Lego là những món đồ chơi dành cho tất cả mọi người, không phân biệt là trẻ em hay người trưởng thành, là con trai hay con gái. Sự thành công của Lego ngoài đời thực cũng đã kéo theo sự xuất hiện của nó trong thế giới ảo, khi hàng loạt tựa game lấy nhiều đề tài khác nhau khoác lớp áo Lego lên mình để chinh phục tất cả mọi người, trên tất cả mọi nền tảng từ PC, console đến mobile.
Nếu muốn kể ra tên của tất cả những tựa game Lego đã thành công, có lẽ Mọt sẽ phải dành ra khoảng… 1.000 chữ để làm điều đó. Nhưng nếu muốn kể ra tên của một tựa game Lego thất bại thảm hại, điều đó rất dễ dàng: chỉ có đúng một tựa game như vậy và nó mang tên Lego Universe. Đây là một tựa game online được thiết kế để trở thành nền tảng cho sự sáng tạo của game thủ hệt như Minecraft, nhưng nó lại hết sức “yểu mệnh”: sau khi bị hoãn một lần vào năm 2009, game được mở cửa thử nghiệm vào tháng 10/2010 nhưng lại bị đóng cửa chỉ hơn 14 tháng sau đó, vào tháng 1/2012 với lý do “không đủ lợi nhuận.”
Tại sao những khối vuông Minecraft lại thành công rực rỡ dù phải bắt đầu từ con số 0, còn một game mang thương hiệu Lego hoành tráng lại thất bại thảm hại? Tại sao nó lại không kiếm đủ lợi nhuận mà tập đoàn Lego mong muốn, dù game thủ sẵn sàng chi tiền đặt trước trò chơi nhằm được quyền tham gia vào giai đoạn thử nghiệm của nó?
Đó là vì “cây hàng” to
Mọt không đùa một chút nào, lý do mà một tựa game MMO có vẻ vô hại như Lego Universe thất bại là vì “của quý” – không phải là của một cá nhân nào, mà là của tất cả chúng ta.
Hãy để Mọt giải thích lý do thất bại khá buồn cười này. Dù Lego là một loại đồ chơi không phân biệt giới tính hay tuổi tác, Lego Universe được tập đoàn Lego đặt ra mục tiêu phục vụ những đứa trẻ còn ngây thơ, còn tin rằng cái món lủng lẳng giữa hai chân chỉ có công dụng để xả nước trong WC. Vì vậy, nó phải thật sạch sẽ, thật thuần khiết, và không được có sự xuất hiện của thứ dùng để đi tiểu dưới bất kỳ hình thức nào.
Để làm điều này, các sếp Lego yêu cầu đội ngũ phát triển game phải tạo ra một phần mềm có khả năng phát hiện những hình dạng tương tự “của quý” trong các công trình mà game thủ xây nên, bất kể hình dạng đó phô bày rõ rệt hay bị ẩn giấu bằng màu sắc, trong các hình khối hay chỉ có thể được nhìn thấy từ một góc độ nhất định.
Bà Megan Fox, một cựu binh từng làm việc trong đội ngũ phát triển Lego Universe nhớ lại yêu cầu này và nói rằng sau khi xem xét yêu cầu của các sếp, cô nói rằng việc tạo ra một phần mềm như vậy là bất khả thi. Ngoài việc che giấu bằng những trò ma mãnh như đã được nhắc đến ở trên, game thủ thậm chí còn có thể tạo ra “của quý” được tạo thành từ nhiều công trình, kiểu cái này làm bi, cái kia làm que, cái nọ làm đầu chóp, và phần mềm sẽ chẳng thể nào phát hiện ra được.
Hẳn bạn sẽ nói rằng “vậy thì cứ cho game thủ xây,” nhưng vấn đề là thương hiệu Lego cực kỳ được các bậc phụ huynh tín nhiệm. Lego tin rằng họ phải giữ vững lòng tin đó, đồng nghĩa với việc phải ngăn chặn sự xuất hiện của món hàng cấm này trong game bằng bất kỳ giá nào.
Cũng có liên quan đến chuyện kiểm duyệt này, một thành viên của đội ngũ phát triển suýt nữa đã bị sa thải vì xây dựng một công trình phạm quy trong khu đất của mình, nhưng một game thủ nhỏ tuổi đã lạc vào đó trong một buổi test và nhìn thấy công trình đó. Có vẻ như buổi thử nghiệm này xảy ra ngoài đời thực, bởi bà Megan kể rằng “nhân viên vận hành buổi test lao tới che màn hình, tắt phựt game” để ngăn đứa trẻ tiếp tục thấy hình ảnh trên màn hình.
Làm tự động không được thì làm bằng tay
Do giải pháp phần mềm không thể thực hiện được, Lego quyết định sử dụng một phương thức khác để ngăn chặn sự xuất hiện của những hình ảnh thiếu lành mạnh trong tựa game của mình. Họ bỏ tiền thuê một đội ngũ moderator khổng lồ để xem xét từng ngóc ngách, từng góc cạnh của các công trình mà game thủ xây dựng, nhằm đảm bảo rằng không có một “cây hàng” nào tự dưng mọc ra trong game dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu như bạn đã quen với việc blacklist các trang web hay những kẻ phá bĩnh trong game để ngăn chúng giao tiếp với mình, phương thức hoạt động của Lego Universe lại hoàn toàn ngược lại và được gọi là whitelist – chỉ những gì được duyệt mới được xuất hiện trong game. Các moderator của Lego Universe sẽ dùng phần mềm để chụp hàng núi screenshot của các công trình, các khu đất mà game thủ xây dựng, rồi tự mình ngồi xem xét từng khung hình một trước khi phê duyệt cho công trình đó xuất hiện trong game.
“Bạn có thể xây bất kỳ thứ gì mình muốn, nhưng người khác sẽ không bao giờ thấy chúng cho đến khi chúng tôi đã xem xét nó để tìm “của quý,” bà Megan cho biết. “Những moderator này là khoản chi lớn nhất trong việc vận hành Lego Universe.”
Bằng tay không được thì… đóng game
Như vậy, có thể tin rằng chính khoản lương cho đội ngũ moderator kiểm duyệt từng công trình mà game thủ xây dựng nên trong Lego Universe là lý do tại sao trò chơi không đem lại cho Lego nguồn doanh thu cần thiết. Ông Jesper Vilstrup, phó chủ tịch Lego Universe nói rằng “thật không may, chúng tôi đã không xây dựng được một mô hình lợi nhuận hài lòng nhắm vào khách hàng của mình, và vì thế quyết định đóng cửa trò chơi.”
Quả thật quyết định dẹp luôn game của Lego là sáng suốt. Nếu như chi phí vận hành đã đắt đỏ đến thế trong giai đoạn thử nghiệm, hãy tưởng tượng rằng khi có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu game thủ thi nhau xây dựng, số lượng công trình và hình ảnh mà đội ngũ moderator này phải kiểm duyệt sẽ tăng theo cấp số nhân. Nếu làm việc lâu dài ở cương vị này, có khi các moderator sẽ bị bệnh nghề nghiệp: mỗi khi gặp mặt ai đó, phản xạ đầu tiên của họ sẽ là nhìn xuống… đũng quần người đối diện để xem nó có hình dạng “của quý” hay không!
Hơn 3 năm sau khi Lego Universe bị dẹp bỏ, Lego hé lộ việc phát triển một tựa game Lego mới với nội dung tương tự nhưng có cái tên “khiêm tốn” hơn đôi chút là Lego Worlds. Trò chơi này được phát hành vào năm 2017 trên PC, PS4, Xbox One và không có sự kiểm duyệt gắt gao như Lego Universe bởi Lego đã nhận ra vấn đề với hướng tiếp cận của mình. Lego Worlds hiện đã vận hành được 3 năm và số lượng hàng nóng được game thủ xây dựng trong trò chơi này hẳn không dưới vài triệu, nhưng cho đến giờ phút này nó vẫn đang sống khỏe và chưa có dấu hiệu gì là những người phát triển trò chơi sẽ bị các bậc phụ huynh phẫn nộ xé xác vì dám để con mình thấy “của quý” trong game.