiệp hơn trong các khâu: tổ chức giải đấu, quản lý vận động viên,…".
Để khai thông điểm nghẽn làm ngành game chưa phát triển được, ông Lê Quang Tự Do cũng chỉ ra có ba việc cần làm. Đó là có những chính sách hỗ trợ phát triển cho các nhà phát hành, giải bài toán thay đổi định kiến của xã hội và ngăn chặn game lậu.
Với những định hướng rõ ràng trên, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Esports Việt, hy vọng rằng những nút thắt kìm chế sự phát triển sẽ sớm được khai thông, vị thế Thể thao Điện tử nước nhà sớm có thể sánh vai với những cường quốc Esports châu Á trong tương lai không xa.